Kinh tế

"Xé rào" cơ chế cho Sân bay Long Thành

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai về triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai về triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (gọi tắt là Sân bay Long Thành). 

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái (áo đen) kiểm tra 2 khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn và Bình Sơn tại huyện Long Thành.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái (áo đen) kiểm tra 2 khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn và Bình Sơn tại huyện Long Thành.

Thông báo nêu rõ, Bộ Giao thông - vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và tỉnh Đồng Nai tập trung hoàn thiện các điều kiện để khởi công Sân bay Long Thành vào thời gian sớm nhất là năm 2019, sớm hơn 2 năm so với trình tự thực hiện bình thường.

* Đề xuất các cơ chế chưa từng có

Để hoàn thành khối lượng khổng lồ công việc và bàn giao mặt bằng sạch cho dự án Sân bay Long Thành trong vòng 2 năm tới, thì rất nhiều thủ tục phải có những cơ chế riêng chưa từng có trong quy định của pháp luật và triển khai song song.

Tại buổi tháp tùng Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng kiểm tra dự án Sân bay Long Thành mới đây, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục nhấn mạnh cơ chế đặc thù cho các dự án trọng điểm cấp quốc gia đã từng có tiền lệ, không riêng gì với dự án này, song các cơ chế đặc biệt mà tỉnh kiến nghị cũng chưa từng có. Theo ông Lục, cơ chế đặc thù với dự án Sân bay Long Thành là cần thiết vì như thế mới có thể đẩy nhanh tiến độ.

Trong thực tế, một cơ chế “xé rào” cho dự án Sân bay Long Thành là cần thiết, bởi nếu căn cứ theo đúng các Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đầu tư công thì phải đến hết năm 2018 mới có thể giải phóng mặt bằng. Cụ thể, sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự kiến vào năm 2018, sau đó Thủ tướng Chính phủ mới xem xét cho tách tiểu dự án giải phóng mặt bằng, giao cho tỉnh làm chủ đầu tư. Theo lãnh đạo tỉnh, ngay cả khi gặp thuận lợi nhất trong giải phóng mặt bằng, nếu không có cơ chế đặc thù thì phải sau 3 năm (năm 2021) mới có thể bàn giao mặt bằng cho Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV). Như vậy, so với tiến độ mà Nghị quyết của Quốc hội dự kiến đưa dự án vào khai thác, sử dụng từ năm 2025 là khó khả thi.

Việc “xé rào” cho phép địa phương phê duyệt dự án đầu tư xây dựng 2 khu tái định cư trước khi báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng Sân bay Long Thành được phê duyệt đang được dư luận quan tâm. Ngoài ra, trong kiến nghị cơ chế đặc thù về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, tỉnh đã đề nghị nhiều hỗ trợ chưa có trong quy định, như: hỗ trợ đối với các hộ dân có nhà, công trình trên đất nông nghiệp; trường hợp đang sử dụng nhà, công trình đối với các thuộc sở hữu của Nhà nước…

* Chỉ định thầu hàng loạt

Ông Nguyễn Đồng Thanh, Phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh cho biết, trong kiến nghị về cơ chế đặc thù cho giải phóng mặt bằng dự án Sân bay Long Thành, Đồng Nai cũng nêu rõ khi thực hiện sẽ chỉ định thầu nhiều hạng mục thay vì phải tuân theo đấu thầu như quy định, vì như vậy mới rút ngắn được thời gian. Ông Thanh nêu ví dụ: “Việc thanh lý cây cao su để giải phóng mặt bằng nếu phải đấu thầu như hiện nay thì thời gian kéo dài mất nửa năm. Đồng Nai cũng kiến nghị cho chỉ định thầu ở nội dung này để thời gian có thể giảm xuống một nửa, bởi diện tích cây cao su trong dự án này lên đến gần 1.800 hécta”.

Tương tự, ở nội dung triển khai 2 khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (hơn 282 hécta) và khu tái định cư Bình Sơn (gần 282 hécta), Đồng Nai cũng đề xuất thực hiện chỉ định thầu ở nhiều hạng mục tốn thời gian, như: các gói thầu tư vấn, thi công và xây dựng nghĩa trang. Theo Phó giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Minh Hoàng, nếu bỏ qua các quy định đấu thầu mà được chỉ định thầu thì thời gian xây dựng 2 khu tái định cư giảm xuống khoảng 1 năm.

Mong muốn của tỉnh là Chính phủ sớm đồng ý với kiến nghị về cơ chế đặc thù để ngay trong năm 2016 này, Đồng Nai có thể triển khai thực hiện công tác xây dựng ngay 2 khu tái định cư.  Ngoài ra, Chính phủ cũng cần sớm bố trí nguồn vốn cho dự án từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có cả phương án cho tỉnh đi vay tại các ngân hàng, sau đó chủ đầu tư Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam đưa vào vốn đầu tư dự án để trả sau.

Vân Nam

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,284,876       1,771