Kinh tế

Xuất khẩu hàng Việt gặp khó

Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm của Đồng Nai hơn 7,42 tỷ USD, nhưng phần lớn thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chiếm trên 80%. Doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa có xu hướng chậm lại vì gặp nhiều khó khăn từ nguyên liệu đầu vào đến thị trường tiêu thụ.

Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm của Đồng Nai hơn 7,42 tỷ USD,  nhưng phần lớn thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chiếm trên 80%. Doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa có xu hướng chậm lại vì gặp nhiều khó khăn từ nguyên liệu đầu vào đến thị trường tiêu thụ.

Xuất khẩu gốm sứ cũng đang chậm lại. Trong ảnh: Sản xuất gốm tại DNTN Phát Thành (phường Tân Vạn, TP.Biên Hòa).
Xuất khẩu gốm sứ cũng đang chậm lại. Trong ảnh: Sản xuất gốm tại DNTN Phát Thành (phường Tân Vạn, TP.Biên Hòa).

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp hàng Việt đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn mức tăng của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là 0,2%. Nhiều doanh nghiệp hàng Việt xuất khẩu chỉ lo giữ thị trường truyền thống đã “hụt hơi” nên phần lớn không mở rộng được thị trường sang các nước khác.

* Giá thành sản phẩm tăng

Từ đầu năm đến nay, nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp hàng Việt gặp khó trong xuất khẩu là vì nguyên liệu đầu vào, chi phí điện nước, vận chuyển hàng hóa, phí cầu đường, bảo hiểm, lương... đều  tăng khiến cho giá thành sản phẩm bị đẩy lên cao, trong khi giá xuất khẩu hàng hóa không tăng, lại gặp sự cạnh tranh gay gắt của hàng trong khối ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ khiến lợi nhuận của doanh nghiệp Việt Nam bị thu hẹp dần, ít có điều kiện mở rộng sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp hàng dệt may, gỗ, gốm sứ cũng có chung đánh giá là thị trường xuất khẩu của hàng Việt đang gặp “sóng gió” vì các doanh nghiệp trong nước hầu hết là nhỏ và vừa, nguồn vốn có hạn. Chi phí đầu vào đang gia tăng nhanh là một trong yếu tố khiến doanh nghiệp Việt đang dần “đuối sức” trong cuộc đua giành thị phần, thị trường xuất khẩu tại nhiều nước.

Ông Nguyễn Văn Thứ, Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm G.C (huyện Trảng Bom), cho hay: “Từ đầu năm đến nay, chi phí đầu vào của sản phẩm bị đội thêm khoảng 20% nhưng hàng xuất khẩu lại không tăng giá. Việc này tạo áp lực, khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp”. Ông Thứ chia sẻ thêm, sản phẩm nha đam xuất khẩu sang các thị trường của công ty đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt của hàng Thái Lan, Trung Quốc về giá. Nhiều khách hàng truyền thống vẫn đặt hàng, song đã giảm khối lượng đơn hàng xuống 40-60% so với những năm trước, do hàng Việt Nam giá cao hơn.

Ông Liu Tác Sáng, Giám đốc Công ty TNHH thương mại sản xuất Thuận Hương (huyện Định Quán), nói: “Mặt hàng trái cây sấy khô xuất khẩu của công ty đang dần bị thu hẹp. Năm trước, sản phẩm trái cây sấy của tôi xuất khẩu sang 4 thị trường là: Malaysia, Lào, Campuchia và Trung Quốc, nhưng nay chỉ còn lại thị trường Trung Quốc. Sản lượng xuất khẩu chỉ bằng 30% so với cùng kỳ năm 2015”. Lý do khiến xuất khẩu trái cây sấy khô của Công ty TNHH Thuận Hương giảm mạnh cũng do chi phí đầu vào tăng, đội giá thành của sản phẩm thêm khoảng 15% nên giá sản phẩm của công ty xuất khẩu cao hơn so với hàng Thái Lan, vì thế nhiều khách hàng đã bỏ hàng Việt, chọn hàng Thái Lan.

* Khoan sức cho doanh nghiệp

Lâu nay, đóng góp nhiều cho nguồn thu trong nước là doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam nên ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi họp trực tuyến với các doanh nghiệp trong cả nước từ đó lắng nghe những khó khăn, vướng mắc, từ đó kịp thời có những giải pháp tháo gỡ. Các doanh nghiệp cũng đang chờ đợi việc giảm hàng ngàn giấy phép con giúp bớt chi phí, thời gian đi lại, tiếp tục đơn giản các hồ sơ về xuất nhập khẩu hàng hóa, thuế và giảm lãi suất vốn vay, chi phí cầu đường...

Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Công ty cổ phần Đồng Tiến (TP.Biên Hòa).
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Công ty cổ phần Đồng Tiến (TP.Biên Hòa).

“Mặt hàng may mặc của công ty xuất khẩu sang nhiều thị trường đang chịu sự cạnh tranh lớn của hàng Trung Quốc, Ấn Độ. Do họ chủ động được nguyên liệu, nhiều chi phí đầu vào của họ, như: bảo hiểm, lãi suất ngân hàng, chi phí vận chuyển đều thấp hơn Việt Nam nên sức cạnh tranh của họ tốt hơn” - ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tiến (TP.Biên Hòa), cho biết.

Theo ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, ở nhiều nước chi phí logistics chỉ chiếm 9-13% GDP, song ở Việt Nam logistics chiếm 25% GDP. Riêng lĩnh vực này đã góp phần đẩy giá thành sản phẩm của Việt Nam tăng cao và giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, còn nhiều rào cản khác là năng suất lao động thấp, nguyên liệu trong nước tăng giá, lãi suất vay trung dài hạn vẫn cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực... Hầu hết doanh nghiệp Việt có hàng xuất khẩu đều mong muốn Nhà nước sẽ giảm chi phí cầu đường, lãi suất vay trung dài hạn, đơn giản thủ tục hành chính để bớt những chi phí không chính thức và hỗ trợ xúc tiến thương mại sang những thị trường tiềm năng.

Hương Giang

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,293,726       411