Kinh tế

Vốn đầu tư tăng mạnh

Còn 4 tháng nữa mới hết năm 2016, nhưng thu hút đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Đồng Nai đã đạt và vượt kế hoạch năm.

Đặc biệt, trong những tháng đầu năm có nhiều dự án có vốn lớn và phần đông là đầu tư vào các khu công nghiệp, đúng ngành nghề tỉnh đang ưu tiên mời gọi.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái thăm Công ty TNHH Center Power Tech Việt Nam tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (huyện Nhơn Trạch).
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái thăm Công ty TNHH Center Power Tech Việt Nam tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (huyện Nhơn Trạch).

Các dự án đầu tư mới, tăng vốn vào Đồng Nai chủ yếu là xây dựng nhà xưởng để sản xuất nguyên liệu, sản phẩm cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, trong gần 8 tháng đầu năm thu hút vốn FDI đạt gần 1,5 tỷ USD, thu hút đầu tư trong nước gần 8.300 tỷ đồng.

“Hút” vốn FDI

Dẫn đầu trong các doanh nghiệp FDI đầu tư vào tỉnh trong 8 tháng của năm 2016 là Công ty cổ phần Amata Việt Nam (100% vốn Thái Lan) với dự án thành phố Amata Long Thành (huyện Long Thành) có tổng vốn 309 triệu USD. Đây cũng là một trong 4 dự án FDI đầu tư mới có vốn lớn tại Việt Nam. Bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Amata Việt Nam, cho hay: “Huyện Long Thành là nơi có giao thông thuận lợi dễ kết nối vùng nên trong tương lai sẽ rất phát triển. Năm 2015, công ty đầu tư khu công nghiệp công nghệ cao trên 282 triệu USD vào Long Thành và năm nay đầu tư thêm dự án thành phố Amata Long Thành khoảng 309 triệu USD”. Dự án thành phố mới Long Thành nằm nơi khá đắc địa, gần đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Sân bay quốc tế Long Thành. Do đó, nhà đầu tư hy vọng trong tương lai sẽ tạo thành một khu đô thị cao cấp thu hút đông đảo chuyên gia, người dân đến sinh sống.

Xếp thứ 2 về đầu tư mới vào Đồng Nai trong những tháng đầu năm là dự án của Công ty TNHH Dongwon Textile Việt Nam tại Phân khu công nghiệp Nhơn Trạch 6A, thuộc Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6 (huyện Nhơn Trạch) với vốn đăng ký 60 triệu USD. Dự án này đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất vải, sợi và hoàn thiện sản phẩm dệt với công suất 20.600 tấn/năm. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Đồng Nai đang phải nhập khẩu nguyên liệu ngành dệt may từ Hàn Quốc nên một số doanh nghiệp xứ kim chi đã nhanh chân đầu tư vào tỉnh để cung ứng cho thị trường Việt Nam và xuất khẩu vào các nước trong khối ASEAN, những nước mà Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại. “Đồng Nai là tỉnh có xuất khẩu dệt may lớn, nhưng nguyên liệu sản xuất phần lớn là nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc nên tôi chọn đầu tư vào tỉnh để cung ứng cho những doanh nghiệp trong tỉnh, các tỉnh lân cận và xuất khẩu sang những nước đã có ký hiệp định thương mại để hưởng các ưu đãi. Tôi chọn Đồng Nai còn vì nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào tỉnh khá thành công, như: Hyosung, Taekwang Vina, Dong-IL...” - ông Kim Tae Hyun, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Dongwon Textile Việt Nam chia sẻ.

Đứng thứ 3 trong đầu tư mới vào tỉnh là Công ty TNHH Promax Textile (Brunei) có vốn đăng ký 55 triệu USD lĩnh vực sản xuất, kinh doanh là dệt nhuộm.

Ngoài ra, nhiều tập đoàn của Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng tăng vốn “khủng” đầu tư vào Đồng Nai, như: Tập đoàn Shing Mark đầu tư thêm 100 triệu USD vào dự án Bệnh viện đại học y dược Shing Mark tại TP.Biên Hòa và dự án sản xuất, gia công các sản phẩm chế biến và trang trí nội thất Khu công nghiệp Bàu Xéo (huyện Trảng Bom). Công ty TNHH Hwaseung Vina ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 (huyện Nhơn Trạch) đăng ký tăng thêm 70 triệu USD mở rộng dây chuyền sản xuất giày dép xuất khẩu. Công ty TNHH Dong - Il Việt Nam (Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn, huyện Long Thành) tăng thêm 51 triệu USD mở rộng nhà máy sản xuất sợi...

Đầu tư trong nước tăng cao

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính từ đầu năm đến nay Đồng Nai xếp thứ 3 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chỉ sau Hải Phòng và Hà Nội. Như vậy đến cuối tháng 8-2016, dự án nước ngoài đầu tư vào tỉnh còn hiệu lực là 1.239 dự án tổng vốn trên 25,2 tỷ USD.

Từ đầu năm đến nay, Đồng Nai “được mùa” trong thu hút vốn FDI và vốn đầu tư trong nước. Đến cuối tháng 8-2016, thu hút vốn đầu tư trong nước là gần 8.300 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Những dự án đầu tư trong nước thu hút được đa phần là đầu tư mới. Lĩnh vực đầu tư khá đa dạng, gồm: sản xuất công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, sản phẩm gỗ, gạch ốp lát, logistics, bất động sản. Trong đó, có 3 dự án có vốn lớn là: dự án cấp nước sạch cho sản xuất, dịch vụ, sinh hoạt cho địa bàn 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch với tổng vốn trên 1.230 tỷ đồng do Công ty cổ phần cấp  nước hồ Cầu Mới làm chủ đầu tư. Tiếp đến là dự án bất động sản xây dựng khu nhà liên kế, biệt thự, chung cư tại xã Giang Điền (huyện Trảng Bom) có tổng vốn gần 1.100 tỷ đồng. Dự án xây dựng kho ngoại quan và dịch vụ logistics ở TP.Biên Hòa của Công ty cổ phần đầu tư Thái Bình với tổng vốn gần 300 tỷ đồng.

Ông Cao Tiến Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư, cho biết: “Thu hút đầu tư trong nước năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm 2015. Ngành nghề thu hút được đều thuộc những lĩnh vực tỉnh đang ưu tiên mời gọi đầu tư. Số vốn các doanh nghiệp trong nước đầu tư mới bình quân cao gấp nhiều lần những năm trước”. Cũng theo ông Dũng, kết quả thu hút vốn FDI, vốn đầu tư trong nước năm nay tăng cao so với kế hoạch là do tỉnh thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, xúc tiến đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Hương Giang

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,271,677       372