Kinh tế

Chế biến trái cây: Gồng mình chờ vụ tết

Khoảng 3 tháng nay, ngành chế biến rau củ, trái cây rơi vào khó khăn, thậm chí một số doanh nghiệp (DN) phải từ chối đơn đặt hàng của khách vì thiếu nguyên liệu trong sản xuất.

Khoảng 3 tháng nay, ngành chế biến rau củ, trái cây rơi vào khó khăn, thậm chí một số doanh nghiệp (DN)  phải từ chối đơn đặt hàng của khách vì thiếu nguyên liệu trong sản xuất.

Chế biến nha đam tại Công ty TNHH thực phẩm G.C (Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom).
Chế biến nha đam tại Công ty TNHH thực phẩm G.C (Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom).

* Khó khăn về nguyên liệu

Thời gian qua, nhiều mặt hàng trái cây, như: mít, chuối, thơm... liên tục tăng giá. Mọi năm, sản lượng mít tươi cung cấp ra thị trường khá đều đặn với sản lượng dồi dào thì năm nay cũng gặp cảnh khan hàng, giá cao. Ông Liu Tác Sáng, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Thuận Hương (huyện Định Quán), lo lắng: “Mít sấy là mặt hàng chủ lực của công ty vì nguồn nguyên liệu trước giờ luôn dồi dào để chế biến quanh năm. Nhưng cả buổi chiều qua, tôi tự đi thu gom mít tại các xã ở huyện Xuân Lộc mà không có hàng đành về tay không. Khoảng 3 tháng trở lại đây, nhà máy phải tăng gấp rưỡi, gấp đôi giá thu mua các loại nguyên liệu, như: hạt sen, khoai lang, khoai môn... Nhưng nhiều mặt hàng chúng tôi đang phải sản xuất cầm chừng, hoặc phải từ chối đơn của khách vì thiếu nguyên liệu chế biến”.

Nguyên nhân giá nhiều loại trái cây, nông sản tăng giá thất thường ít nhiều có ảnh hưởng do thời tiết khiến sản lượng không đều hoặc sụt giảm. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến các cơ sở, DN chế biến điêu đứng là vì tình trạng thời gian qua, thương lái Trung Quốc  ồ ạt thu gom nhiều loại trái cây và rau củ tươi. Ông Bùi Thanh Vân, Giám đốc Công ty TNHH Vân Phát (huyện Trảng Bom), nhận xét: “DN đang gặp không ít khó khăn trong sản xuất vì giá trái cây, rau củ tăng cao trong khi đầu ra chúng tôi đã ký hợp đồng trước nên rất khó điều chỉnh giá”.

* Lo yếu thế trong cạnh tranh

Theo các DN, những mặt hàng trái cây, rau củ chế biến đều sử dụng nguyên liệu trong nước. Khó khăn lớn nhất hiện nay là tình trạng sản xuất của nông dân vẫn chạy theo phong trào. “Trong khi DN chế biến rất cần có được nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, nhưng chỉ cần 1 vụ thu hoạch rớt giá, nông dân sẵn sàng chuyển đổi sang cây trồng khác, thậm chí chặt bỏ vườn cây đã đầu tư nhiều năm để chạy theo những mặt hàng đang có giá tốt trên thị trường. Vụ sản xuất mùa Tết Nguyên đán năm nay, DN càng hồi hộp, lo lắng vì thời tiết thất thường có thể tiếp tục ảnh hưởng năng suất nhiều loại cây ăn trái. DN rất quan tâm và sẵn sàng hỗ trợ nông dân để xây dựng được những vùng nguyên liệu nhưng không dễ xây dựng được mối liên kết chặt chẽ với nông dân” - ông Vân nói.

Bà Lê Phương Thu, đại diện Công ty TNHH Long Kim (TP.Hồ Chí Minh), cũng cho rằng điểm yếu trong cạnh tranh của ngành chế biến Việt Nam là thiếu nguồn nguyên liệu ổn định.  Bà Thu dẫn chứng: “Tôi đã ký hợp đồng thu mua nông sản với nông dân, nhưng chỉ cần ngoài thị trường có giá cao hơn chút ít là nông dân sẵn sàng bán ngay cho thương lái, rồi sau đó khi rớt giá lại rơi vào vòng luẩn quẩn chặt trồng, trồng chặt. Đây cũng là nguyên nhân khiến ngành chế biến của Việt Nam yếu thế trong cạnh tranh khi tham gia thị trường xuất khẩu”.

Vụ sản xuất cuối năm nay rất khó khăn cho DN dù cơ hội về đầu ra thị trường là rất lớn vì nhu cầu xuất khẩu mặt hàng trái cây, rau củ tươi và sơ chế đang tăng nhanh. Nhưng giá đường hiện đã tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái; mọi chi phí chế biến cũng đang nhích dần càng về cuối năm khiến DN buộc phải sản xuất cầm chừng dù bắt đầu bước vào mùa cao điểm sản xuất tết.

Bình Nguyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,974,955       1,175