Kinh tế

Lại trễ hẹn di dời các cơ sở ô nhiễm

Theo quy định của UBND tỉnh, đến 31-12-2015 có 185 cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các khu dân cư phải di dời để bảo vệ môi trường và quy hoạch đô thị.

Nhưng đến nay đã quá hạn gần 9 tháng, mới có 91 cơ sở di dời hoặc ngưng hoạt động (đạt tỷ lệ 49,1%).

Một cơ sở gốm ở phường Tân Vạn (TP.Biên Hòa) sẽ phải di dời khỏi khu dân cư, song hiện gặp nhiều khó khăn.
Một cơ sở gốm ở phường Tân Vạn (TP.Biên Hòa) sẽ phải di dời khỏi khu dân cư, song hiện gặp nhiều khó khăn.

Theo Sở Tài nguyên - môi trường, do nhiều cơ sở gặp khó khăn về tài chính, địa điểm di dời nên tỉnh đã gia hạn thêm 1 năm.

Nguyên nhân chậm di dời

Phần lớn các cơ sở phải di dời trong đợt 1 đều là của các hộ gia đình, đất tự có, vốn xây dựng nhà xưởng, mua máy móc, thiết bị do tích cóp mở rộng dần. Vì thế khi di dời nhà xưởng cũ và nhiều máy móc, thiết bị phải bỏ, đến nơi mới ngoài tiền mua đất, thuê đất phải có thêm từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng để đầu tư xây dựng mới. Bên cạnh đó, những cơ sở sản xuất nếu di dời còn gặp cảnh khó tìm lao động... Cũng vì những lý do trên nên Sở Tài nguyên - môi trường đã đề xuất tỉnh gia hạn thêm, cụ thể hạn chót cho các cơ sở phải di dời trong đợt 1 đến ngày 31-12-2016.

Bà Nguyễn Kim Lan, chủ cơ sở sản xuất gốm đen tại KP.2, phường Tân Vạn (TP.Biên Hòa), chia sẻ: “Di dời vào Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh thì nhà xưởng, các lò nung gốm cũ đều phải bỏ. Tôi đang tiến hành hoàn tất thủ tục để đầu tư xây dựng nơi sản xuất mới, theo ước tính ban đầu chi khoảng 4-5 tỷ đồng. Ngoài thiếu vốn đầu tư, tôi lo nhất là khó tìm thợ vì Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh xa, ít thợ chịu đi theo”. Bà Lan cho biết thêm, dù rất yêu nghề gốm và muốn mở rộng sản xuất nhưng bà sẽ thu hẹp sản xuất do “lực bất tòng tâm”. Vướng mắc của bà Lan cũng là vướng mắc chung của trên 37 cơ sở sản xuất gốm buộc phải di dời, trong số đó có gần 10 cơ sở vì không có đủ tài chính để đầu tư nhà xưởng đã ngưng hoạt động.

Những cơ sở chăn nuôi trong khu dân cư tại các huyện và TX.Long Khánh cũng là một trong 4 nhóm phải di dời trong đợt đầu. Hiện tỉnh đã quy hoạch 139 vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi để các cơ sở di dời đến. Nhưng nhiều khu quy hoạch chăn nuôi ở xa, chưa có đường, điện, nước nên các chủ trang trại vẫn “né” chưa thực hiện việc di dời. Bởi di dời, các cơ sở phải bỏ ra số tiền vài tỷ đồng để mua đất, xây dựng trang trại. Bà Nguyễn Thị Tuyết, chủ trang trại gà ở xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu), nói: “Trang trại của tôi buộc phải di dời từ cuối năm 2015 nên đã ngưng chăn nuôi. Vì chuyển đến vùng khuyến khích chăn nuôi, hạ tầng điện, đường không có thì làm sao vận chuyển vật tư đầu vào và sản phẩm được”.

Mạnh tay hơn

Hiện nay, UBND tỉnh và các huyện cũng đã lên danh sách các cơ sở phải di dời đợt 2. Dự tính đợt này sẽ có khoảng 129 cơ sở tiếp tục phải di dời ra khỏi khu dân cư.

Ngoài 12 cơ sở là các doanh nghiệp do đặc thù, nên tỉnh gia hạn cho đến cuối năm 2017, các cơ sở khác nếu không gấp rút chuẩn bị di dời, đến đầu năm 2017 tỉnh sẽ xử lý nghiêm.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhấn mạnh: “Tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ vốn vay cho các cơ sở phải di dời đang thiếu vốn. Còn những cơ sở chưa tìm được nơi đến, sẽ được Sở Kế hoạch - đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai giới thiệu. Dù việc di dời gây khó khăn cho nhiều cơ sở, song vì bảo vệ môi trường, đảm bảo quy hoạch đô thị, tỉnh buộc phải làm nghiêm”.

Theo ông Đặng Minh Đức, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, đối với các cơ sở có động thái tích cực trong việc thực hiện di dời, Sở sẽ kiến nghị tỉnh cho gia hạn đến ngày 31-12-2016. Còn những trường hợp cố tình không di dời, Sở đề nghị tỉnh lập thủ tục thu hồi đất.

Các doanh nghiệp có tên trong danh sách di dời đợt 1 phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, nên dù có được giới thiệu thuê đất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cũng khó đủ khả năng để vào do giá thuê đất cao. Vì vậy, các doanh nghiệp này mong muốn tỉnh có thêm chính sách ưu đãi trong thuê đất thì mới đủ khả năng để đầu tư mới. Một số doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi phải di dời cho hay, do không đủ tiềm năng về vốn nên đành “liều” cứ sản xuất, chăn nuôi, khi nào tỉnh làm nghiêm quá không thể duy trì sản xuất, chăn nuôi thì ngưng hoạt động.

Hương Giang

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,998,873       599