Kinh tế

Cơ giới hóa nông nghiệp: Doanh nghiệp Việt thất thế

Hàng chục năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư nhưng đến nay cơ giới hóa nông nghiệp Việt Nam vẫn còn lạc hậu.

Máy móc nông nghiệp nội địa chưa đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa nông nghiệp. Trong ảnh: Gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm máy móc nông nghiệp sản xuất trong nước tại hội nghị “Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp”.
Máy móc nông nghiệp nội địa chưa đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa nông nghiệp. Trong ảnh: Gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm máy móc nông nghiệp sản xuất trong nước tại hội nghị “Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp”.

Hội nghị toàn quốc “Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp” diễn ra vào ngày 24-6 tại Đồng Nai đã tập trung cho việc tìm giải pháp thay đổi thực trạng cơ giới hóa còn nhiều yếu kém của Việt Nam. Theo đó, thay đổi từ cơ chế, chính sách trong đào tạo nguồn nhân lực, thu hút đầu tư và nhất là phát triển được nền công nghiệp hỗ trợ mạnh cho cơ khí nông nghiệp... là rất cấp thiết.

* Vướng mắc từ chính sách

Chia sẻ về những khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, ông Lâm Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH thương mại dịch vụ sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc), cho biết 2 năm qua doanh nghiệp (DN) loay hoay tiếp cận gói hỗ trợ mua máy móc, thiết bị theo Quyết định 68 nhưng vẫn không được. DN đầu tư hệ thống máy móc tự động từ dây chuyền chăn nuôi, thu trứng cho đến xử lý chất thải thành phân hữu cơ... có rất nhiều chi tiết, bộ phận máy móc. Trong khi đó, danh mục máy móc được hỗ trợ theo quy định chỉ có hạn. Ngoài ra, khi đánh giá tính khả thi dự án, công nghệ máy móc quá hiện đại lại là lý do khiến phía ngân hàng e ngại vì nếu DN thất bại thì khó thanh lý. “Nông dân Việt Nam khao khát đầu tư để đủ lực bước vào sân chơi thế giới, tự tin về tay nghề, về tiếp cận được công nghệ hiện đại nhất, nhưng lại “thua” về chính sách nên mất rất nhiều cơ hội” - ông Đức xót xa nói.

Đồng tình với ý kiến của DN, đại diện Ngân hàng Nông nghiệp - phát triển nông thôn Việt Nam khẳng định, các chi nhánh của đơn vị rất hăng hái thực hiện chương trình vay vốn ưu đãi đầu tư máy móc, thiết bị nông nghiệp. Nguồn vốn cũng rất dồi dào. Khó khăn trong việc cho vay là danh mục máy móc có hạn; nông dân chủ yếu mua máy móc không có hóa đơn, chứng từ, chưa hiểu rõ về chương trình; chưa quy định cụ thể cấp nào phê duyệt dự án...

Ông Lê Huy Bích, Trưởng khoa cơ khí - công nghệ, Trường đại học nông lâm TP.Hồ Chí Minh, bức xúc nhận xét không một quốc gia nào mạnh trong sản xuất cơ khí nông nghiệp mà chỉ đẩy mạnh nhập khẩu. Vấn đề đặt ra là phải tăng nội lực của bản thân. Mặt khác, cần quan tâm đến công tác đào tạo lao động vận hành, sử dụng máy nông nghiệp chứ không để nông dân tự mày mò, học lỏm như hiện nay.

* Phát triển công nghiệp hỗ trợ 

Theo nhiều chuyên gia, đến nay máy móc nội địa chỉ đáp ứng được 33% thị trường và chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu. Nguyên nhân chủ yếu là do công nghiệp hỗ trợ cho ngành này còn quá yếu kém.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Trần Thanh Nam khẳng định: “Tôi ghi nhận và sẽ kiến nghị với Bộ, Chính phủ những ý kiến đóng góp, nhất là nhóm giải pháp để đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp đặt ra trong giai đoạn hội nhập. Ở đây, điều quan trọng là phải xác định chọn mô hình nào cho phù hợp điều kiện Việt Nam; qua đó có sự ưu tiên, chọn lọc trong phát triển công nghiệp hỗ trợ; trong nhân rộng những mô hình hiệu quả; trong vấn đề đào tạo... sao cho sát với nhu cầu thực tế”.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH một thành viên động cơ và máy nông nghiệp miền Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 1), cho biết: “Nhiều chi tiết máy chúng tôi không tìm được tại thị trường nội địa, phải đặt ở nước ngoài. Nếu Việt Nam làm được thì cũng đắt gấp đôi, gấp 3 so với Trung Quốc nên DN buộc phải nhập khẩu”. Nguyên nhân sản phẩm nội địa vừa đắt vừa không đạt chất lượng là do ngành công nghiệp Việt còn non yếu, nhất là công nghệ đúc, công nghệ luyện kim nên rất cần đẩy mạnh đầu tư vào 2 lĩnh vực này.

Ông Lê Huy Bích nhận định: “Ngành nông nghiệp tự thân không làm được nếu không có sự hỗ trợ của ngành công nghiệp. Việc đầu tiên là cần tạo ra và hoàn thiện ngành chế tạo máy. Phát triển công nghiệp hỗ trợ và cơ khí nông nghiệp hiện nay phải đặt trong môi trường toàn cầu vì thế giới làm ra sản phẩm có giá 4 đồng thì ta không dại gì đầu tư làm sản phẩm với giá 5 đồng. Ở đây chất lượng và giá thành quyết định thành bại”.

Người rất tâm huyết trong vấn đề cơ giới hóa nông nghiệp - NGND, TS. Phan Hiếu Hiền gợi ý: “Một số DN Việt Nam đang làm những chi tiết máy phụ cung cấp cho công ty Nhật Bản đầu tư sản xuất máy nông nghiệp tại Việt Nam. Chúng ta có thể làm những chi tiết máy nhỏ nhưng có thị trường lớn, thay vì phải đầu tư nhiều để  làm động cơ lớn đã bị tụt hậu quá xa so với các nước khác”.

Bình Nguyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,295,394       818