Kinh tế

Kiến nghị tăng ngân sách cho Đồng Nai

Mới đây, UBND tỉnh đã kiến nghị Chính phủ xem xét việc điều tiết tăng tỷ lệ ngân sách để lại cho các tỉnh thành có mức điều tiết về Trung ương lớn, trong đó có Đồng Nai. Đây được cho là kiến nghị hết sức cần thiết để địa phương tăng nguồn lực phát triển.

Nhiều tuyến đường của TP.Biên Hòa ngày càng trở nên kẹt xe trầm trọng, song việc đầu tư cho đô thị vẫn là câu hỏi “tiền đâu”? Trong ảnh: Kẹt xe ở đường Đồng Khởi, TP.Biên Hòa.
Nhiều tuyến đường của TP.Biên Hòa ngày càng trở nên kẹt xe trầm trọng, song việc đầu tư cho đô thị vẫn là câu hỏi “tiền đâu”? Trong ảnh: Kẹt xe ở đường Đồng Khởi, TP.Biên Hòa.

“Mỗi khi họp trực tuyến với các địa phương, khi thấy Đồng Nai phát biểu tôi thường nói với các đồng chí cùng họp:  Đồng Nai là tỉnh hàng năm đóng góp ngân sách lớn về trung ương, vậy mà phòng làm việc còn rất đơn sơ, không bằng nhiều tỉnh đang hưởng trợ cấp ngân sách” - Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chia sẻ trong buổi thị sát dự án sân bay Long Thành vào đầu tháng 7-2016.

* Nguồn thu chỉ từ sản xuất, kinh doanh

Đồng Nai là tỉnh không có cửa khẩu, không có các mỏ khoáng sản giá trị lớn và cũng không có biển, nguồn thu ngân sách hoàn toàn dựa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bộ Tài chính đã đánh giá rất cao về nguồn thu ngân sách của Đồng Nai và cho đây là nguồn thu thực sự bền vững.

Thực tế, trong thời gian qua khi giá dầu mỏ cũng như các loại khoáng sản khác trồi sụt thì ngay lập tức nguồn thu ngân sách của nhiều địa phương đã không ổn định. Trong khi đó, Đồng Nai có nguồn thu chính từ hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn ổn định. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, là tỉnh phát triển công nghiệp nên dân số của Đồng Nai tăng cơ học hàng năm là rất lớn, vì vậy nhu cầu về tái đầu tư rất cấp thiết mới giữ vững được tăng trưởng cao.

Trong kiến nghị của tỉnh về điều tiết ngân sách cũng nêu rõ, Chính phủ xem xét tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho các tỉnh có điều tiết lớn ngân sách về Trung ương theo nguyên tắc: mức để lại cho địa phương phải cao hơn mức chi ngân sách Nhà nước bình quân đầu người so với các địa phương khác để tăng thêm nguồn lực cho địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng, giải quyết các công trình an sinh xã hội cấp bách và tái đầu tư bồi dưỡng nguồn thu. Vì nguồn ngân sách hạn hẹp nên đầu tư cho hạ tầng nhiều nơi không đáp ứng được, tỉnh vẫn loay hoay trong việc bố trí vốn. 

* Trăm ngàn dân “nằm ngoài” ngân sách

Đồng tình với báo cáo của tỉnh trước áp lực lớn về tăng dân số cơ học cho phát triển công nghiệp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói: “Người lao động về các khu công nghiệp của Đồng Nai làm việc thì tỉnh phải lo cho đời sống của người lao động. Chỉ nói riêng đáp ứng nhu cầu nhà ở thôi cũng đã rất lớn, ngoài ra còn các nhu cầu phát triển giao thông, đô thị, y tế, giáo dục... cũng như những nhu cầu văn hóa tinh thần khác”.

Giám đốc Sở Tài chính Huỳnh Thanh Bình cho biết, hiện nay tỉnh rất thiệt thòi trong việc được tính điều tiết ngân sách. Cụ thể, ngân sách tính theo đầu người theo số liệu thống kê từ 2013 (2,7 triệu dân) sau đó tăng theo tỷ lệ hàng năm thì Đồng Nai đến nay chỉ có 2.968.000 dân. Trong khi đó, dân thực tế sinh sống trong tỉnh cao hơn nhiều, chủ yếu là tăng cơ học. Điều đó có thể được minh chứng qua số liệu của Ủy ban Bầu cử 2016 của tỉnh, chỉ tính số cử tri đi bỏ phiếu đã gần 3,2 triệu cử tri. Như vậy, số chênh lệch thống kê được đã là hơn 200 ngàn dân đang không được chi nguồn ngân sách từ Trung ương điều tiết mà tỉnh đang phải sử dụng nguồn ngân sách khác bù vào để lo an sinh xã hội cho người lao động, khó lại càng thêm khó. Dân số đông, ngân sách được chi cho đầu người của tỉnh cũng rất thấp, năm 2015 chỉ đạt 4,5 triệu đồng/người/ năm và năm 2016 còn thấp hơn nữa, chưa đến 4 triệu đồng/người/năm. Quả thực, những năm gần đây dân số của tỉnh nói chung và TP.Biên Hòa nói riêng đã tăng khá mạnh, chủ yếu là tăng cơ học. Việc phát triển hạ tầng thiếu vốn đã không đầu tư kịp nên tình trạng kẹt xe, ngập nước, thiếu trường học ngày càng nhiều.

Tại các buổi gặp gỡ các hiệp hội doanh nghiệp: Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, các hiệp hội này cũng cho rằng, ngoài việc tiếp tục cải cách mạnh về thủ tục hành chính, thì Đồng Nai cần đầu tư mạnh hơn về hạ tầng giao thông, đô thị để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư hoạt động sản xuất, khi đó nguồn thuế đóng góp của doanh nghiệp sẽ tăng tốt hơn.

Vân Nam

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,286,951       631