Toàn huyện Nhơn Trạch hiện có 10/12 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 2 xã còn lại đều đạt từ 17-18 tiêu chí. Gắn với phát triển thành phố mới Nhơn Trạch, huyện tiếp tục tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo định hướng phục vụ phát triển đô thị và mang tính sản xuất hàng hóa.
Huyện Nhơn Trạch đang khuyến khích nhân rộng mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng vì cho lợi nhuận cao. |
Nuôi trồng thủy sản đang là thế mạnh được địa phương tập trung phát triển. Trong đó, dự án đầu tư khu nuôi tôm siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao đang được kỳ vọng mang lại sự thay đổi về “chất” cho lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của địa phương.
* Đẩy mạnh nông nghiệp đô thị
Thời gian qua, về sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, thủy sản, Nhơn Trạch có nhiều bước tiến mới về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao trình độ thâm canh. Trong đó, địa phương chú trọng đầu tư vào nhóm cây trồng, vật nuôi chính, chủ lực và phù hợp với định hướng phát triển đô thị ít chiếm diện tích đất nhưng đạt năng suất, hiệu quả cao. Cụ thể, địa phương đã chuyển đổi dần một số diện tích trồng lúa, hoa màu đang sang sản xuất nông nghiệp đô thị, như: hoa, cây cảnh, sinh vật cảnh... Năm 2015, giá trị sản xuất đạt 115 triệu đồng/hécta/năm; cá biệt có một số diện tích cây trồng có giá trị thu nhập từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/hécta, như: trồng hoa lan, trồng dưa lưới trong nhà màng... Theo đó, đời sống dân cư nông thôn có bước cải thiện rõ nét với thu nhập bình quân đầu người đạt 38,5 triệu đồng/người/năm.
Một trong những nông dân đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là hộ của ông Vũ Văn Cường (xã Vĩnh Thanh) với mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng. Ông đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại nhập từ Israel, canh tác theo hướng hữu cơ, sử dụng giống mới... nên vườn cây cho năng suất, chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng. Hiệu quả thực tế đã thuyết phục nhiều nông dân quan tâm, huyện cũng đang khuyến khích nông dân nhân rộng mô hình này với mục tiêu sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn.
Trên địa bàn đã cơ bản hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp mang tính tập trung, như: vùng mía nguyên liệu Ông Kèo; vùng sản xuất lúa ven sông Đồng Nai, vùng sản xuất rau Long Thọ, Phú Thạnh; vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ...
* Khai thác thế mạnh về thủy sản
Theo quy hoạch phát triển đô thị, thời gian qua, hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đang có chiều hướng giảm dần; chuyển sang các loại vật nuôi mới ít sử dụng diện tích đất và không gây ô nhiễm môi trường, trong đó nuôi trồng thủy sản ngày càng phát triển. Hiện tổng diện tích mặt nước nuôi thủy sản trên địa bàn huyện khoảng 1.900 hécta. Năm 2015, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 3.929 tấn; trong đó sản lượng nuôi trồng 3.760 tấn; sản lượng đánh bắt 169 tấn. Giá trị sản xuất trên mỗi hécta nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện hiện đạt trên 400 triệu đồng/hécta/năm.
Nhằm tạo sự ổn định, từng bước nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, UBND huyện Nhơn Trạch đã tiến hành kêu gọi các doanh nghiệp chế biến nông sản tham gia xây dựng dự án cánh đồng mẫu lớn và chuỗi liên kết từ tổ chức sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, có 3 đơn vị tham gia liên kết xây dựng chuỗi, bao tiêu các loại nông sản mía, đu đủ, xoài, chanh dây, thơm, bạc hà, đậu bắp, rau gia vị... Đây là tín hiệu vui trong việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là gắn kết hợp tác với vùng động lực phát triển lớn như TP.Hồ Chí Minh để có thể khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của huyện trong đầu tư sản xuất, chế biến, xúc tiến thương mại... |
Hình thức và đối tượng nuôi ngày càng đa dạng, như : nuôi tôm thẻ, tôm sú, cua thịt, hàu sữa... Nuôi trồng thủy sản đã có bước chuyển đổi dần từ hình thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến lên bán thâm canh và thâm canh. Theo đó, năng suất nuôi trồng thủy sản ngày càng tăng, hiện đạt mức bình quân khoảng 5 tấn/hécta/vụ. Với lợi nhuận đạt khoảng 150 triệu đồng/hécta/vụ, mô hình nuôi tôm ngày càng thu hút nông dân đầu tư. Ông Nguyễn Thanh Yên, Phó chủ tịch UBND xã Phú Hữu, cho biết: “Địa phương có khoảng 200 hécta đất lúa nằm ở ven sông Đồng Nai khu vực bên ngoài đê. Do nhiễm mặn nên đa số diện tích mỗi năm chỉ làm được 1 vụ lúa với năng suất thấp. Theo đó, nông dân đã chuyển đổi khoảng 10 hécta trồng lúa sang nuôi tôm thẻ cho lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục chuyển đổi khoảng 50 hécta trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm và thủy sản nước lợ”.
Nhằm đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản, huyện được tỉnh quy hoạch vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung và tiến hành đầu tư một số hạ tầng vào vùng quy hoạch, như: đường giao thông, cầu giao thông, điện sản xuất. Nhờ đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mở rộng diện tích, tăng cường đầu tư, giảm chi phí trong việc tổ chức sản xuất, giúp tăng thêm thu nhập cho người dân. Ngoài ra để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm thủy sản, hiện nay huyện đang phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai nhân rộng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh tại vùng quy hoạch nuôi tôm xã Phước An.
Lê Quyên