Kinh tế

Chuyện từ những hầm chui, cầu vượt

Để giải bài toán kẹt xe cho TP.Biên Hòa ở những nút giao "nóng", các nhà chuyên môn phải xử lý bằng phương án xây dựng hầm chui hoặc cầu vượt để giảm ùn tắc.

LTS: Nhằm tiếp tục cải tiến chất lượng Báo Đồng Nai và góp phần nâng cao nhận thức, thực hiện nếp sống văn hóa - văn minh đô thị tại các khu đô thị, thị trấn, thị tứ, thực hiện các chuẩn mực giá trị của văn hóa dân tộc và đáp ứng yêu cầu tổ chức cuộc sống tốt đẹp của cộng đồng trong môi trường sinh hoạt đô thị…, kể từ số báo này, Báo Đồng Nai mở chuyên trang Văn minh đô thị ra định kỳ 2 lần/tháng.

Biên Hòa là đô thị loại I, song hạ tầng của thành phố lại không phát triển theo kịp mức tăng dân số cơ học. Chính sự quá tải về dân số nên rất cần người dân thành phố có những ứng xử đúng mực để đô thị bớt sự lộn xộn, nhếch nhác.

Xe máy, xe đạp vô tư chạy ngược chiều ở làn xe ô tô tại nút giao ngã tư Vũng Tàu.
Xe máy, xe đạp vô tư chạy ngược chiều ở làn xe ô tô tại nút giao ngã tư Vũng Tàu.

Để giải bài toán kẹt xe cho TP.Biên Hòa ở những nút giao “nóng”, các nhà chuyên môn phải xử lý bằng phương án xây dựng hầm chui hoặc cầu vượt để giảm ùn tắc. Việc đó đã thấy rõ hiệu quả ở các điểm bố trí hệ thống giao thông này.

* Mỹ quan đô thị

TP.Biên Hòa trong một thời gian dài khi nhắc đến ngã tư Vũng Tàu, vòng xoay Tam Hiệp, ngã tư Amata hay ngã tư Tân Phong là mọi người hình dung ngay ra là những nơi trọng điểm của kẹt xe. Người dân hàng ngày phải lưu thông qua đây rất ngán ngẩm. Tỉnh đã nỗ lực rất lớn để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở những nơi này. Hàng loạt công trình được xây dựng: đầu tiên là cầu vượt ngã tư Vũng Tàu; sau một thời gian đưa vào sử dụng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, nơi đây lại tiếp tục được bổ sung hầm chui một chiều; vòng xoay Tam Hiệp được xây dựng hầm chui ở dưới và ngã tư Amata được bố trí cầu vượt. Hiện UBND tỉnh đã giao cho Sở Giao thông - vận tải làm chủ đầu tư và nghiên cứu xây dựng hầm chui tại nút giao ngã tư Tân Phong.

Không chỉ vậy, nhiều phụ huynh đưa đón con đi học cũng vô tư đi vào đường cấm. Ở hầm chui Tam Hiệp - nơi cấm các loại xe 2 bánh đi qua, vậy mà thỉnh thoảng vẫn có người liều chạy xe máy chui qua hầm này. Nguy hiểm của hầm này là các xe ô tô qua đây đang lấy đà lên dốc. Gần đây nhất vào tối 29-10 vừa qua, một xe máy đi xuống hầm này đã bị tai nạn khiến người đi xe máy chết ngay tại chỗ.

Đều là giải quyết ùn tắc giao thông, song việc xây dựng hầm chui hay cầu vượt cũng được nâng lên, đặt xuống, cân nhắc nhiều lần của các nhà quản lý. Theo quan điểm của UBND tỉnh, chọn phương án xây dựng hầm chui hay cầu vượt phải thỏa mãn tiêu chí là an toàn giao thông và mỹ quan cho đô thị. Quan điểm này được nhiều người ủng hộ. Kiến trúc sư Vũ Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn thiết kế xây dựng Nam Kiến (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa), cho rằng trong thành phố chọn giải pháp xây cầu vượt thường làm mất mỹ quan đô thị. Bởi nếu làm một cầu vượt đẹp, thiết kế đạt thẩm mỹ sẽ rất tốn kém, vì vậy xây dựng hầm chui sẽ giải quyết được vấn đề mỹ quan hơn.

Điều này cũng là đắn đo của đơn vị tư vấn khi thiết kế hầm chui vòng xoay Tam Hiệp. Ông Lê Đông Hà, Phó giám đốc Công ty cổ phần tư vấn thiết kế cầu lớn và hầm (TP.Hà Nội), đơn vị tư vấn thời gian đó, cũng cho rằng vòng xoay Tam Hiệp là cổng vào nội ô TP.Biên Hòa nên rất cần thông thoáng để đảm bảo mỹ quan, vì vậy chọn phương án xây dựng hầm chui. Với ngã tư Tân Phong, lãnh đạo Sở Giao thông - vận tải cho hay, cũng dựa trên tiêu chí an toàn giao thông và mỹ quan đô thị nên đã chọn phương án xây dựng hầm chui ở đây.

* Bất tuân luật lệ

Rõ ràng, các nút giao được đầu tư hầm chui, cầu vượt đã giảm ùn tắc giao thông rất hiệu quả, các công trình đã phát huy được tác dụng; tính mỹ quan đô thị cũng được chú ý. Thế nhưng, bên cạnh đó thì nhiều người tham gia giao thông lại không tuân thủ Luật Giao thông đường bộ ở đây. Việc này rất rõ tại nút giao ngã tư Vũng Tàu hiện nay. Từ khi hầm chui được đưa vào sử dụng, giao thông được phân luồng lại thì tình trạng người đi xe 2 bánh cứ vô tư đi vào phần đường của xe 4 bánh cho tiện, có nhiều phen thấy thót tim. Cụ thể, xe máy từ đường số 11 bên Khu công nghiệp Biên Hòa 1 khi qua quốc lộ 51 phải đi vòng xuống chân cầu Đồng Nai rồi quay ngược trở lại. Như vậy, xa hơn khoảng 1,5km so với đi băng thẳng qua vòng xoay. Nguy hiểm ở đây khi các xe 2 bánh băng qua ngã tư phải đi chung trong làn xe ô tô khoảng 1km mới có đường để ra, trong khi xe 4 bánh đoạn này đang được phép chạy liên tục không phải dừng đèn tín hiệu giao thông.

Xe máy đi vào phần đường dành cho xe 4 bánh tại ngã tư Vũng Tàu.
Xe máy đi vào phần đường dành cho xe 4 bánh tại ngã tư Vũng Tàu.

Một số người dân khi băng qua ngã tư này còn chọn giải pháp liều hơn là đi ngược chiều ở phần đường ô tô trên quốc lộ 1, hướng từ cầu Đồng Nai về ngã tư để ra làn đường xe 2 bánh cho tiện. Tại đây không ít xe máy đi từ cầu Đồng Nai về hướng ngã tư Tam Hiệp thì chen vào làn xe ô tô để đi thẳng, bất chấp đây là điểm vào cua của xe ô tô. Đại diện Ban An toàn giao thông tỉnh cho rằng việc tổ chức giao thông như hiện nay là không hợp lý, cần phải tổ chức lại. Tuy nhiên, nhiều người dân cũng không nên “liều mạng” đi như hiện nay vì quá nguy hiểm. Bởi đây là nơi xe tải lớn và xe container qua lại nhiều, đặc biệt khi vào cua có những điểm “mù”, tài xế không quan sát được rất dễ xảy ra tai nạn giao thông. Việc nêu gương của người lớn không có khiến một số học sinh cũng làm theo.

Khắc Giới

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,248,478       2,331