Kinh tế

Người dân có đời sống tốt hơn mới thực sự có ý nghĩa

Thời điểm 1-7-1991, khi tách huyện, Xuân Lộc là một huyện thuần nông nghèo với bức tranh toàn cảnh về kinh tế - xã hội không mấy sáng sủa: sản xuất nông nghiệp là ngành sản xuất chính, chiếm trên 85% tổng sản phẩm xã hội, thu hút 90% lao động, song trình độ sản xuất thấp, manh mún...

ạ tầng cơ sở vật chất nghèo nàn, giao thông nông thôn hầu hết là đường tạm, không có điện, cơ sở y tế, giáo dục thiếu, tiểu thủ công nghiệp nhỏ lẻ, thương mại - dịch vụ không đáng kể…

25 năm sau, vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” đã trở thành huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới với thu nhập bình quân đầu người trên 44 triệu đồng/năm (gấp 22 lần so với năm 1991), nhiều trang trại quy mô hàng chục tỷ đồng, đã có những cánh đồng tiền tỷ... Ông Hồ Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc, chia sẻ mong muốn của cả chính quyền lẫn nhân dân Xuân Lộc là biến vùng đất này từ nơi “vượt khó” năm xưa thành mảnh đất để “làm giàu” hôm nay.

* Tất cả nhờ sức dân

 Thu nhập bình quân của người dân từ 2,2 triệu năm 1991 lên 44 triệu năm 2015 là sự “vượt lên chính mình” rất lớn của Xuân Lộc. Theo ông, đâu là nguyên nhân chính: do điều kiện tự nhiên ưu đãi hay do ý chí con người?

- Tôi nghĩ cốt lõi là do ý chí con người. Xuân Lộc không được thiên nhiên ưu đãi. Điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng cũng bình thường, thậm chí nhiều nơi khá bất lợi do thiếu nước, đất pha cát, sỏi nhiều. Không phải gần đây mà từ lâu, tôi nhận thấy Xuân Lộc đầu tư rất nhiều về hạ tầng kỹ thuật vào các vùng đất mới. Ngày đó vùng đất này thiếu mọi thứ: điện, nước, đường sá, trạm y tế... Sau khi có điện, nước thì đời sống người dân tốt hơn, những vùng đất bỏ hoang hoặc chỉ trồng rừng cũng được đổi thay với các loại cây trồng và vật nuôi phù hợp. Những cánh đồng 1 vụ chuyển thành 2-3 và thậm chí 4 vụ/năm, như các cánh đồng xã Lang Minh chẳng hạn, năng suất lên đến 13 tấn/hécta, những vùng sâu như Trảng Táo, Suối Voi...xưa nay chỉ biết trồng rừng, nay đã có những cánh đồng cho thu nhập 150-200 triệu đồng/hécta. Xuân Lộc còn có những “vua tiêu”, “vua bắp”…hay những doanh nghiệp, hợp tác xã chuyên chế biến và xuất khẩu nông sản nổi tiếng trong toàn khu vực phía Nam. Chính quyền và Đảng bộ Xuân Lộc đã có nhiều quyết sách tốt trong việc đầu tư hạ tầng. Song, cái chính  vẫn là sự chịu thương, chịu khó và cần cù lao động của người dân Xuân Lộc, họ đã cố gắng và nỗ lực rất nhiều trên cánh đồng của chính mình.

  Xuân Lộc tự hào là huyện nông thôn mới đầu tiên của cả nước. Nhưng theo ông, sau nông thôn mới sẽ là gì? Những mục tiêu chính của thời kỳ hậu nông thôn mới là gì?

- Hiện tại, Xuân Lộc đã có 14 xã đạt được những tiêu chí trong bộ tiêu chí nông thôn mới quốc gia. Tỉnh đã “đi trước một bước” trong quá trình thực hiện phong trào nông thôn mới, do đó Đồng Nai đã có bộ tiêu chí nông thôn mới với những tiêu chuẩn cao hơn so với chuẩn chung của cả nước. Đảng bộ huyện đã xây dựng nghị quyết đến năm 2020, Xuân Lộc sẽ có 14/14 xã đạt được toàn bộ các tiêu chí trong bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao của Đồng Nai. Năm 2016, chúng tôi mong sẽ có 2-4 xã đạt được những tiêu chí nâng cao này. Đây là trọng tâm trong công tác chỉ đạo của chính quyền, công tác dân vận, huy động nội lực đầu tư... vì một mục tiêu chung là nâng cao đời sống của chính người dân Xuân Lộc. Trong suy nghĩ của tôi, danh hiệu nào cũng vì một mục đích chính là để người dân có một đời sống tốt hơn mới thực sự có ý nghĩa.

  Xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới đã khác xưa khá nhiều khi nông dân “bị” đặt trong một bối cảnh mới: hội nhập quốc tế. Ông thấy nông dân Xuân Lộc có khả năng thay đổi và thích nghi với bối cảnh mới không?

- Cá nhân tôi nghĩ là có, vì thực lòng cũng không có cách nào khác hơn. Dĩ nhiên, việc thay đổi cách làm và tư duy nông nghiệp thuần nông sang một tư duy năng động như một doanh nghiệp ở thời hội nhập quả thực là thách thức và khó khăn rất lớn. Tôi hiểu sẽ có nhiều người không thích nghi được, song số còn lại sẽ buộc phải thay đổi, và nhờ thế sẽ mạnh mẽ hơn. Ở góc độ chính quyền, chúng tôi cũng tổ chức tập huấn, hội thảo, cung cấp thông tin, kết nối... Mặt khác, cố gắng tìm cách để nông dân và doanh nghiệp có thể tìm được cách hợp tác bằng cách xây dựng các chuỗi liên kết trong nông nghiệp, xóa bỏ dần lối sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Cái cần thay đổi là tư duy làm ăn nhỏ lẻ, thành lập được các chuỗi liên kết và tổ chức sản xuất lớn với công nghệ tốt hơn.

* Mọi quyết sách phải vì dân

  Về nguồn nhân lực thì sao, thưa ông? Xuân Lộc có cách làm nào đặc biệt trong việc thu hút nguồn nhân lực tốt phục vụ cho quá trình xây dựng nông thôn mới?

Xuân Lộc đến nay vẫn là huyện thuần nông, nông nghiệp vẫn là chủ đạo, song song đó là phát triển công nghiệp và dịch vụ. Thực tế những nguồn thu để phát triển hạ tầng, những công trình lớn huy động được sức dân cũng nhờ vào nông nghiệp. Nhưng chúng tôi cũng hiểu đây là lĩnh vực chịu nhiều rủi ro nhất, từ những rủi ro về thiên tai, môi trường đến những rủi ro mang tính chủ quan. Chưa kể, nông nghiệp thời hội nhập cũng đi kèm những thách thức và khó khăn chưa từng có mà nông dân buộc phải thích nghi. Từ thực tế đó, công tác điều hành của chính quyền cũng phải năng động và uyển chuyển để tận dụng tốt các thuận lợi và giải quyết được những khó khăn phát sinh.

- Xuân Lộc cũng không thoát ly được các chính sách chung về thu hút nguồn nhân lực. Song, tôi nghĩ vẫn có thể cải thiện được bằng cách chăm chút đội ngũ hiện tại, phát hiện những nhân tố mới trong công tác, khuyến khích và tạo điều kiện cho họ phát triển, đóng góp. Về công tác cán bộ, Xuân Lộc có quan điểm khá rõ ràng là chọn người để làm việc chứ không bố trí chỗ ngồi theo dạng “dàn đều”. Chúng tôi mạnh dạn rút cán bộ về nếu làm không được việc, mạnh dạn kỷ luật cán bộ nếu phát hiện sai phạm, tạo cơ hội cho cán bộ trẻ... Với các cán bộ khoa học - kỹ thuật, nông nghiệp, hạ tầng, chúng tôi hoan nghênh họ về Xuân Lộc và tạo mọi điều kiện trong khả năng cho phép để họ xây dựng Xuân Lộc phồn vinh hơn.

  Cải cách hành chính cũng là một khâu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Chính quyền Xuân Lộc quan niệm thế nào về điều này, thưa ông?

- Chủ thể trong xây dựng nông thôn mới là người dân. Mọi quyết sách của chính quyền cũng phải tuân theo điều đó. Cải cách hành chính cũng là để mọi thủ tục của người dân nhanh gọn hơn, tránh gây phiền hà rắc rối. Nếu cán bộ không làm được điều đó và người dân phản ánh nhiều, chúng tôi xử lý ngay. Chúng tôi đặc biệt chú ý đến những cán bộ trực tiếp làm việc với người dân như cán bộ xã, ấp, vì có huy động được sức dân hay không, có làm người dân vui lòng đồng thuận hay không thì vai trò của họ vô cùng quan trọng. Thái độ của cán bộ trong công việc hàng ngày, đạo đức công vụ cũng là điều tối quan trọng mà chúng tôi lưu ý. Chúng tôi cũng ứng dụng công nghệ thông tin theo hệ thống để giảm phiền hà cho dân, sẵn sàng đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ nào có tư tưởng sách nhiễu người dân.

  Ông còn những trăn trở, lo lắng nào trên cương vị người điều hành Xuân Lộc?

-  Về cá nhân, tôi sinh ra và lớn lên trên vùng đất này, cha tôi cũng là cán bộ lão thành từng góp công xây dựng Xuân Lộc trong nhiều năm, nên mong muốn và cũng là “áp lực” lớn nhất của tôi là Xuân Lộc phải vượt lên, trở thành mảnh đất “làm giàu” chứ không phải là nơi chỉ để “vượt khó”. Đó là mong muốn lớn nhất của tôi ở cương vị này. Song, để làm được điều này thì mình tôi không làm được. Chúng tôi cần sự thống nhất, đoàn kết trong Đảng bộ, chính quyền Xuân Lộc vì một mục tiêu chung là nâng cao đời sống của người dân, chứ không vì một lợi ích của cá nhân nào cả. Xuân Lộc đã là mảnh đất anh hùng trong chiến tranh giải phóng đất nước, là nơi ý chí vượt khó thắng cả những khó khăn gian khổ để thành huyện nông thôn mới đầu tiên, nên tôi tin chúng tôi sẽ cùng hợp sức để đưa Xuân Lộc phát triển mạnh hơn nữa trong giai đoạn tới.

  Xin cảm ơn ông!

Kim Ngân (thực hiện)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,996,603       860