Kinh tế

Lãi suất trung, dài hạn: Khó giảm xuống dưới 10%

Cuối tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong buổi gặp gỡ 500 doanh nghiệp chỉ đạo giảm ngay 1% lãi suất trung, dài hạn (các khoản vay trên 1 năm) để chia sẻ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng nông nghiệp - phát triển nông thôn chi nhánh Đồng Nai.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng nông nghiệp - phát triển nông thôn chi nhánh Đồng Nai.

Ngay sau đó, một số ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước đã rục rịch giảm lãi vay trung, dài hạn cho doanh nghiệp. Trước đây, lãi suất trung, dài hạn ở khối ngân hàng này phổ biến ở mức 11-13%/năm. Nhiều ngân hàng cho biết sẽ giảm còn 10%/năm, tuy nhiên chỉ áp dụng cho khối khách hàng doanh nghiệp.

* Doanh nghiệp: giảm lãi suất quá ít

Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên bao bì Ngọc Thanh Phước (TP.Biên Hòa), chia sẻ: “Công ty đang vay vốn trung, dài hạn với lãi suất 10-12%/năm nên rất mong thời gian tới lãi suất giảm thêm, giúp doanh nghiệp bớt chi phí, hạ giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh”.

Một số doanh nghiệp bày tỏ trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện tại, để giữ thị phần nội địa và xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam đang dần đuối sức trước chi phí đầu vào gia tăng quá nhanh. Với các hiệp định thương mại đã ký kết, doanh nghiệp Việt sẽ phải cạnh tranh với doanh nghiệp từ các quốc gia khác: Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia… và chi phí đầu vào càng rẻ, giá sản phẩm xuất khẩu càng cạnh tranh hơn. Động thái giảm lãi suất trung, dài hạn của các ngân hàng sẽ giúp họ nhẹ đi một phần gánh nặng. Tuy nhiên với mức giảm chỉ từ 0,5-1%/năm còn quá ít, doanh nghiệp vẫn kỳ vọng lãi suất trung, dài hạn tiếp tục giảm ngang bằng với một số nước trong khu vực. Chẳng hạn, theo một số doanh nghiệp tại Đồng Nai, doanh nghiệp tại Thái Lan hiện đang trả chỉ từ 3-5%/năm cho lãi suất trung, dài hạn, chỉ bằng 1/3 hoặc 1/2 mức lãi suất mà doanh nghiệp Việt Nam đang trả.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư phát triển nông nghiệp Nguyên Lộc (TX.Long Khánh), nói: “So với những năm trước thì cho vay trung, dài hạn lĩnh vực nông nghiệp lãi suất đã giảm nhiều, nhưng vẫn còn cao hơn nhiều nước trong khối ASEAN. Tôi cho rằng, để ngành nông nghiệp thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia nhằm tạo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản, nên có chính sách ưu đãi hơn nữa về tín dụng”. Cũng theo ông Lộc, mức giảm lãi suất trung, dài hạn 0,5-1%/năm khiến doanh nghiệp cảm thấy được chia sẻ khó khăn, nhưng thực tế vẫn chưa đủ tạo thêm sức bật cho doanh nghiệp.

* Ngân hàng: khó hạ thêm   

Khảo sát cho thấy, lãi suất cho vay trung, dài hạn mà các ngân hàng lớn đang áp dụng dao động từ 10-13%/năm. Sau thông điệp của Thủ tướng, mới chỉ có các ngân hàng lớn có vốn Nhà nước vào cuộc, các ngân hàng quy mô nhỏ chưa có nhiều động thái. Ông Vũ Đức Quang, Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Biên Hòa, cho biết: “Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 29-4 BIDV chi nhánh Biên Hòa đã giảm lãi suất trung dài hạn xuống khoảng 0,5%/năm nhằm chia sẻ bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Đây là một nỗ lực lớn của BIDV, vì thời gian qua lãi suất huy động ngắn hạn, trung, dài hạn ở các hệ thống ngân hàng đều tăng”.

Vay tiêu dùng lãi vẫn cao

Theo lãnh đạo nhiều chi nhánh ngân hàng thương mại tại Đồng Nai, lần giảm lãi suất này chỉ áp dụng cho khối doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh. Do đó, các khoản vay tiêu dùng, vay cá nhân không được giảm. Thực tế tại nhiều ngân hàng, lãi suất vay tiêu dùng đang phải “gánh vác” cho nhiều khoản vay khác vì hiện ngân hàng đang “kiếm” rất ít lãi từ cho vay ngắn hạn. Lãi suất huy động đang dao động ở mức 5,5% đến trên 7% tùy ngân hàng (cho cả lãi suất huy động ngắn hạn và dài hạn), trong khi lãi vay ngắn hạn dao động từ 5,5%-8,5%, vay trung và dài hạn để sản xuất - kinh doanh từ 10-13%/năm và vay tiêu dùng đang được các ngân hàng áp mức lãi suất 12-14%/năm, song có thể lên đến 15-16%/năm tùy nội dung vay.

Ông Nguyễn Huy Trinh, Giám đốc Ngân hàng nông nghiệp- phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Đồng Nai, chia sẻ: “Mức lãi cho vay trung, dài hạn hiện tại của hệ thống Agribank là 10%/năm cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Các khu vực khác trên 10%/năm. Sắp tới, chúng tôi sẽ xin chủ trương giảm lãi xuống 10%/năm cho các khu vực khác”. Ông Trinh cũng thừa nhận là lãi suất cho vay trung, dài hạn khó xuống dưới mức 10%/năm do lãi suất huy động vẫn đang tăng nhẹ.

Tương tự, ông Hoàng Mạnh Long, Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Biên Hòa, cho biết Vietcombank chi nhánh Biên Hòa sẽ giảm lãi suất trung, dài hạn xuống 10% cho những doanh nghiệp hiện đang vay với lãi suất trên 10%/năm. Còn với những doanh nghiệp đang được áp dụng mức lãi suất trung, dài hạn dưới 10%/năm thì ngân hàng chưa nhận được chủ trương giảm lãi. “Thực tế, không dễ giảm lãi suất vay trung, dài hạn xuống dưới 10% vì lãi suất đầu vào trung, dài hạn đã áp sát 7%/năm, nếu áp dụng mức lãi dưới 10%/năm, ngân hàng không có lãi” - ông Long nói.

Kim Ngân - Khánh Minh

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,321,393       187