Kinh tế

Quốc lộ ngàn tỷ bị lún

Đầu năm 2015, dự án cải tạo nền mặt đường quốc lộ 1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai được khánh thành. Nhưng thông xe chưa được bao lâu thì cuối năm nhà đầu tư lại phải "gọt" mặt đường do bị lún vệt bánh xe.

Đầu năm 2015, dự án cải tạo nền mặt đường quốc lộ 1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai được tổ chức lễ khánh thành long trọng. Nhưng thông xe chưa được bao lâu thì cuối năm nhà đầu tư lại phải “gọt” mặt đường do bị lún vệt bánh xe.

Những vệt lún rình rập nguy hiểm cho xe máy mỗi khi phải sang đường qua những đoạn này.
Những vệt lún rình rập nguy hiểm cho xe máy mỗi khi phải sang đường qua những đoạn này.

Trên tuyến quốc lộ 1 qua huyện Xuân Lộc, hiện tại có nhiều đoạn đường xuất hiện tình trạng lún vệt bánh xe. Những vệt lún này khá nguy hiểm cho các phương tiện 2 bánh mỗi khi qua đây.

* “Luống khoai” giữa đường

Đi trên quốc lộ 1 đoạn kết thúc địa phận TX.Long Khánh sang địa phận huyện Xuân Lộc sẽ bắt đầu thấy tình trạng lún vệt bánh xe xuất hiện. Nhiều điểm lún nằm ở khu vực các xã: Bảo Hòa, Xuân Phú, Xuân Hiệp và lún sâu nhất là đoạn qua thị trấn Gia Ray. Có những điểm lún ở đây sâu khoảng 15cm, người dân thường gọi là đường “luống khoai”. Đặc biệt, đoạn đầu của thị trấn Gia Ray từ hướng Bình Thuận đi vào ở khúc ôm cua xuống dốc, các xe thường xuyên phải dừng nên bị lún nhiều nhất.

Theo thống kê của ngành giao thông, mỗi ngày tuyến đường huyết mạch này có khoảng 50 ngàn lượt xe ô tô và hơn 120 ngàn lượt xe máy qua lại. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn giao thông nơi đây là rất quan trọng.

Nhiều hộ dân ở ven đường cho biết, đơn vị quản lý đã cho cào lớp phủ mặt đường lên cho bằng phẳng nhưng chỉ một thời gian lại bị lún sâu trở lại. Ông Đỗ Văn Sinh, người dân ở đây cho hay mặt đường cũ trước đây thấp hơn hiện tại nhưng không bị tình trạng lún. “Trước Tết Nguyên đán vừa qua, nhiều xe đi cào mặt đường để xử lý lún, được một thời gian mặt đường tương đối bằng phẳng, nhưng giờ một số đoạn lại lún sâu trở lại, tệ hơn lúc trước”  - ông Sinh nói.

Ông Nguyễn Văn Cường, một người dân ở thị trấn Gia Ray thường qua lại đoạn đường “luống khoai” này, cho biết khi phải qua đường, xe máy không thể băng ngang qua được mà phải đi xéo, dẫn đến tay lái bị đảo rất nguy hiểm. Càng nguy hiểm hơn khi trời mưa, những đoạn đường này tạo thành rãnh nước lớn ngay trên mặt đường, rất khó đi. Khu vực bị lún lại ở gần Khu công nghiệp Xuân Lộc, hàng ngày lượng công nhân đi lại qua đây khá đông nên nguy cơ xảy ra tai nạn khá cao.

Theo Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải (GTVT) Lê Quang Bình, tình trạng lún vệt bánh xe có rất nhiều nguyên nhân. Để xác định cụ thể những đoạn lún này do đâu phải có cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT kiểm tra, lấy mẫu phân tích mới chính xác (quốc lộ do Bộ GTVT quản lý). Ông Bình nhấn mạnh: “Không biết nguyên nhân do đâu, nhưng khi đường bị lún vệt bánh xe nếu không khắc phục ngay sẽ rất dễ gây mất an toàn giao thông, đặc biệt đối với xe máy. Sở cũng có văn bản gửi Bộ GTVT về trường hợp này để Bộ chỉ đạo chủ đầu tư khắc phục”

* Sẽ thu phí trong 23 năm

Dự án cải tạo nền, mặt đường quốc lộ 1 đoạn qua từ Phan Thiết - Đồng Nai bắt đầu được khởi công vào tháng 4-2014 và hoàn thành vào tháng 1-2015. Điểm đầu của tuyến tại xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; điểm cuối tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Tuyến đường có chiều dài 114km với tổng mức đầu tư  hơn 2 ngàn tỷ đồng do Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) làm chủ đầu tư theo hình thức BOT (đầu tư, khai thác, chuyển giao).

Đường lún sâu thành vệt kéo dài.
Đường lún sâu thành vệt kéo dài.

Thời gian thu phí hoàn vốn của công trình dự kiến 22 năm 8 tháng (bắt đầu thu phí từ tháng 1-2015). Chủ đầu tư sử dụng Trạm thu phí Sông Phan (tỉnh Bình Thuận) để thu phí cho dự án. Tuyến đường được nâng cấp theo cấp đường hiện hữu, có cải tạo cục bộ một số đoạn để đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng. Nền đường giữ nguyên bề rộng như cũ.

Theo Bộ GTVT, tuyến quốc lộ 1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai là một trong những phân đoạn quan trọng của dự án mở rộng  quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Cần Thơ. Dự án này đưa vào sử dụng nhằm góp phần giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai. Thế nhưng trước mắt nhiều đoạn đường có “luống khoai” lại đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông.

Khắc Giới

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,321,995       412