Kinh tế

Long Thành đạt chuẩn nông thôn mới: Phát triển hài hòa nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ

Long Thành là huyện phát triển theo định hướng huyện công nghiệp, có lợi thế về thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp - dịch vụ và du lịch. Nông nghiệp của huyện Long Thành tuy chiếm tỷ trọng hơn 5% trong cơ cấu kinh tế toàn huyện nhưng có trên 85% cư dân sống vùng nông thôn.

Khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao do Tập đoàn Vingroup đầu tư tại huyện Long Thành.
Khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao do Tập đoàn Vingroup đầu tư tại huyện Long Thành.

Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân huyện Long Thành chủ trương phát triển đồng bộ giữa các ngành công nghiệp, thương mại - dịch vụ và nông nghiệp; phát triển hài hòa giữa nông nghiệp với phi nông nghiệp.

* Nông dân đạt thu nhập “khủng”

Toàn huyện có 13/14 xã xây dựng nông thôn mới, riêng xã Suối Trầu không thực hiện do phần lớn diện tích đất nằm trong vùng quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đến nay, huyện đã có 11 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 1 xã đã hoàn thành các tiêu chí chờ công nhận, 1 xã cũng đạt 18 tiêu chí.

Trên 85% cư dân địa phương sống ở vùng nông thôn và sử dụng khoảng 81% tổng diện tích đất tự nhiên của toàn huyện để sản xuất nông nghiệp, nên ngành này đã đóng góp không nhỏ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện thu nhập bình quân của người dân đạt gần 50,8 triệu đồng/người/năm, trong đó thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 40,6 triệu đồng/người/năm. Đây là con số khá ấn tượng nếu so với mặt bằng chung về mức thu nhập của tỉnh và là một trong những tiêu chí nổi bật để huyện về đích trong mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Trong giai đoạn 2010-2015, tổng nguồn lực xây dựng nông thôn mới của toàn huyện đạt gần 9.233 tỷ đồng. Trong đó, vốn xã hội hóa chiếm tỷ trọng trên 78%. Việc huy động nguồn lực thực hiện chương trình nông thôn mới được thực hiện với nhiều hình thức thông qua lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu, đặc biệt là nguồn lực từ các tổ chức doanh nghiệp và trong nhân dân.

Để đạt được kết quả trên, địa phương đã huy động mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển các ngành kinh tế; tổ chức thực hiện chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp; khuyến khích nhân dân đầu tư, mở rộng quy mô sản suất, thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi... Kết quả, ở lĩnh vực trồng trọt toàn huyện đã hình thành được 22 vùng sản xuất tập trung với 6 đối tượng chủ lực cây trồng là lúa, bắp, mì, rau, sầu riêng, điều với tổng diện tích 6.421 hécta. Nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được chuyển giao và ứng dụng, như: cơ giới hóa các khâu sản xuất, sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong khâu tưới, chăm sóc, khuyến khích sản xuất theo qui trình VietGAP. Giá trị sản xuất thu hoạch trên 1 hécta diện tích trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đến nay đạt 122 triệu đồng/hécta/năm, tăng gần 58 triệu đồng so với năm 2010; cá biệt có nhiều diện tích giá trị thu nhập từ 200-600 triệu/năm. Trên lĩnh vực chăn nuôi, đã hình thành  khu chăn nuôi tập trung với quy mô gần 127 hécta với 185 trang trại quy mô sản xuất công nghiệp; nuôi trồng thủy sản cũng đạt mức tăng trưởng tốt.

Vụ thu hoạch năm nay, tuy thời tiết bất lợi nhưng nông dân trồng sầu riêng, chôm chôm trên địa bàn huyện vẫn trúng mùa, trúng giá nhờ tích cực áp dụng các biện pháp canh tác sinh học, đầu tư hệ thống tưới nước, bón phân tiết kiệm nên nhà vườn vẫn đạt năng suất cao, chất lượng tốt. Chỉ tính riêng 2 xã Bình Sơn và Bình An đã có trên 100 hécta chôm chôm và gần 60 hécta sầu riêng, tuy chỉ mới một phần diện tích được cấp chứng nhận VietGAP bà con nông dân ở đây đều đang chuyển sang trồng theo quy trình sản xuất an toàn này.

Ông Trần Anh Tùng, nông dân trồng sầu riêng VietGAP tại xã Bình Sơn, vui vẻ khoe: “Siêu thị Co.op Mart vừa làm việc với nông dân bàn việc hợp tác đưa sản phẩm sầu riêng, chôm chôm VietGAP của Long Thành vào siêu thị. Từ ngày 2-6, chúng tôi đã tổ chức quầy giới thiệu và bán các sản phẩm trái cây Long Thành ngay tại siêu thị. Trái cây sạch được người tiêu dùng rất quan tâm nên thu hút đông khách mua ủng hộ. Hiện địa phương đang hỗ trợ nông dân chúng tôi thành lập hợp tác xã trái cây VietGAP và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý cho sầu riêng, chôm chôm Long Thành”.

* Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

Thương mại, dịch vụ của địa phương rất phát triển với 11 chợ, 15 trạm dừng chân dọc quốc lộ 51 không chỉ đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của người dân nông thôn mà góp phần đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Từ đó đã khuyến khích nông dân đầu tư sản xuất theo quy mô công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Ông Lâm Quang Trí, nông dân hơn 30 năm nuôi bò sữa tại huyện Long Thành, cho biết: “Các tuyến đường qua Long Thành kết nối đến nhiều tỉnh, thành phố du lịch nên không chỉ chăn nuôi mà tôi đầu tư thêm cơ sở chế biến sữa bò tươi ra các sản phẩm, như: sữa tươi, sữa chua, bánh flan... bán cho du khách. Nhờ đó, từ đàn bò vài con, giai đoạn cao điểm tôi phát triển được tổng đàn hàng trăm con, đầu tư trang trại quy mô lớn theo hướng chăn nuôi công nghiệp”.

Ông Ngô Thế Ân, Chủ tịch UBND huyện Long Thành, cho biết trong nghị quyết của Đảng bộ huyện định hướng về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2021, địa phương sẽ tập trung xây dựng đồng bộ hạ tầng nông thôn kết hợp với hạ tầng đô thị với mục tiêu đưa Long Thành phát triển thành thị xã vào năm 2020. Phát triển hệ thống dịch vụ cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới để đón đầu lợi thế khi triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Mặt khác, khi tiến hành giải phóng mặt bằng cho dự án sân bay sẽ ảnh hưởng đến  khoảng 15 ngàn dân bị mất đất sản xuất. Theo đó, địa phương rất chú trọng thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản; nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi liên kết nhằm đảm bảo đầu ra cho nông dân, vừa giải quyết việc làm cho những lao động trên.

Trong công tác quy hoạch, huyện chú trọng công tác quy hoạch hạ tầng và quản lý xây dựng nông thôn ngay từ khi triển khai nên kiến trúc, cảnh quan tương đối ngăn nắp, đẹp nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng của nông thôn. Trong thực hiện quy hoạch sản xuất đã chỉ đạo quyết liệt bằng khuyến nông trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật; hỗ trợ phát triển trang trại... nên đã hình thành rõ các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Trong đó, công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển đã hỗ trợ, góp phần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể, 4 xã An Phước, Long An, Long Đức, Long Phước nhờ phát triển mạnh về công nghiệp, thương mại, dịch vụ nên được chọn làm các xã điểm để hình thành các khu sản xuất nông nghiệp tập trung, khu nông nghiệp công nghệ cao. Sức hút về việc làm vào các ngành công nghiệp và dịch vụ lớn, tạo điều kiện để huyện sắp xếp lại lực lượng lao động tại chỗ, tăng thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân, nhất là khu vực nông nghiệp và nông thôn giúp tăng nhanh bình quân đất nông nghiệp/lao động. Bình quân 1 lao động nông nghiệp có 1,3 hécta đất nông nghiệp, gấp 3 lần bình quân toàn quốc và gấp 2 lần một số huyện khác trong tỉnh đã tạo điều kiện thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất lương thực, thực phẩm hàng hóa.

Đáng chú ý là huyện đã xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, gồm: mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật sản xuất sầu riêng VietGAP, măng cụt tại xã Bình Sơn, Bình An; mô hình sản xuất - tiêu thụ rau an toàn trong nhà lưới, nhà màng đạt chuẩn VietGAP tại xã Long Phước; chuỗi liên kết sản xuất rau an toàn của Tập đoàn Vingroup; cánh đồng lúa chất lượng cao tại xã Long Phước và Bình An; mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ tại xã Long Phước; mô hình nuôi bò sữa tại xã Lộc An, An Phước; chuỗi kiểm soát an toàn thực phẩm trong cung cấp thịt heo tại xã Bàu Cạn... góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững. 

Bình Nguyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,988,215       681