Kinh tế

Nặng lòng với logistics

Hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, 12 năm điều hành doanh nghiệp logistics, ông Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa), Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, đã trải qua nhiều thăng trầm với nghề và vẫn đầy trăn trở cho việc phát triển logistics còn non trẻ của Việt Nam.

Ông Hưng đang kiểm tra đơn hàng của khách.
Ông Hưng đang kiểm tra đơn hàng của khách.

 * “Gà” nhà đá nhau

Hiện bắt đầu vào mùa hàng xuất nhập khẩu mạnh cho những tháng cuối năm 2016, ông Hưng khá bận rộn. Đây là lĩnh vực có tính rủi ro cao khiến nhiều đêm ông mất ngủ vì lo đảm bảo việc an toàn hàng hoá của khách. Ông Hưng cho hay, điểm yếu cố hữu của các doanh nghiệp logistics Việt Nam là chỉ biết cạnh tranh bằng giá. Ông Hưng trăn trở: “Quy mô của các doanh nghiệp làm dịch vụ vận tải, logistics của Việt Nam phần lớn là nhỏ và rất khiêm tốn về vốn nhưng tính liên kết với nhau lại rất yếu. Chất lượng dịch vụ chưa cao, chủ yếu thực hiện những công đoạn đơn giản, như: giao nhận nội địa, thực hiện chứng từ xuất nhập khẩu. Các doanh nghiệp chủ yếu cạnh tranh với nhau bằng cách hạ giá, như vậy chẳng khác nào “gà” nhà đá nhau”.

Ông Hưng cho rằng, muốn phát triển không còn con đường nào khác phải chuyên nghiệp hóa. Vì vậy, dù là doanh nghiệp nhỏ song ông vẫn cố gắng mời các chuyên gia đào tạo áp dụng hệ thống quản lý chất lượng dịch vụ cho doanh nghiệp của mình hoạt động theo tiêu chuẩn ISO; nghiên cứu xây dựng hệ thống quản trị rủi ro cho doanh nghiệp và đã tạo ra được sự khác biệt trong dịch vụ để đáp ứng tính cạnh tranh. Ông Hưng cho biết, hoạt động trong lĩnh vực này phần lớn các giao dịch làm ăn diễn ra với các nhà sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài đều theo tiêu chuẩn ISO, vì vậy khi làm dịch vụ rất cần đồng bộ với khách hàng.

* Cạnh tranh còn gay gắt

Chia sẻ về hoạt động dịch vụ vận tải, logistics trong nước, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai không khỏi băn khoăn. Theo ông, hoạt động logistics ở Việt Nam hiện đang ở tình trạng bất đối xứng. Bởi số lượng doanh nghiệp của Việt Nam làm dịch vụ này tuy đông, nhưng 80% thị phần lại rơi vào doanh nghiệp logistics nước ngoài có mặt tại Việt Nam. Về cạnh tranh trong lĩnh vực này, ông Hưng cho rằng đang trở nên khốc liệt bởi sân chơi hiện vẫn do doanh nghiệp ngoại dẫn dắt. Cụ thể, như: giá cước phí vận tải biển hiện nay doanh nghiệp nước ngoài định, hay phụ phí mất cân bằng container vận tải đáng lý các hãng tàu phải chịu, nhưng họ vẫn đẩy được về phía doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.

Cũng từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp mình, theo ông Hưng, cần có một ủy ban logistics hoạt động độc lập để nghiên cứu đề xuất các chính sách Nhà nước hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam có thể vươn lên. Cụ thể, như việc tiếp cận đất đai dễ dàng hơn; có quy hoạch logistics sớm để doanh nghiệp tiếp cận được hệ thống kho bãi chuyên nghiệp. “Việt Nam tham gia 12 hiệp định FTA tự do thương mại song phương và đa phương, ngành xuất nhập khẩu còn phát triển mạnh, như vậy cơ hội cho hoạt động logistics là rất lớn nhưng cạnh tranh ngày càng cao. Đó cũng chính là những thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp logistics nhỏ và vừa hiện nay” - ông Hưng chia sẻ.

Vân Nam

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,975,222       1,267