Kinh tế

Đầu tàu kinh tế: Làm nhiều, hưởng ít

Các chuyên gia kinh tế cho rằng vùng Đông Nam bộ là đầu tàu kinh tế của cả nước, nhưng đang "có vấn đề" nếu không có những thay đổi, khó khăn sẽ đến vô vàn.

Diễn đàn Kinh tế Đông Nam bộ 2016 với chủ đề “Hội nhập quốc tế: Tận dụng các cơ hội mới cho liên kết và tăng trưởng” vừa được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh. Các chuyên gia kinh tế cho rằng vùng Đông Nam bộ là đầu tàu kinh tế của cả nước, nhưng đang “có vấn đề” nếu không có những thay đổi, khó khăn sẽ đến vô vàn.

Vùng Đông Nam bộ đang chịu áp lực trước nguồn lao động bị thiếu hụt. Trong ảnh: Sản xuất hàng công nghệ cao tại một công ty ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch).
Vùng Đông Nam bộ đang chịu áp lực trước nguồn lao động bị thiếu hụt. Trong ảnh: Sản xuất hàng công nghệ cao tại một công ty ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch).

Các nhà kinh tế đã chia sẻ, Việt Nam đang đứng trước một thời kỳ hội nhập chưa từng có, nhưng năng lực lại rất hạn chế. Việc này không sớm cải thiện có nguy cơ bị tụt hậu xa.

* Đầu tư chưa xứng đáng

Các chuyên gia kinh tế đều thừa nhận, Đông Nam bộ là vùng kinh tế quan trọng nhất cả nước, là đầu tàu kinh tế. Nếu vùng Đông Nam bộ thành công thì cả nước thành công, nếu vùng Đông Nam bộ thất bại, nền kinh tế Việt Nam hứng chịu hậu quả ngay lập tức. Thế nhưng, ở đầu tàu kinh tế này lại đang có một bất cập lớn.

TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại TP.Hồ Chí Minh, đưa ra con số so sánh: Trong khi Đông Nam bộ đóng góp 45% GDP, 50% giá trị công nghiệp, 49% xuất khẩu, 52% số thu ngân sách của cả nước thì đầu tư phát triển cho Đông Nam bộ chỉ có hơn 18%, đây là khoảng cách rất xa so với nhu cầu. “Tôi nghĩ, nếu như Đông Nam bộ được giữ lại một khoản ngân sách lớn hơn một chút thì hệ thống giao thông của vùng này đã được cải thiện nhiều chứ không như hiện nay” - TS.Vũ Thành Tự Anh nhận xét.

Quả thực, chỉ riêng so sánh về đầu tư cho giao thông cũng cho thấy bất cập. Cả nước hiện có hơn 700km đường cao tốc thì Đông Nam bộ đến nay mới có khoảng 100km (chưa đến 1/7 tổng số km đường cao tốc của cả nước), trong khi đó lượng lưu thông hàng hóa của vùng này là rất lớn. TS.Vũ Thành Tự Anh đặt ra câu hỏi: “Việc dành nguồn lực cho đầu tàu kinh tế như vậy liệu có thể phát triển được theo yêu cầu hội nhập hay không?” Và ông cũng hy vọng các địa phương vùng Đông Nam bộ hợp tác có một đề xuất rất mạnh mẽ với Chính phủ làm thế nào phải đầu tư cho vùng một cách xứng đáng. “Giao thông tốt thì giao thương mới tốt, giao thông bế tắc sẽ không có giao thương. Với mức đầu tư như hiện nay thì Đông Nam bộ đang bị tắc nghẽn về giao thông, cũng có nghĩa là tắc nghẽn về giao thương. Ở thời hội nhập này tắc nghẽn luân chuyển hàng hóa là thua ngay” - TS.Anh nhấn mạnh.  

* Liên kết lỏng lẻo

Theo ông Nguyễn Băng Tâm, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh, việc  liên kết hiện nay giữa các tỉnh, thành trong vùng vẫn còn lỏng lẻo. Cụ thể, giữa TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ có ký kết hợp tác nhưng cũng chỉ là ký, chưa có đánh giá hiệu quả như thế nào ngoại trừ trên lĩnh vực giao thông.

Theo các nhà khoa khoa học, việc liên kết vùng bằng chính trị thì dễ và vấn đề này đã đặt ra khoảng 10 năm nay thông qua các quy hoạch, nhưng trên thực tế liên kết vùng đến thời điểm này rất hạn chế. Các nhà nghiên cứu cho rằng liên kết vùng phải dựa theo các dòng chảy thị trường, không thuần túy là ý chí chính trị.

TS.Đoàn Duy Khương, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng muốn hay không thì vùng Đông Nam bộ phải là một khu vực thống nhất, liên kết kinh tế có sức cạnh tranh cao cả ở thị trường trong nước lẫn thị trường quốc tế. Chỉ như vậy mới có thể nâng cao giá trị sản phẩm và tăng năng suất lao động.

Chia sẻ về vấn đề này, nhiều nhà kinh tế khẳng định chi phí của doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam đang tăng rất cao nhưng năng suất lao động lại rất thấp. Ví dụ, cùng một quỹ lương như nhau, doanh nghiệp Trung Quốc tạo được 3 đơn vị sản phẩm thì một doanh nghiệp Việt Nam chỉ tạo được 1 sản phẩm. Cạnh tranh như thế nào khi chi phí của doanh nghiệp cao hơn? Ở đây phải làm thế nào để nâng cao năng suất lao động và gia tăng giá trị cho sản phẩm mới hòa nhịp được với sân chơi hội nhập. Theo các nhà khoa học, để liên kết được cần có một nhạc trưởng “đủ mạnh” mới vượt qua rào cản hành chính còn nặng nề như hiện nay.

“Vùng kinh tế Đông Nam bộ gồm 9 tỉnh, thành: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Thuận, Ninh Thuận và Lâm Đồng. 4 tỉnh hạt nhân, gồm:  TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là vùng có tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và là đầu tàu phát triển kinh tế chung của cả nước”.

Vân Nam

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,263,094       691