Thời gian gần đây từ heo hơi đến thanh long, sầu riêng… liên tiếp xảy ra những câu chuyện rớt giá, tồn hàng dội chợ vì thương lái Trung Quốc lũng đoạn thị trường.
Thời gian gần đây từ heo hơi đến thanh long, sầu riêng… liên tiếp xảy ra những câu chuyện rớt giá, tồn hàng dội chợ vì thương lái Trung Quốc lũng đoạn thị trường. Việc phụ thuộc quá lâu và quá nhiều vào thị trường dễ tính này ngày càng bộc lộ rõ những rủi ro về đầu ra của nông sản Việt.
Sơ chế, đóng gói thanh long ruột đỏ cung cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường châu Âu tại trang trại của ông Đoàn Trung Ngọc. |
Thời gian gần đây, nhiều thị trường khó tính, như: Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc… đang rộng cửa hơn cho nông sản xuất khẩu Việt Nam. Nhưng để tiếp cận được cơ hội xuất khẩu vào những thị trường mới này, cần có sự chuyển hướng đồng bộ từ nông dân đến doanh nghiệp. Trong đó, không thể thiếu vai trò của Nhà nước về mặt cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích.
* Giảm lệ thuộc vào Trung Quốc
Gần đây nhất là câu chuyện nông dân trồng thanh long điêu đứng vì loại trái cây này liên tục rớt giá, ứ hàng, dội chợ bởi thương lái Trung Quốc thao túng thị trường, ép giá nông dân. Ông Đoàn Trung Ngọc, nông dân trồng thanh long tại huyện Trảng Bom, cho biết khoảng 1 tháng trở lại đây, giá thanh long liên tục giảm. Hiện thanh long ruột đỏ loại 1 còn từ 13-15 ngàn đồng/kg, hàng dạt chỉ còn vài ngàn đồng/kg. Ngoài nguyên nhân thanh long vào vụ thu hoạch thì chủ yếu bị ảnh hưởng vì Trung Quốc chậm ăn hàng. Ông Ngọc so sánh: “Hiện mỗi tuần tôi vẫn đóng hàng cung cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu thanh long ruột đỏ đi châu Âu. Giá thanh long xuất khẩu sang thị trường này cao hơn hẳn xuất đi Trung Quốc, quan trọng nhất là luôn được giữ ổn định ở mức cao dù thị trường chung mặt hàng này liên tục giảm. Cái khó hiện nay là đơn hàng xuất khẩu vào châu Âu chiếm sản lượng rất thấp, nên đầu ra của mặt hàng này vẫn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc”. Trước đó là tình trạng sầu riêng, heo hơi... bất ngờ rớt giá sau mỗi đợt Trung Quốc tạm ngưng nhập hàng.
Chủ một doanh nghiệp chuyên kinh doanh mặt hàng bưởi da xanh ruột hồng cho biết, hiện trái bưởi da xanh luôn đứng tốp đầu về lợi nhuận vì liên tục trong nhiều tháng liền mặt hàng trái cây này luôn sốt giá. Nhưng thực tế, giá trái bưởi cũng dao động rất thất thường vì đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Rủi ro về thị trường của loại trái cây này cũng rất lớn, vì hiện nông dân khắp nơi đang đua nhau trồng bưởi mà không tính đến đầu ra bền vững.
* Tính đường vào thị trường mới
Xuất phát từ nhu cầu sản xuất nông sản sạch cung cấp cho thị trường xuất khẩu, Công ty TNHH Kim Đồng Thuận (huyện Tân Phú) đang triển khai dự án cánh đồng lớn khoảng 100 hécta với cây chuối và hơn 50 hécta diện tích trồng lúa. Doanh nghiệp đã có đơn hàng xuất khẩu chuối tươi vào thị trường Hàn Quốc, bột chuối sấy khô vào thị trường Nhật Bản và gạo an toàn vào thị trường Đài Loan.
Bà Trần Thị Kim Nhung, Giám đốc Công ty TNHH Kim Đồng Thuận, phân tích: “Mục tiêu xuất khẩu chính của chúng tôi là những thị trường khó tính, như: Nhật Bản, Hàn Quốc… vì có giá tốt và quan trọng nhất là chúng tôi ký kết được những hợp đồng lâu dài với giá ổn định. Ai cũng thấy cơ hội này nhưng đầu tư không dễ vì đòi hỏi nhiều yếu tố. Doanh nghiệp cần nguồn vốn lớn để đầu tư vùng nguyên liệu sản xuất an toàn, xưởng sơ chế, chế biến, trong khi còn rất nhiều vấn đề rủi ro, nhất là trong xây dựng liên kết với nông dân. Đa số doanh nghiệp chọn cách dễ dàng hơn là xuất vào thị trường Trung Quốc không đòi hỏi quá khắt khe về chất lượng; không cần hóa đơn, chứng từ gì, giao hàng là nhận tiền ngay”. Theo bà Nhung, để giải bài toán này chỉ doanh nghiệp và nông dân không chưa đủ. Cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước phải thực sự đi vào thực tế để có những cánh đồng mẫu lớn đảm bảo về sản lượng và chất lượng đáp ứng thị trường xuất khẩu; trong việc xây dựng chuỗi liên kết…
Chôm chôm Long Khánh lo lỡ mất cơ hội xuất khẩu vào thị trường Pháp |
Cùng mối quan tâm trên, ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp thương mại dịch vụ Bình Lộc (TX.Long Khánh), cho biết năm ngoái hợp tác xã có lô hàng chôm chôm Java xuất khẩu vào thị trường Pháp. Sau khi phía đối tác kiểm tra, đánh giá chất lượng đảm bảo đã đặt vấn đề đầu tư mở rộng vùng chuyên canh chôm chôm này để xuất khẩu lâu dài vào thị trường Pháp với giá tốt và ổn định. Vấn đề khó khăn hiện nay là do thời gian qua, giống chôm chôm thường cho lợi nhuận không bằng chôm chôm thái và sầu riêng nên nhiều nông dân chặt bỏ cây trồng này. “Hiện toàn xã chỉ còn khoảng 300 hécta chôm chôm Java, diện tích giảm rất nhiều so với trước và chủ yếu trồng xen canh với nhiều loại cây ăn trái khác. Ở đây rất cần vai trò của Nhà nước trong việc kết nối với doanh nghiệp, đầu tư cánh đồng lớn để phát triển vùng chuyên canh cây trồng đang giảm nhanh về diện tích này, để nắm bắt cơ hội đưa đặc sản chôm chôm Long Khánh xuất khẩu vào thị trường lớn trên” - ông Tâm nói.
Bình Nguyên