Kinh tế

Tìm đầu ra cho sản phẩm

Trong hội nghị giao thương giữa các doanh nghiệp (DN), siêu thị, hợp tác xã (HTX) ở 2 tỉnh Đồng Nai và An Giang, nhiều bản ghi nhớ hợp tác đã được ký kết. Như vậy, tới đây các DN sẽ liên kết đưa hàng của Đồng Nai về An Giang tiêu thụ và ngược lại.

Các doanh nghiệp Đồng Nai và An Giang giới thiệu sản phẩm để kết nối phân phối hàng hóa.
Các doanh nghiệp Đồng Nai và An Giang giới thiệu sản phẩm để kết nối phân phối hàng hóa.

Thực tế, có nhiều mặt hàng của Đồng Nai đã được tiêu thụ tại tỉnh An Giang qua các kênh siêu thị, DN, đại lý như: găng tay cao su, nấm, trái cây, phân bón..., tuy nhiên số lượng chưa lớn. Phía các DN An Giang hiện đang cung ứng cho Đồng Nai gạo, trái cây đặc sản, thủy hải sản, nước mắm... Một số sản phẩm của Đồng Nai đang được các nhà phân phối của An Giang dự tính sẽ đặt hàng với số lượng lớn để tiêu thụ.

* Mở thêm thị trường

Hầu hết các DN, HTX của Đồng Nai và An Giang đều khẳng định, vấn đề được quan tâm nhất và là sự sống còn của DN, HTX là đảm bảo chất lượng hàng hóa và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, hướng đến xuất khẩu. Nhu cầu của người tiêu dùng trong nước ngày càng đòi hỏi sản phẩm phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tiện lợi và giá cả hợp lý. Tuy nhiên, do qua nhiều khâu trung gian nên sản phẩm đến tay người tiêu dùng cao gấp 1,5-2 lần so với giá các DN, HTX bán ra.

Theo ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương, DN, HTX thường gặp khó khăn cho đầu ra của sản phẩm là do chưa làm tốt khâu quảng bá sản phẩm để người tiêu dùng biết đến và lựa chọn. Để hỗ trợ DN, HTX tìm đầu ra cho hàng hóa, tỉnh sẽ thường xuyên tổ chức các đợt giao thương, xúc tiến thương mại.

Ông Lê Bạch Long, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (xã Long An, huyện Long Thành), cho biết: “Công ty đưa ra thị trường găng tay cao su các loại với số lượng khoảng 2 triệu đôi/tháng, giá bình quân khoảng 12 ngàn đồng/đôi, nhưng vì qua nhiều khâu trung gian nên đến tay người tiêu dùng tăng gấp 1,5-2 lần. Mục tiêu của công ty là mở rộng thị trường trong nước, tìm các nhà phân phối tại các tỉnh, thành giảm bớt khâu trung gian để sản phẩm đến tay người dùng không quá cao”. Ông Long cũng chia sẻ thêm, qua đợt giao thương này sẽ liên kết với một số đại lý, DN sản xuất thủy sản dưới An Giang để cung cấp sản phẩm trực tiếp, giảm bớt khâu trung gian, giá sản phẩm rẻ hơn sẽ tăng sức cạnh tranh.

Ông Nguyễn Quang Hòe, Giám đốc HTX nông nghiệp dịch vụ tiểu thủ công nghiệp Long Khánh (TX.Long Khánh), cho hay: “Trước đây, nấm của HTX chủ yếu bán thô cho các DN, nhưng nay đã chế biến và đóng bao bì đủ các loại lớn nhỏ để bán cho các đại lý nhằm mở rộng đầu ra và tăng lợi nhuận. Hiện HTX có 6 sản phẩm nấm khô, tươi các loại. Một số đại lý, siêu thị tại An Giang đã ký kết tới đây sẽ tiêu thụ nấm của HTX”.

Theo ông Hòe, nguồn nấm của HTX rất lớn nếu có thị trường có thể cung ứng hàng chục tấn nấm mèo khô, bào ngư tươi và linh chi/tháng. TX.Long Khánh là vựa nấm lớn nhất cả nước, giá bán luôn thấp hơn các nơi khác. “Công ty đang cung ứng gạo an toàn cho một số bệnh viện, DN tại Đồng Nai nhưng số lượng chưa nhiều. Đồng Nai là nơi có đông DN nên công ty muốn liên kết cung ứng gạo trực tiếp để giảm bớt chi phí khâu trung gian để cả hai bên cùng có lợi” - ông Phạm Hữu Vinh, Trưởng phòng Kinh doanh nội địa Công ty TNHH lương thực Tấn Vương (tỉnh An Giang), nói.

* Kết nối cung - cầu

Theo các nhà phân phối thì để sản phẩm được nhiều người tiêu dùng lựa chọn phải đảm bảo các yếu tố ngon, an toàn, giá cạnh tranh.

Bà Nguyễn Thị Hồng Khanh, Giám đốc Co.opmart Biên Hòa, cho biết: “Sản phẩm của các HTX, DN muốn vào được hệ thống siêu thị phải đảm bảo các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc rõ ràng, tiện lợi và giá cạnh tranh. Có nhiều mặt hàng của Đồng Nai, An Giang rất phù hợp đưa vào hệ thống Saigon Co.op. Tới đây, tôi sẽ giới thiệu các DN, HTX liên hệ trực tiếp với bên mua tại trụ sở chính tại TP.Hồ Chí Minh để sản phẩm được bán tại 80 siêu thị thuộc hệ thống”. Đồng Nai là tỉnh có đông công nhân nên DN cung ứng suất ăn công nghiệp rất nhiều, nhu cầu về gạo, rau, thực phẩm khá lớn. Những DN này cho biết nông sản, thực phẩm, rau đạt tiêu chí an toàn, ngon, rẻ sẽ ký hợp đồng mua với số lượng lớn.

Bà Đặng Thị Lệ Quyên, Giám đốc Công ty TNHH thức ăn Xanh (ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, huyện Nhơn Trạch), cho biết: “Công ty nấu gần 8 ngàn suất ăn công nghiệp/ngày cho cả người Việt lẫn người nước ngoài nên mỗi ngày cần khoảng 10 tấn gạo và gần 10 tấn thực phẩm, rau tươi, trái cây  các loại. Vì thế, DN, HTX nào có những sản phẩm trên, đảm bảo tiêu chí an toàn thực phẩm, tươi ngon và giá rẻ thì công ty sẵn sàng ký hợp đồng mua hàng lâu dài”.

Hương Giang

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,993,720       658