Trong hoạt động xuất nhập khẩu gần đây, không ít doanh nghiệp (DN) ở Đồng Nai đã gặp rủi ro khi bán hoặc mua hàng của đối tác nước ngoài
. Nhìn lại những vụ việc đã xảy ra, có thể thấy nhiều DN chưa xem xét kỹ các điều khoản trong hợp đồng và còn lúng túng trong giải quyết tranh chấp thương mại.
Công ty TNHH Hoàn Mỹ (huyện Vĩnh Cửu) chuyên sản xuất nút áo xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới (ảnh minh họa). |
Đồng Nai hiện có trên 3 ngàn DN tham gia hoạt động xuất nhập khẩu. 12 hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết là cơ hội cho các DN mở rộng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, tuy nhiên đi kèm đó là những rủi ro nếu DN không chú ý tìm hiểu thông tin của đối tác trước khi đàm phán và đưa các điều khoản cụ thể vào trong hợp đồng.
Chú ý điều khoản hợp đồng
Theo Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), thương mại quốc tế ngày càng có nhiều DN lừa đảo. Do đó, trước khi tiến hành đàm phán, ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài, DN Việt Nam nên tiến hành tìm hiểu kỹ những thông tin về đối tác qua internet, tham tán thương mại Việt Nam tại nước đó. Những nội dung DN Việt Nam nên tìm hiểu là: đăng ký DN; các giám đốc, cổ đông, công ty liên quan; kiện tụng; tình hình hoạt động kinh doanh; báo cáo tài chính; nhận định các rủi ro. Hiểu rõ thực lực của đối tác sẽ giúp DN Việt Nam đàm phán thuận lợi và có những quyết định phù hợp hơn. Trong soạn thảo hợp đồng, DN cũng cần chú ý đến điều khoản về chất lượng hàng hóa, số trọng lượng, giá, giao hàng, điều khoản force majeure và hardship (những điều khoản về các trường hợp bất khả kháng cần điều chỉnh lại hợp đồng, đảm bảo công bằng cho các bên).
TS.Nguyễn Minh Hằng, Trọng tài viên VIAC, Trưởng khoa Luật (Trường đại học ngoại thương), cho biết: “Muốn giảm bớt rủi ro trong mua bán quốc tế thì khi làm hợp đồng, DN nên thuê các chuyên gia tư vấn vì đã có những DN từng ký hàng trăm hợp đồng với DN nước ngoài không gặp trục trặc, nhưng chỉ cần một hợp đồng gặp rủi ro là phá sản. Do đó, DN Việt Nam có mua bán quốc tế không được chủ quan và đặc biệt chú ý khi ký kết làm ăn với DN Singapore”.
Theo Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), trong hơn 9 tháng của năm 2016, trung tâm đã nhận xử lý khoảng 150 vụ tranh chấp mua bán quốc tế. Riêng khu vực TP.Hồ Chí Minh khoảng 80 vụ, trong đó có những doanh nghiệp nước ngoài chọn VIAC giải quyết tranh chấp vì chi phí thuê trọng tài của VIAC thấp hơn nhiều so với thuê trọng tài quốc tế ở nước ngoài. |
Đồng Nai là tỉnh có xuất nhập khẩu lớn thứ 4 trong cả nước với kim ngạch trên 27 tỷ USD/năm. Quá trình mua bán quốc tế của các DN trong tỉnh cũng gặp không ít vướng mắc và rủi ro. Ông Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát (TP.Biên Hòa), Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, nêu ví dụ: “Có những trường hợp hàng hóa giao ở cảng đi thì còn nguyên vẹn, nhưng khi tới cảng đến thì các kiện hàng bị méo mó. Các trường hợp trên rất khó đòi bồi thường nếu để đối tác thuê tàu vận chuyển. Vì vậy, muốn giảm bớt rủi ro trong khâu vận chuyển, các DN Việt Nam nên giành quyền vận chuyển hàng hóa”.
Giải quyết tranh chấp
Theo phản ánh của các DN xuất nhập khẩu nông sản, gỗ, may mặc... gần đây xảy ra nhiều rủi ro trong mua bán quốc tế. Nhiều DN sản xuất điều Việt Nam ký hợp đồng mua nguyên liệu từ châu Phi, nhưng phía đối tác chậm giao hàng, giao hàng kém chất lượng, hủy ngang hợp đồng không trả lại tiền đặt cọc, bị mất hàng trong container khi về Việt Nam mới phát hiện ra. Các DN xuất khẩu gạo, tiêu cũng phản ánh với tham tán thương mại các nước về tình trạng đối tác mua hàng không thực hiện nghiêm chỉnh hợp đồng đã ký. Mới đây nhất, với mong muốn có đơn hàng, nhiều DN trong ngành chế biến gỗ đã vội xúc tiến làm ăn cùng đối tác nước ngoài, dẫn đến sơ hở trong điều khoản hợp đồng nên đã chịu thiệt thòi khá lớn. Điển hình là vụ Công ty TNHH Gia Hân
(TP.Biên Hòa) ký hợp đồng sản xuất, cung cấp các sản phẩm gỗ cho Công ty Globle Home.
“Nhìn lại những vụ việc xảy ra trong mua bán quốc tế như nêu trên cũng như trong quá trình tiếp xúc với DN, có thể thấy nhiều DN không có kinh nghiệm xem xét kỹ lưỡng các điều khoản trong hợp đồng xuất, nhập khẩu. Đồng thời, các DN còn lúng túng trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại trong hoạt động xuất, nhập khẩu” - ông Vũ Xuân Phong, Phó chủ tịch VIAC, nhận định. Cũng theo ông Phong, khi phát sinh tranh chấp, các bên nên đàm phán, hòa giải thông qua tổ chức trọng tài hoặc cá nhân trọng tài, nhưng phải ghi biên bản và đem đến tòa án để đăng ký.
Ông Châu Việt Bắc, Phó tổng thư ký VIAC, người từng tham gia giải quyết hơn 300 vụ tranh chấp quốc tế, nói: “Khi xảy ra tranh chấp, DN Việt Nam thường băn khoăn giữa chọn trọng tài hay chọn tòa án. Nếu chọn trọng tài, DN có thể lựa chọn người am hiểu lĩnh vực đang tranh chấp, thỏa thuận về thời gian, địa điểm, ngôn ngữ nên vụ việc được giải quyết nhanh hơn; còn chọn tòa án phải đợi chỉ định thời gian, chánh án và chỉ dùng ngôn ngữ tiếng Việt. Đôi khi chánh án không am hiểu lĩnh vực, dẫn đến vụ việc kéo dài”. Tuy nhiên, DN lựa chọn trọng tài thì chi phí thường cao hơn tòa án, song có thể xử tranh chấp trực tuyến tại VIAC, giảm chi phí đi lại.
Hương Giang