Hiện nay, việc nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trong nước ngày càng phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu là rủi ro rất lớn cho ngành nông nghiệp trong nước.
Thông tin từ Cục Thống kê Đồng Nai cho hay, hiện Đồng Nai có 2 mặt hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp chỉ nhập khẩu mà không xuất khẩu là bắp, thức ăn gia súc và nguyên liệu. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm, Đồng Nai đã nhập khẩu gần 597 triệu USD cho 2 mặt hàng trên. Ngoài ra, tình trạng nhập siêu của các mặt hàng, như: thuốc trừ sâu và nguyên liệu, đậu nành, phân bón... cũng đang tăng nhanh theo từng năm.
* Thức ăn tăng vì nguyên liệu nhập
Theo các đại lý bán thức ăn chăn nuôi, khoảng 2 tháng trở lại đây các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi đã điều chỉnh giá bán. Nguyên nhân thức ăn chăn nuôi tăng giá do ảnh hưởng của giá nguyên liệu nhập khẩu. Thông tin từ Bộ Công thương, thời gian gần đây giá đậu nành đã có 10 lần tăng liên tiếp; giá bắp có 6 tuần tăng liên tiếp. Cụ thể, từ tháng 6-2016, giá đậu nành, giá bắp đều tăng từ 50-53 USD/tấn so với tháng trước đó. Dự kiến, thời gian tới giá đậu nành và bắp có thể còn tăng thêm khi các nhà sản xuất hết nguồn nguyên liệu dự trữ, bắt đầu sử dụng nguồn nguyên liệu giá cao.
Thức ăn chăn nuôi tăng giá do ảnh hưởng của giá bắp và nguyên liệu nhập khẩu. (Ảnh chụp tại đại lý thức ăn chăn nuôi Hạnh Nga (huyện Thống Nhất). |
Chủ đại lý cám Hạnh Nga (xã Lộ 25, huyện Thống Nhất), nhận xét: “Giá thức ăn chăn nuôi bắt đầu tăng giá từ 2 tháng trước với mức tăng 10%. Việc tăng giá bắt đầu từ các tập đoàn sản xuất lớn của FDI rồi đến các doanh nghiệp nhỏ lẻ. Nguyên nhân chủ yếu là do giá nguyên liệu chế biến tăng và có thể tình hình thị trường thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục biến động trong thời gian tới”.
Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá đang ảnh hưởng không nhỏ đến người chăn nuôi. Ông Lâm Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH thương mại dịch vụ sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc), so sánh: “Hiện giá bắp nhập tăng khoảng 2.600 đồng/kg, đậu nành tăng gần 2 ngàn đồng/kg và nhiều loại nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi đều tăng so với 2 tháng trước đó. Việc tăng giá này đẩy chi phí chăn nuôi tăng cao gây rất nhiều khó khăn cho ngành chăn nuôi trong nước”.
* Lo phụ thuộc nước ngoài
Điều người chăn nuôi lo lắng nhất hiện nay là ngành chế biến thức ăn chăn nuôi ngày càng phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu. Việc nhập khẩu các mặt hàng này chủ yếu vẫn nằm trong tay các tập đoàn lớn của nước ngoài và thị trường này đang có dấu hiệu bị thao túng. Ông Lâm Thanh Đức cho hay: “Đầu năm 2016, tôi đặt mua bắp nhập khẩu với sản lượng lớn dự trữ để chế biến thức ăn chăn nuôi, thì ngay sau đó mặt hàng này giảm giá khiến doanh nghiệp lỗ hàng trăm triệu đồng. Người chăn nuôi đang thiệt đơn thiệt kép vì tình hình giá cả biến động thất thường này”.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm cả nước đã chi gần 1,5 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, chiếm khoảng 70% tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi; chi hơn 650 triệu USD để nhập khẩu khoảng 3,3 triệu tấn bắp. Trong đó, riêng Đồng Nai đã nhập khẩu gần 856 ngàn tấn bắp, gần 22 ngàn tấn đậu nành. |
Theo ông Đức, thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đang xảy ra tình trạng bị làm giá, bị các tập đoàn lớn của nước ngoài thao túng. Nguyên nhân do họ có vốn lớn nên thường dự trữ sản lượng lớn nguồn nguyên liệu trong chế biến, khi giá nguyên liệu chế biến vừa tăng giá, giá thức ăn chăn nuôi lập tức sẽ tăng theo. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu trong nước không cạnh tranh được với hàng nhập. Đây cũng là nguyên nhân thức ăn chăn nuôi trong nước luôn cao hơn mặt bằng chung của thế giới khiến sản phẩm chăn nuôi nội địa cũng khó cạnh tranh về giá so với hàng nhập.
Đồng quan điểm, ông Phạm Ngọc Đúng, chủ trang trại chăn nuôi và đại lý kinh doanh thức ăn gia súc tại huyện Trảng Bom, nhận xét: “Hiện bắp nhập khẩu đang phủ sóng thị trường nội địa. Các cơ sở chế biến nhỏ lẻ, người chăn nuôi chỉ cần gọi điện đặt hàng là doanh nghiệp chở đến tận nơi. Việc chế biến thức ăn gia súc, làm cám trộn của cơ sở chủ yếu đều dùng bắp nhập vì giá vừa rẻ, chất lượng lại ổn định. Trong khi đó, bắp trồng trong nước luôn có giá cao hơn hàng nhập, khâu sơ chế bảo quản còn kém nên không dự trữ lâu được, trong khi nhu cầu sử dụng mặt hàng này là quanh năm”.
Bình Nguyên