Kinh tế

Làm giàu trên đất rừng trồng

Từ năm 1995, hàng ngàn hộ dân của xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) đã tham gia nhận giao khoán trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.

Những hộ dân này đã trồng xen canh cây hàng năm, cây lâu năm dưới tán rừng để tăng thu nhập.

Tham quan vườn tiêu trồng dưới tán rừng tại xã Thanh Sơn (huyện Định Quán), Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh (thứ 2, bên trái) khẳng định đây là mô hình hay cần khuyến khích nhân rộng.
Tham quan vườn tiêu trồng dưới tán rừng tại xã Thanh Sơn (huyện Định Quán), Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh (thứ 2, bên trái) khẳng định đây là mô hình hay cần khuyến khích nhân rộng.

Gần chục năm trở lại đây, người dân mạnh dạn đầu tư chuyển đổi sang những giống cây trồng cho lợi nhuận cao. Nhờ đó, xã vùng sâu này đang ngày càng thay da đổi thịt, nông dân đang vươn lên làm giàu chứ không chỉ với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo như trước.       

Nhiều tỷ phú nông dân

Theo Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp La Ngà, đơn vị giao khoán đất đất rừng cho người dân, mô hình nông - lâm kết hợp vừa góp phần giảm áp lực về công tác quản lý bảo vệ rừng, vừa từng bước nâng cao đời sống cho người dân sống gần rừng.

Tính đến nay, trên 3 ngàn hécta đất rừng sản xuất và rừng phòng hộ đã được giao khoán cho hơn 2,6 ngàn hộ dân thực hiện trồng rừng xen canh với cây nông nghiệp tại huyện Định Quán. Ông Ngô Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, nhận xét: “Trước đây, người dân chỉ có thêm phần nào thu nhập nhờ trồng xen canh cây hàng năm, như: thuốc lá, đậu nành... Ngày nay, Thanh Sơn có nhiều hộ khá lên, giàu lên nhờ chuyển đổi sang các cây trồng cho lợi nhuận cao, như: trồng xen canh các loại cây có múi; xen canh cà phê - tiêu; cây có múi - cây tiêu; cây tiêu - chuối...”.

Ông Võ Văn Tùng, nông dân có cả chục hécta quýt xen canh dưới tán cây rừng tại xã Thanh Sơn, chia sẻ: “Trước đây, trồng quýt xen canh với cây rừng mới trồng cho lợi nhuận “khủng” với năng suất có khi đạt đến 50-70 tấn/hécta, nên có giai đoạn phát triển diện tích quýt đạt cả ngàn hécta. Do phát triển ồ ạt, sau đó nhiều nông dân buộc phải chặt bỏ cây trồng này do cây thoái hóa, rủi ro vườn cây chết vì dịch bệnh”. Nhưng theo ông Tùng, đây vẫn là cây trồng đứng tốp đầu về lợi nhuận nếu người trồng nắm vững về kỹ thuật và có sự đầu tư bài bản.

Thanh Sơn ngày nay có những người có cả chục, thậm chí hàng chục hécta chuyên canh cây quýt, chuối cấy mô...xen dưới tán cây rừng đạt năng suất, chất lượng cao nên có lợi thế về đầu ra. Ông Trần Nam Biên, Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán, cho biết: “Vùng quýt Thanh Sơn từ xưa đã có tiếng trên thị trường. Cây trồng này cũng đang cho lợi nhuận rất cao nên địa phương sẽ tổ chức phục hồi lại vùng trồng quýt. Trong đó, việc thành lập hợp tác xã để liên kết nông dân trong sản xuất và tổ chức đầu ra cho sản phẩm là rất cần thiết. Huyện cũng rất quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng, nhất là về đường giao thông nông thôn để tạo đà cho địa phương phát triển”.    

Cây tiêu đang dẫn đầu

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đánh giá, mô hình trồng cây nông nghiệp xen canh với cây rừng cho hiệu quả kinh tế rất cao. Ở đây, không chỉ riêng Định Quán mà các huyện miền núi, vùng sâu, như: Tân Phú, Vĩnh Cửu... cũng cần quan tâm khuyến khích nhân rộng mô hình trên gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nâng cao mức sống, thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, các địa phương khi triển khai phải xác định rõ mục đích chính của chương trình vẫn là phát triển, bảo vệ rừng.

Theo đánh giá của nông dân, cây tiêu đang là cây trồng dẫn đầu về lợi nhuận khi được trồng xen canh dưới tán cây rừng. Diện tích cây tiêu đang phát triển rất nhanh trong vài năm trở lại đây. Tính đến nay, chỉ riêng xã Thanh Sơn đã có hơn 2 ngàn hécta mô hình trồng tiêu xen canh chuối, cà phê, cây có múi... dưới tán cây rừng.

Ông Sần Sùi Khìn, nông dân hiện đang nhận khoán khoảng 28 hécta đất rừng trồng tại xã Thanh Sơn, chia sẻ: “Tôi đã trồng thử nghiệm rất nhiều mô hình cây nông nghiệp xen canh với cây rừng, như: thuốc lá, điều, cà phê..., trong đó cây tiêu vẫn đang dẫn đầu về lợi nhuận. Cụ thể, với hơn 3 hécta xen canh tiêu dưới tán rừng, tôi đang đạt lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng/năm”.

Rất nhiều nông dân ở Thanh Sơn cũng đang chọn nhân rộng diện tích trồng tiêu vì tận dụng được sẵn thân cây rừng làm trụ đỡ nên không quá nặng vốn đầu tư, cây sinh trưởng tốt, ít công chăm sóc và nhất là hạn chế được rủi ro dịch bệnh.

Bà Lưu Thị Thùy, nông dân ở ấp 7, cho hay: “Hiện tôi chỉ mới trồng xen canh khoảng 100 gốc tiêu/hécta rừng trồng nhưng đã đạt lợi nhuận gần 200 triệu đồng/năm. Cây tiêu sinh trưởng rất tốt dưới tán cây rừng, nhờ trồng thưa nên hầu như không lo cây bị dịch bệnh”.

Bình Nguyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,998,814       611