Hơn 3 năm trở lại đây, nguồn vốn cho vay đầu tư vào chăn nuôi tại Đồng Nai liên tục tăng, do nhiều người dân đã mạnh dạn vay vốn để xây dựng chuồng trại, tăng đàn gia súc, gia cầm.
Một doanh nghiệp mới đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng trại nuôi gà ở xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ). Ảnh: K.Minh |
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai, dư nợ cho vay chăn nuôi gần 9 tháng của năm 2016 đạt hơn 4 ngàn tỷ đồng, tăng gần 30% so với cuối năm 2015. Đây là một trong 2 lĩnh vực cho vay vốn có mức tăng cao nhất. Trong đó, cho vay đầu tư phát triển chăn nuôi nhiều nhất là Ngân hàng Nông nghiệp - phát triển nông thôn chi nhánh Đồng Nai với trên 3,2 ngàn tỷ đồng.
* Vay chăn nuôi tăng mạnh
Gần 4 năm nay, giá heo hơi luôn ở mức cao giúp người chăn nuôi có lời nhiều. Có những thời điểm giá heo hơi lên đến 54-55 ngàn đồng/kg, cứ 1 con heo thịt xuất chuồng người nuôi thu lời hơn 1 triệu đồng. Do đó, nhiều người dân đã vay vốn đầu tư thêm trang trại và tăng đàn. Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng là nơi hấp dẫn nhiều nhà đầu tư ngoại, đổ vốn vào chăn nuôi nên cũng có những trang trại vay vốn đầu tư chuồng trại để nuôi gia công hoặc cho thuê lại chuồng trại.
Ông Nguyễn Huy Trinh, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp - phát triển nông thôn chi nhánh Đồng Nai, cho biết: “Đến thời điểm này, dư nợ cho vay riêng lĩnh vực chăn nuôi của ngân hàng khoảng 3.215 tỷ đồng, tăng gần 450 tỷ đồng so với cuối năm 2015. Khách hàng vay vốn gồm có chủ trang trại và các hộ chăn nuôi. Phần lớn vốn được vay là để đầu tư vào xây dựng chuồng trại để nuôi heo, gà”. Nguồn vốn đổ vào chăn nuôi tăng cao nên tổng đàn heo, gà, vịt của tỉnh thời gian qua cũng tăng cao. Đơn cử, tổng đàn heo của tỉnh cuối năm 2014 khoảng 1,3 triệu con thì nay đã tăng lên 1,7 triệu con. Gà cũng từ 14,5 triệu con, nay tăng lên hơn 16 triệu con. Vịt trước đây chỉ nuôi nhỏ lẻ khoảng vài trăm ngàn con, hiện đã lên đến 2,3 triệu con và một số hộ đã đầu tư trang trại để nuôi vịt dạng bán công nghiệp.
Ông Trần Như Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH An Phú Xuân, cho hay: “Tôi đã đầu tư khoảng 40 tỷ đồng để làm hệ thống chuồng trại tại xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc), có công suất khoảng 2.400 heo nái và cho Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam thuê. Số vốn đầu tư trên, tôi phải vay từ ngân hàng chứ không có đủ”. Nhiều chủ trang trại tại Đồng Nai mới mở rộng chuồng trại và tăng đàn cho biết hầu hết đều phải vay vốn từ ngân hàng vì nguồn vốn có sẵn không đủ. Nhưng theo tính toán của các chủ trang trại, các hộ chăn nuôi thì với lãi suất ổn định từ 7-11%/năm như hiện nay và giá heo hơi từ 44 ngàn đồng/kg trở lên thì người nuôi vẫn có lời.
* Thu hút nhiều nhà đầu tư
Đồng Nai là tỉnh có tổng đàn heo lớn nhất cả nước, chăn nuôi của tỉnh gần 70% theo hình thức trang trại tập trung. Vì vậy, tỉnh cũng là nơi “hội tụ” hầu hết các tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài đầu tư vào sản xuất thức ăn chăn nuôi, như: CP (Thái Lan), CJ (Hàn Quốc), Cargill (Hoa Kỳ), Tập đoàn Masan, Tập đoàn Hòa Phát... Sau đầu tư thức ăn chăn nuôi, các ông lớn này đều mở rộng ra chăn nuôi bằng cách thuê lại chuồng trại hoặc liên kết để nuôi gia công. Vì thế, chăn nuôi trong tỉnh hình thành theo 3 xu hướng là: vay vốn, đầu tư mở rộng chuồng trại, tăng đàn chăn nuôi độc lập; người chăn nuôi vay vốn đầu tư chuồng trại đúng chuẩn, liên kết với các doanh nghiệp để nuôi gia công; đầu tư chuồng trại đúng chuẩn và cho doanh nghiệp thuê lại.
Bà Tô Thị Hà, chủ trang trại heo ở ấp Đông Kim, xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất), nói: “Giá heo mấy năm nay ổn định nên tôi đã vay ngân hàng khoảng 2 tỷ đồng xây thêm chuồng trại và tăng đàn gấp đôi lên 300 heo nái và 3 ngàn heo thịt. Tôi chọn cách nuôi độc lập để không lệ thuộc vào doanh nghiệp nào. Cách này nếu giá heo ổn định thì lợi nhuận cao hơn nuôi gia công. Song khi giá biến động, rủi ro khá cao”. Theo bà Hà, để những trang trại nuôi độc lập như bà giảm rủi ro, các ngân hàng cho vay lãi suất nên ổn định, thời hạn cho vay nên kéo dài thêm để người chăn nuôi chủ động.
Khánh Minh
Ông Thái Hoàng Hùng, Trưởng phòng Khách hàng bán lẻ của Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương chi nhánh Đồng Nai, cho biết: “Hơn 3 năm trở lại đây, khách hàng vay đầu tư trang trại chăn nuôi tăng khá cao. Dư nợ cho vay chăn nuôi của ngân hàng đến cuối tháng 9 khoảng 150 tỷ đồng”. Nếu giá heo, gà ổn định ở mức người chăn nuôi có lời thì nguồn vốn đổ vào chăn nuôi của tỉnh thời gian tới còn tăng. Ngoài các hộ chăn nuôi, chủ trang trại thì nhiều doanh nghiệp cũng đang muốn “chen chân” và phát triển chăn nuôi tại Đồng Nai.