Kinh tế

Gấp rút xây dựng giá xử lý rác

Theo yêu cầu của tỉnh thì chậm nhất là cuối năm 2016, các huyện, thị, thành trong tỉnh phải hoàn thành việc xây dựng đơn giá xúc, vận chuyển, xử lý rác.

Sau khi có đơn giá mới thống nhất, các địa phương sẽ tiến hành đấu thầu, đơn vị nào bỏ thầu giá rẻ, máy móc vận chuyển đạt yêu cầu và tỷ lệ chôn lấp thấp sẽ được lựa chọn.

Khu xử lý rác Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) chủ yếu vẫn là chôn lấp.
Khu xử lý rác Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) chủ yếu vẫn là chôn lấp.

Theo Sở Tài nguyên - môi trường, mỗi ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh hơn 1.620 tấn rác sinh hoạt. Hiện nay, rác sinh hoạt chủ yếu được thu gom đưa về 9 khu quy hoạch xử lý chất thải. Trong đó, tỷ lệ tái chế làm phân bón và đốt được gần 30%, hơn 70% vẫn phải chôn lấp hợp vệ sinh.

Mỗi nơi một giá

Những năm qua, đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt ở mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh một khác và không thống nhất. Do đó, có nơi giá chỉ hơn 400 ngàn đồng/tấn, nhưng có nơi lên đến hơn 500 ngàn đồng/tấn. Theo quy định của tỉnh, trong năm 2016 sẽ xây dựng đơn giá thống nhất và các địa phương sẽ tiến hành đấu thầu. Việc xây dựng đơn giá dựa trên tính toán từ việc đầu tư xây dựng khu xử lý rác của các doanh nghiệp (DN) đang làm công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác trên địa bàn về các khu được quy hoạch. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại tỉnh mới chỉ phê duyệt được đơn giá xử lý rác của các địa phương: Tân Phú, Định Quán, Thống Nhất, Trảng Bom và Biên Hòa. Còn các huyện khác đều phải áp giá tạm tính, nguyên nhân là do các DN đầu tư các dự án xử lý rác chậm so với tiến độ.

Ông Lê Văn Thư, Phó giám đốc Sở Tài chính, cho biết: “Những năm qua, thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt mỗi nơi một giá, không thống nhất. Hầu hết những công việc trên được đặt hàng cho các hợp tác xã, DN làm. Xây dựng bộ đơn giá mới thống nhất toàn tỉnh, tiến hành đấu thầu sẽ chọn được đơn vị xử lý rẻ, đảm bảo”. Cũng theo ông Thư, các doanh nghiệp thu gom, vận chuyển, xử lý rác có đầu tư xe, máy móc hiện đại, giảm bớt lao động phổ thông thì giá thường rẻ hơn. Theo đại diện của Sở Xây dựng, ở nhiều địa phương, việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác vẫn dùng các phương tiện thô sơ, gây ra ô nhiễm trong quá trình vận chuyển. Vì thế, trong đấu thầu các địa phương nên đưa ra yêu cầu những đơn vị trúng thầu phải đạt tỷ lệ dùng máy móc, xe chuyên dụng là bao nhiêu để giảm ô nhiễm trong quá trình vận chuyển.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng, từ nay đến cuối năm 2016 phải xây dựng đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý rác và tiến hành đấu thầu để đầu năm 2017 có đơn giá thống nhất. Mục tiêu là để chọn ra các DN thu gom, vận chuyển, xử lý rác đạt yêu cầu nhằm bảo vệ môi trường tốt hơn.

Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Nguyễn Ngọc Thường đề xuất: “Phải có đơn giá thống nhất trong khâu thu gom, vận chuyển, xử lý rác để làm căn cứ đấu giá. Như vậy, đơn vị nào bỏ thầu rẻ, có đầy đủ máy móc, xe vận chuyển, xử lý tốt sẽ trúng thầu. Về phía Sở sẽ giám chặt các khâu để bảo vệ môi trường”. Ông Thường cũng lưu ý các địa phương khi đấu thầu phải xem xét đơn vị tham gia xem tỷ lệ chôn lấp rác là bao nhiêu phần trăm? Nếu chủ yếu chôn lấp rác thì không nên lựa chọn vì yêu cầu của tỉnh phải chôn lấp dưới 15%.

Nhiều địa phương băn khoăn

Đa số các địa phương trong tỉnh đều tỏ ra băn khoăn khi tiến hành đấu thầu thu gom, vận chuyển, xử lý rác. Vì đấu thầu thì những đơn vị có máy móc, xe vận chuyển và xử lý rác tốt và rẻ sẽ trúng thầu. Vậy những hợp tác xã, DN môi trường không trúng thầu sẽ rơi vào tình trạng phá sản. Đồng thời, có thể xảy ra trường hợp DN ở huyện Định Quán trúng thầu ở huyện Nhơn Trạch, Long Thành và sẽ vận chuyển rác dọc tỉnh về khu DN đã đầu tư để xử lý. Quá trình vận chuyển rác này không kiểm soát tốt sẽ gây ô nhiễm môi trường và những khu xử lý rác theo quy hoạch sẽ gặp tình trạng nơi quá tải, nơi không có rác xử lý.

“Tới đây, huyện sẽ kiến nghị tỉnh đưa thêm ràng buộc đơn vị trúng thầu phải vận chuyển rác về khu đã quy hoạch gần nhất để xử lý, tránh được tình trạng vận chuyển rác đi xa gây ô nhiễm và quá tải ở một vài khu” - Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành Nguyễn Tấn Hưng nói.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (ấp Tân Triều, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) bày tỏ: “Các hộ gia đình trong ấp khá bức xúc và mong muốn huyện, tỉnh quy định xe vận chuyển rác phải là xe chuyên dụng để tránh ô nhiễm trong quá trình vận chuyển”. Mong muốn của bà Hạnh cũng là mong muốn chung của nhiều người dân trong tỉnh. Hiện nay, ở các địa phương trong tỉnh, như: Biên Hòa, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch..., nhiều xe vận chuyển rác không phải là xe chuyên dụng nên quá trình vận chuyển bốc mùi hôi thối, nước rỉ rác chảy ra đường gây ô nhiễm và mất mỹ quan.

Khánh Minh

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        4,005,720       674