Kinh tế

Giữ hay bỏ chương trình bình ổn giá?

Xung quanh việc bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu, có 2 luồng ý kiến trái chiều nhau, một bên đề xuất nên bỏ, bên còn lại yêu cầu phải giữ.

Thực tế những năm qua cho thấy, chương trình này cũng đã góp phần ổn định giá cả thị trường trong tỉnh.

Nhà sách Fahasa Biên Hòa tham gia chương trình bình ổn giá, nhiều loại sách giảm giá từ 10-20%.
Nhà sách Fahasa Biên Hòa tham gia chương trình bình ổn giá, nhiều loại sách giảm giá từ 10-20%.

Theo Sở Công thương, chương trình bình ổn giá trên địa bàn tỉnh được bắt đầu từ năm 2011. Chương trình này đã thu hút các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tham gia. Tỉnh hỗ trợ vốn vay để các đơn vị chuẩn bị sẵn hàng hóa, phục vụ người dân với giá ổn định. Đặc biệt, khi thị trường xảy ra tình trạng khan hàng, giá tăng cao thì các đơn vị này có trách nhiệm cung ứng một lượng hàng lớn với giá vừa phải như cam kết, giúp thị trường bình ổn lại.

Bình ổn hàng hóa thiết yếu

Hơn 5 năm qua, Đồng Nai thực hiện chương trình bình ổn giá những mặt hàng thiết yếu đã góp phần hạn chế được tình trạng sốt giá ở các địa phương. Mỗi năm, tỉnh đều hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) sản xuất hoặc mua dự trữ, bình ổn từ 10-11 mặt hàng như: gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gà, trứng gà, bột ngọt, nước chấm, sách giáo khoa, vở học sinh, thuốc tân dược.  Chương trình này hàng năm thu hút trên 50 doanh nghiệp, HTX tham gia.

Ông Nguyễn Văn Lai, Giám đốc HTX dịch vụ thương mại Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc), cho biết: “Chương trình bình ổn giúp cho hàng hóa tại các vùng sâu, vùng xa ổn định về giá hơn. Trước đây khi chưa có chương trình này, ở khu vực Xuân Lộc vào dịp tết thường xảy ra tình trạng sốt giá một số mặt hàng. Nhưng từ năm 2011 đến nay, tình trạng hút hàng sốt giá không còn”. Cũng theo ông Lai, HTX Bảo Hòa tham gia chương trình bình ổn giá nên vào cuối năm thường tổ chức các đợt bán hàng lưu động về vùng sâu, vùng xa với giá như ngày thường, được nhiều bà con tham gia mua sắm.

Co.opmart Biên Hòa tham gia chương trình bán hàng bình ổn giá.
Co.opmart Biên Hòa tham gia chương trình bán hàng bình ổn giá.

Đại diện huyện Vĩnh Cửu cho hay, chương trình bình ổn những mặt hàng thiết yếu nên duy trì và mở rộng để góp phần giúp giá cả bớt biến động. Tương tự, một số địa phương khác là Xuân Lộc, Biên Hòa, Trảng Bom, Cẩm Mỹ... đề nghị tỉnh duy trì phát triển chương trình này mạnh hơn; đồng thời đề nghị tỉnh nên mời gọi nhiều doanh nghiệp, HTX trong tỉnh tham gia, mở thêm nhiều các đại lý, cửa hàng bình ổn giá để giúp thị trường không xảy ra tình trạng găm hàng, đẩy giá lên cao.

Để thị trường tự điều chỉnh

Tuy nhiên, cũng có những sở, ngành cho rằng hàng hóa trên thị trường hiện nay khá dồi dào, tỉnh nên bỏ chương trình bình ổn giá để thị trường tự điều tiết. “Từ năm 2015, tỉnh đã hạn chế hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá, do đó nhiều doanh nghiệp đã rút khỏi chương trình. Hàng hóa ngoài thị trường hiện nay đã bão hòa, không thiếu, do đó Sở đề xuất tỉnh nên để cho thị trường tự điều tiết” - ông Dương Minh Dũng, Giám đốc Sở Công thương, nói. Theo ông Dũng, các trung tâm thương mại, siêu thị đều dự trữ một lượng hàng lớn và đều cam kết khi có dấu hiệu khan hàng, giá tăng đột biến sẽ hỗ trợ đưa hàng ra với giá như bình thường để không gây ra tình trạng sốt giá.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho hay: “Tỉnh sẽ tiếp tục duy trì chương trình bình ổn giá và yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng tham gia chương trình để mở thêm nhiều điểm bán hàng bình ổn tại các huyện, thị, thành để ổn định thị trường. Đồng thời, tỉnh sẽ hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp, HTX để dự trữ hàng hóa nhằm khi biến động có thể kiểm soát được thị trường”. Theo Sở Tài chính, nhu cầu vốn vay của các doanh nghiệp, HTX cho chương trình này chỉ vài chục tỷ đồng/năm nhưng lại góp phần rất lớn trong ổn định giá các mặt hàng thiết yếu trên thị trường.

Ông Dương Anh Tuấn, Giám đốc công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Bình Minh (huyện Trảng Bom), cho biết: “Chương trình bình ổn giá muốn nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tham gia thì phải thực hiện quanh năm. Bên cạnh đó, nguồn vốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp phải giải ngân nhanh để doanh nghiệp lên kế hoạch sản xuất cho phù hợp và có sự tính toán, dự trữ đủ sản phẩm cung cấp cho thị trường khi có những biến động lớn về giá”. Sở dĩ, Công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Bình Minh, Công ty TNHH Anh Hoàng Thi, Công ty TNHH thương mại dịch vụ sản xuất chăn nuôi Thanh Đức... xin rút khỏi chương trình bình ổn giá là vì từ năm 2015, tỉnh chỉ thực hiện bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu vào dịp tết, trong vòng 2-3 tháng. Thời gian bình ổn ngắn, tiền giải ngân chậm, có khi sau 1-1,5 tháng doanh nghiệp mới nhận được vốn hỗ trợ, chưa đủ thời gian đầu tư cho một chu kỳ sản xuất đã phải hoàn vốn.

Thế nhưng, ông Võ An Ninh, Giám đốc Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Đồng Nai, lại nhận định: “Công ty đã tham gia chương trình trên từ đầu, vào mùa tựu trường, sau tết đều có đợt giảm giá sách giáo khoa, tập và các dụng cụ học sinh xuống 10-15%. Những trường học ở vùng sâu, vùng xa có nhiều gia đình khó khăn, nhà trường đứng ra bảo lãnh, công ty bán chịu sách vở, đồ dùng học tập cho các học sinh, sau vài tháng mới lấy tiền, điều này có ý nghĩa rất lớn với những học sinh nghèo. Nếu bỏ chương trình bình ổn giá, tỉnh thôi hỗ trợ vốn, công ty khó thực hiện được chương trình trên”.

Đồng quan điểm trên, ông Bùi Văn Thìn, Giám đốc HTX dịch vụ thương mại Suối Cát (huyện Xuân Lộc), chia sẻ: “Các điểm bán hàng bình ổn đều niêm yết giá cụ thể của từng mặt hàng nên vào dịp tết cũng hạn chế được những đại lý, cửa hàng khác muốn tạo ra tình trạng khan hàng đẩy giá lên cao. Nếu bỏ chương trình bình ổn, vào dịp tết những hàng hóa thiết yếu rất dễ bị các tiểu thương đẩy giá lên cao”. Những năm trước, khi chưa có chương trình bình ổn giá, vào dịp lễ, tết có những đợt giá một số mặt hàng bị đầu cơ gây sốt, như: gạo, đường...

Khánh Minh

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        4,006,504       685