Kinh tế

Cây tiêu gặp "hạn"

Thời điểm này, cây hồ tiêu đang vào giai đoạn đậu quả chờ bước vào vụ thu hoạch mới. Nhưng do ảnh hưởng của những đợt mưa bão kéo dài vừa qua, cả chục hécta tiêu ở ấp Trường An (xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) bị úng nước, chết hàng loạt.

Tình trạng mưa dầm, ẩm thấp cũng khiến cho dịch bệnh trên cây tiêu phát triển mạnh, năng suất giảm sút.

Vườn tiêu chết của ông Phan Trung đang được dọn dẹp để chuyển đổi sang trồng loại cây khác.
Vườn tiêu chết của ông Phan Trung đang được dọn dẹp để chuyển đổi sang trồng loại cây khác.

Vụ thu hoạch năm nay, nông dân trồng hồ tiêu phải đối mặt với nỗi lo mất mùa, mất giá. Vì từ vài tháng trở lại đây, hồ tiêu liên tục “rớt” giá và dự đoán mặt hàng này tiếp tục hạ nhiệt khi bước vào vụ thu hoạch mới do nguồn cung lớn hơn cầu.

Tiêu chết hàng loạt

Ông Phan Trung, nông dân trồng tiêu tại ấp Trường An, là một trong những hộ nông dân bị thiệt hại nặng nhất vì có cả hécta tiêu đang ở giai đoạn cho thu hoạch đồng loạt thối rễ, khô dây. Hiện rẫy tiêu của ông vẫn ngổn ngang cảnh cưa, đào các trụ tiêu chết để chuyển đổi sang trồng loại cây khác. Nguyên nhân vườn tiêu chết là do những đợt mưa dầm kéo dài suốt thời gian qua khiến vườn tiêu bị úng nước, dù gia đình ông đã tốn không ít công đào mương thoát nước nhưng vẫn không cứu vãn được.

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong 10 tháng của năm, xuất khẩu hạt tiêu của doanh nghiệp trong tỉnh đạt kim ngạch trên 47 triệu USD; giảm 15% về giá, tương đương 1 tấn tiêu bán ra thấp hơn gần 1,5 ngàn USD. Một số doanh nghiệp cho biết giá hạt tiêu có thể tiếp tục giảm sâu khi bước vào vụ thu hoạch mới, nguồn cung dồi dào. Nguyên nhân chính là thời gian qua diện tích trồng hồ tiêu trên thế giới và Việt Nam liên tục tăng trưởng nóng. Riêng tỉnh Đồng Nai hiện có trên 13.638 hécta, vượt xa so với quy hoạch đề ra là phát triển 7 ngàn hécta hồ tiêu vào năm 2020.

Chỉ vào những dây tiêu đang dần héo rũ trong vườn, chị Phạm Thị Minh Phượng (con dâu của ông Phan Trung có vườn tiêu ở bên cạnh), cho biết: “Vì khu vực này là vùng đất trũng nên khi mưa dầm kéo dài, các nhà vườn đều có tiêu bị chết do úng nước. Nhà thiệt hại nặng nhất có cả hécta tiêu chết, nhẹ hơn thì vài trăm đến vài chục gốc bị chết. Điều lo lắng hơn cả là hiện thời tiết đã nắng ráo nhưng tình trạng tiêu chết rải rác vì lây lan nấm, bệnh vẫn chưa kết thúc. Những gốc tiêu còn sống cũng bị rụng bông, kém năng suất, càng gây khó khăn cho nông dân”.

Cũng như nhà chị Phượng, hiện rẫy tiêu của nhiều nông dân tại ấp Trường An (xã Thanh Bình) tiếp tục xảy ra tình trạng tiêu chết dần do lây lan nấm, bệnh. Ông Mai Xuân Thanh, nông dân trồng tiêu tại ấp Trường An, lo lắng: “Bao nhiêu vốn liếng gia đình tôi đổ vào đầu tư coi như mất hết. Vì đây là vườn tiêu tơ, năm nay mới bắt đầu cho thu hoạch nhiều thì hàng trăm gốc tiêu đồng loạt chết rụi. Sáng nay, chúng tôi vẫn phải cắt những dây tiêu mới chết về để nhặt trái, tiếc quá thì tận thu chứ đa số là tiêu non nên cũng chẳng được mấy ký”.

Lo mất mùa, mất giá

Tuy không bị mất trắng như một số vườn tiêu tại ấp Trường An, nhưng năng suất tiêu tại xã Thanh Bình cũng bị giảm sút mạnh. Ông Hoàng Văn Lập, nông dân giàu kinh nghiệm trồng tiêu tại xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom), nhận xét: “Tuy tốn thêm nhiều chi phí xử lý nấm bệnh và chăm bón cho vườn tiêu, nhưng vụ thu hoạch tới năng suất tiêu có thể sẽ giảm từ 30-40% so với vụ trước. Đây là tình trạng chung của nhiều nhà vườn ở vùng này do ảnh hưởng những đợt mưa dầm khiến tiêu rụng bông nhiều, những bông tiêu còn lại cũng bị răng cưa, bồ cào. Nông dân càng khó khăn hơn khi giá tiêu liên tục rớt giá”.

Cùng nỗi lo trên, ông Trần Văn Tánh, Phó giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San (huyện Cẩm Mỹ), so sánh: “Vụ thu hoạch năm nay, năng suất tiêu ở vùng này có thể giảm khoảng 20% so với vụ trước. Nhưng điều khiến nông dân lo lắng hơn cả là giá tiêu giảm mạnh, hiện còn chưa đến 130 ngàn đồng/kg, giảm khoảng 80 ngàn đồng so với cùng kỳ năm ngoái”. Giá tiêu giảm khiến nhiều nông dân chọn trữ tiêu, chưa bán ra thị trường. Lượng tiêu còn tồn nhiều trong khi chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch mới càng khiến giá mặt hàng này thêm bất ổn.

Bình Nguyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,245,185       2,480