Kinh tế

Đua nhau trồng bưởi

Rộ vụ trái cây hè, nhiều loại trái cây đặc sản, như: sầu riêng, măng cụt, chôm chôm... giảm giá mạnh, riêng trái bưởi liên tục "sốt" giá.

Rộ vụ trái cây hè, nhiều loại trái cây đặc sản, như: sầu riêng, măng cụt, chôm chôm... giảm giá mạnh, riêng trái bưởi liên tục “sốt” giá. Cụ thể, bưởi đường lá cam Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) bán tại vườn dao động từ 600-700 ngàn đồng/chục; bưởi da xanh ruột hồng bán tại vườn lên đến 60 ngàn đồng/kg.

Trong 3 năm, ấp Hưng Thạnh, xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) đã phát triển được hơn 40 hécta cây bưởi da xanh ruột hồng. Ảnh chụp tại vườn bưởi tơ tại ấp Hưng Thạnh.
Trong 3 năm, ấp Hưng Thạnh, xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) đã phát triển được hơn 40 hécta cây bưởi da xanh ruột hồng. Ảnh chụp tại vườn bưởi tơ tại ấp Hưng Thạnh.

Nhờ giá bán tốt, vài năm trở lại đây diện tích bưởi không ngừng tăng nhanh. Hiện toàn tỉnh có khoảng 1.900 hécta trồng bưởi, tăng hàng trăm hécta so với năm trước đó và cơn sốt đua nhau trồng bưởi vẫn chưa dừng lại.

* Cây trồng tiền tỷ

Vùng bưởi đặc sản Tân Triều có hàng chục nông dân tỷ phú nhờ trồng bưởi. Theo đó, bưởi là cây trồng số 1 trong danh sách được nông dân ở địa phương này lựa chọn tập trung đầu tư. Ông Phan Tấn Tài, nông dân xã Tân Bình, nhận xét: “Chỉ vùng đất cù lao sông mới phù hợp cho giống bưởi đường lá cam phát triển, cho chất lượng trái ngọt ngon. Tuy nhiên, do thấy giống đặc sản này cho lợi nhuận cao, nhiều xã lân cận đua nhau nhân rộng diện tích giống bưởi này, dù thực tế không ít vườn do nông dân đầu tư chạy theo phong trào đạt năng suất, chất lượng kém hơn hẳn vùng trồng bưởi truyền thống lâu đời của Tân Triều”.

Không chỉ ở vùng đất bưởi truyền thống Tân Triều, Đồng Nai hiện không thiếu những nông dân tỷ phú nhờ trồng cây bưởi. Ông Phan Văn Dẫu, nông dân xã Trung Hòa (huyện Trảng Bom), hiện đang có 3 hécta bưởi da xanh ruột hồng đang cho thu hoạch, nhận xét: “Với giá bưởi liên tục đứng ở mức cao như hiện nay, 1 hécta bưởi cho thu nhập tiền tỷ. Tôi từng trồng qua nhiều loại cây trồng khác nhau, từ cà phê, mít, chôm chôm nhãn nhưng rồi đều chặt bỏ để đầu tư vườn bưởi vì những loại cây trên cho lợi nhuận thua xa cây bưởi”. Lão nông dân này đang tiếp tục mở rộng diện tích đất vườn trồng bưởi, đăng ký thành lập trang trại chuyên canh cây bưởi.

Không chỉ ở huyện Trảng Bom, cây bưởi da xanh đang được nhiều địa phương, như: Vĩnh Cửu, Tân Phú, Định Quán, Thống Nhất... chọn làm cây trồng chủ lực và tập trung nhân rộng. Ông Chu Văn Can, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bàu Hàm (huyện Trảng Bom), cho biết hiện toàn xã có trên 150 hécta diện tích trồng bưởi, tăng cả trăm hécta so với 1 năm trước đó. Nông dân vẫn đang tiếp tục chặt cây cà phê chuyển sang giống cây trồng cho thu nhập tiền tỷ này. “Đây là giống cây trồng chủ lực địa phương đang khuyến khích phát triển. Theo đó, Hội Nông dân đã tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật và các hoạt động giao lưu, tham quan vườn tạo điều kiện cho nông dân mới chuyển đổi sang mô hình trồng bưởi học hỏi, trao đổi kinh nghiệm” - ông Can nói.

* Chạy đua sản lượng

Theo một số thương lái thu mua bưởi tại Đồng Nai, hiện giá bưởi đang “sốt” hơn cả thời điểm Tết Nguyên đán, thương lái cạnh tranh thu gom hàng vì sản lượng bưởi của Đồng Nai còn rất ít cung cấp ra thị trường. Thị trường khan hàng, “sốt” giá, thương lái dễ tính hơn nhiều trong thu gom hàng nên có tình trạng một số nông dân sẵn sàng hái bưởi non, sử dụng bí kíp riêng để tân trang vỏ ngoài của trái bưởi non nhìn như đã chín để qua mắt người mua. Tình trạng nông dân chạy theo lợi nhuận trước mắt ép bưởi ra trái sớm, cho năng suất cao, điều chỉnh thời điểm thu hoạch để đón thị trường ngày càng phổ biến.

Theo những nông dân giàu kinh nghiệm trồng bưởi trong tỉnh, do nhiều nguyên nhân, như: trồng bưởi trên đất không phù hợp thổ nhưỡng, chất lượng giống kém và nhất là không nắm được kỹ thuật trồng nên rất nhiều nhà vườn đầu tư thất bại với năng suất thấp, chất lượng kém. Tuy nhiên, hiện thị trường giống cây bưởi vẫn đang “nóng” vì rất nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh tiếp tục đặt giống đầu tư vườn mới. Việc chạy đua phát triển diện tích một cách ồ ạt cũng mang lại rủi ro rất lớn về đầu ra cho cây bưởi trong tương lai.

Ông Ngô Văn Sơn, nông dân trồng bưởi VietGAP tại xã Tân Bình, chia sẻ: “Vườn bưởi đường lá cam này của tôi nhiều cây đã hơn 20 tuổi. Cây càng lâu năm, năng suất càng cao. Vườn bưởi tôi trồng theo hướng hữu cơ, để cây bưởi phát triển theo mùa vụ tự nhiên nên sức cây rất bền. Trong khi đó, nhiều vườn bưởi bây giờ khai thác chưa đến chục năm là cây thoái hóa phải chặt bỏ. Nguyên nhân do nông dân chạy theo lợi nhuận trước mắt sẵn sàng khai thác ngay, ép cây cho trái sớm, cho năng suất khủng gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và uy tín thương hiệu giống bưởi đặc sản này”.

Cùng nỗi lo trên, ông Ngô Văn Thân, Phó giám đốc Hợp tác xã Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu), nhận xét: “Tuy vài năm trở lại đây, nông dân đầu tư trồng bưởi nhiều, nhưng chủ yếu là để bù lại số diện tích bưởi bị thoái hóa. Sản lượng bưởi không tăng, thậm chí ngày càng giảm vì nông dân khai thác cạn kiệt sức cây”. Ông Thân cho biết thêm, điều trăn trở nhất của hợp tác xã hiện nay là nạn mạo danh thương hiệu bưởi Tân Triều. Bưởi Tân Triều ở vùng cù lao sông luôn được bán với giá cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường vì chất lượng trái ngon. Theo đó, bưởi đường lá cam được trồng ở những vùng khác mạo danh thương hiệu đặc sản này đưa ra thị trường gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín thương hiệu vùng bưởi đặc sản lâu đời này.

Bình Nguyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,995,055       557