Kinh tế

Làm giàu từ đất đá

Ông Trần Văn Hồng được nhiều người biết tiếng "mát tay" nuôi dê tại xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu).

Ông Trần Văn Hồng được nhiều người biết tiếng “mát tay” nuôi dê tại xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu). Ông còn kết hợp mô hình trồng cây keo đậu làm trụ đỡ cho cây tiêu, vừa tận dụng được nguồn lá cây cho dê ăn nên tăng giá trị thu nhập cho cùng một diện tích đất trồng.

Ông Trần Văn Hồng giới thiệu trại nuôi dê trong vườn tiêu. Ảnh: B.Nguyên
Ông Trần Văn Hồng giới thiệu trại nuôi dê trong vườn tiêu. Ảnh: B.Nguyên

Nuôi dê, trồng tiêu trên đất đá

Ông Trần Văn Hồng kể: “Gốc quê nghèo miền Trung, tôi vào đây hơn 20 năm nay chỉ biết gắn bó với nghề nông. Đây là vùng đất có nhiều đá mồ côi nên đầu tư trồng cây cũng tốn nhiều công lao động hơn. Tôi đã trồng thử nghiệm qua rất nhiều giống cây, từ cây hàng năm đến đầu tư vườn cà phê, vườn táo rồi mới chọn cây tiêu hiện đang đứng đầu về lợi nhuận”. Trên diện tích đất rộng gần 2 hécta, ông đều phủ kín cây keo đậu vừa làm giá đỡ cho tiêu, vừa tận dụng nguồn lá cây để làm thức ăn nuôi dê.

Theo ông Hồng, mô hình nuôi dê tận dụng nguồn phế phẩm nông nghiệp là các loại cỏ, lá cây keo đậu trồng làm giá đỡ cho cây tiêu được lợi nhuận rất cao. Vì nông dân chỉ cần bỏ công cắt cỏ, hái lá làm nguồn thức ăn cho dê nên không lo tốn chi phí thức ăn chăn nuôi. Chất thải nuôi dê lại là phân bón rất tốt cho vườn tiêu. “Đây là mô hình lấy ngắn nuôi dài giúp nông dân tích lũy nguồn vốn để tái đầu tư cho sản xuất nông nghiệp. Vì nếu chia ra nuôi nhiều lứa, tháng nào nông dân cũng có dê thịt xuất chuồng nên có tiền chăm sóc cho vườn cây lâu năm” - ông Hồng nói.

Nuôi dê theo hướng công nghiệp

Ông Hồng chia sẻ: “Từ 10 năm trước, tôi đã thử nghiệm nuôi con dê thịt kết hợp trồng cây lâu năm để có nguồn thu nhập lấy ngắn nuôi dài. Nhưng thời điểm đó, đầu ra cho loại vật nuôi này quá bấp bênh nên tôi bỏ đàn. Vài năm trở lại đây, tôi lại tái đàn với quy mô lớn vì đầu ra cho dê thịt ngày càng tốt”. Giới thiệu trại nuôi với quy mô hàng trăm con dê thịt, ông Hồng nhận xét trước đây nông dân chủ yếu nuôi dê với quy mô nhỏ lẻ vì nuôi nhiều không biết bán cho ai. Nhưng hiện nay nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư nuôi với quy mô đàn lớn vì không lo khó về đầu ra. Nuôi dê nhốt chuồng với quy mô lớn có nhiều thuận lợi vì con dê ít bị dịch bệnh, lại không nặng vốn đầu tư cho khâu thức ăn.

Tuy nhiên, theo ông Hồng, nuôi dê với quy mô lớn theo hướng công nghiệp, người chăn nuôi phải quan tâm đầu tư bài bản từ khâu chuồng trại đến chọn lọc con giống. Yếu tố quan trọng không kém là phải nắm vững kỹ thuật nuôi, ứng dụng khoa học - công nghệ để tính được khẩu phần ăn đủ hàm lượng dinh dưỡng cho vật nuôi tăng trưởng, cách phòng và xử lý khi có dịch bệnh... chứ không chỉ đơn giản theo kiểu cắt cỏ bỏ vào chuồng như cách nuôi truyền thống. “Cùng với việc tổ chức trại nuôi theo quy mô lớn, yếu tố quyết định thắng, thua là người nuôi phải “nhạy” trước sự thay đổi của nhu cầu thị trường. Trong đó, người nuôi cần liên kết hình thành vùng chuyên nuôi dê thịt, có thương lái tham gia bao tiêu sản phẩm để có đầu ra bền vững” - ông Hồng nói.

Bình Nguyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,023,794       43