Kinh tế

Ô nhiễm nặng từ chăn nuôi

Mỗi năm, Đồng Nai có lượng chất thải từ chăn nuôi trên 2,5 triệu tấn. Song xử lý chất thải trong chăn nuôi phần lớn mới chỉ dừng lại ở việc dùng làm hầm chứa biogas.

Nước thải từ hầm biogas chưa được xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường dẫn đến tình trạng ô nhiễm còn nhiều.

Hệ thống xử lý chất thải được đầu tư gần 3 tỷ đồng tại trang trại ở xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ).
Hệ thống xử lý chất thải được đầu tư gần 3 tỷ đồng tại trang trại ở xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ).

Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, tổng đàn gia súc, gia cầm trong tỉnh là hơn 24 triệu con, trong đó heo khoảng 1,7 triệu con, gà 16 triệu con, cút 4 triệu con, vịt 2,3 triệu con...; còn lại là trâu, bò, dê. Đồng Nai có gần 2,6 ngàn trang trại chăn nuôi và gần 22 ngàn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Bức xúc vì ô nhiễm

Với tốc độ phát triển đàn nhanh, Đồng Nai trở thành “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước. Tuy nhiên, việc xử lý chất thải trong chăn nuôi chưa được các trang trại và các hộ nuôi nhỏ lẻ quan tâm đúng mức nên dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, gây bức xúc cho nhiều người dân sinh sống gần các khu chăn nuôi. Hầu hết trong những đợt tiếp xúc cử tri tại các địa phương, người dân đều phản ánh tình trạng chăn nuôi gây ô nhiễm nguồn nước và không khí.

Ông Lê Khắc Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc, cho hay: “Các trang trại chăn nuôi ở huyện đi vào hoạt động, khâu xử lý chất thải hầu hết là qua hầm biogas rồi ra các hồ chứa sinh học. Do đó, việc xử lý nước thải không đạt yêu cầu theo quy chuẩn hiện hành. Vì thế, đợt tiếp xúc cử tri nào cũng có ý kiến phản ánh về tình trạng ô nhiễm do chăn nuôi”. Vấn đề của huyện Xuân Lộc cũng là vấn đề chung của những địa phương khác trong tỉnh đang có chăn nuôi phát triển. Toàn tỉnh mới có gần 9 ngàn trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ dùng các biện pháp xử lý chất thải bằng hầm biogas và qua bể sinh học để lắng lọc. Như vậy, số còn lại là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn đang xả thải trực tiếp ra môi trường.

“Các cơ sở chăn nuôi trong tỉnh mới chỉ áp dụng biogas để xử lý chất thải, rất ít cơ sở xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường. Vì vậy, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi vẫn còn nhiều, và cần những giải pháp thích hợp để chăn nuôi có thể phát triển bền vững” - ông Nguyễn Trường Giang, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y (Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn) nói.

Khó hết ô nhiễm

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường và tài nguyên (Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh), để chăn nuôi bền vững, các cơ sở chăn nuôi nên áp dụng các biện pháp xử lý chất thải. Hiện nay, có khoảng 6 cách xử lý chất thải chăn nuôi đạt chuẩn trước khi xả ra môi trường. Những cách này đều đã được tỉnh triển khai và nhiều trang trại, hộ gia đình áp dụng tương đối hiệu quả, giảm thiểu được ô nhiễm. Tới đây, các cơ sở chăn nuôi không áp dụng những giải pháp bảo vệ môi trường sẽ bị xử phạt rất nặng.

Giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chăn nuôi là vấn đề được tỉnh cũng như các địa phương rất quan tâm. Những biện pháp xử lý ô nhiễm có kết quả cao đều được tỉnh triển khai xuống các địa phương để các cơ sở chăn nuôi ứng dụng nhằm giảm bớt ô nhiễm, như: sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý mùi hôi và ủ phân compost; xử lý bằng hầm biogas có hệ thống xử lý nước thải; chăn nuôi bằng đệm lót sinh học; xử lý chất thải bằng ủ phân hữu cơ... Nhưng nhiều cơ sở chăn nuôi chỉ quan tâm đến lợi nhuận, chưa chú trọng đến việc áp dụng các biện pháp để bảo đảm môi trường xung quanh.

Ông Mạc Như Đức, chủ trại heo ở xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất), chia sẻ: “Trại heo của tôi có tổng đàn khoảng 100 con, việc xử lý chất thải là đưa ra hầm biogas để thu khí gas đun nấu. Nước thải phát sinh được đưa ra hồ tự lắng lọc chứ không có đủ khả năng đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn”. Theo Sở Tài nguyên - môi trường, rất ít cơ sở chăn nuôi trong tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải phát sinh trong chăn nuôi trước khi xả ra môi trường vì một hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi có giá từ 1-3 tỷ đồng. Với những trang trại vừa và nhỏ, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì đầu tư một hệ thống xử lý nước thải là điều rất khó khăn. “Trang trại của tôi có 2 ngàn con heo nái, 80 ngàn con gà thịt mà phải đầu tư hệ thống xử lý chất thải khoảng 3 tỷ đồng, trong đó riêng hệ thống xử lý nước thải tốn gần 2 tỷ đồng” - ông Nguyễn Phạm Đình Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Kim Ngọc Xuyến (xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ), chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó giám đốc Sở Tài nguyên-môi trường, khẳng định: “Tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi của tỉnh vẫn còn nhiều. Có những trang trại lớn cũng chưa xử lý được mùi hôi và nước thải. Mới đây, Bộ Tài nguyên - môi trường đã có quy định riêng về xử lý chất thải trong chăn nuôi, một số thông số đã bỏ và giảm xuống nhưng vẫn ít trang trại đạt được”.  Với quy định mới về xử lý chất thải trong chăn nuôi, tuy một số thông số được bỏ và giảm, không đòi hỏi quá cao như trước, song mức xử phạt khá nặng, có thể lên đến 200 triệu đồng nếu gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Hương Giang

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,996,137       745