Tuy sống và làm việc tại TP.Hồ Chí Minh, nhưng PGS.TS Nguyễn Ngọc Hải khá thân thiết với bà con chăn nuôi tại Đồng Nai. Ngoài tư vấn về kỹ thuật, ông còn giúp người chăn nuôi Đồng Nai có thêm thông tin về thị trường ngắn hạn, dài hạn, những thuận lợi và khó khăn của ngành chăn nuôi khi Việt Nam tham gia vào hội nhập sâu.
Với lối nói chuyện mộc mạc, giản dị, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hải luôn đem lại cho người nghe sự gần gũi, thân thiết. Nhiều năm nay, ông đã trở thành bạn của các chủ trang trại chăn nuôi ở Đồng Nai, và ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển cũng có sự góp sức không nhỏ từ ông, một nhà khoa học luôn gắn nghiên cứu với thực tiễn.
CHẬM TAY SẼ BỊ LẤN SÂN
Hội nhập sâu, ngành chăn nuôi trong nước được đánh giá là yếu thế và bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo ông, có giải pháp nào để ngành vượt qua “sóng gió”?
- Khi Việt Nam tham gia hội nhập sâu, chăn nuôi là ngành chịu tác động tiêu cực nhất. Vì theo lộ trình thuế sẽ giảm về 0%, khi đó thịt ngoại sẽ tràn vào thị trường nội địa với giá rất cạnh tranh. Hiện nay, giá thành sản xuất heo, gà, bò của những nước có chăn nuôi, xuất khẩu lớn, như: Hoa Kỳ, Canada, Úc, Chile... thấp hơn Việt Nam từ 30-50%. Cụ thể, heo hơi của những nước trên giá thành chỉ từ 22-28 ngàn đồng/kg, gà công nghiệp giá thành dao động 23-25 ngàn đồng/kg. Muốn cạnh tranh với thịt ngoại, người chăn nuôi trong nước phải áp dụng khoa học - kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí đầu vào để hạ giá thành sản phẩm bằng những nước trên. Phía Chính phủ có hàng rào kỹ thuật để ngăn thịt ngoại giá quá rẻ, không đảm bảo chất lượng tràn vào Việt Nam.
Hiện người chăn nuôi trong nước vẫn còn lợi thế là đa số người tiêu dùng thích sử dụng thịt tươi, trong khi thịt nhập khẩu hầu hết là thịt đông lạnh. Nhưng muốn giữ được ưu thế này, người chăn nuôi cần chú ý đến chất lượng sản phẩm vì nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi sản phẩm an toàn, sạch, truy xuất được nguồn gốc. Nếu kết hợp 2 yếu tố: hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo chất lượng thì ngành chăn nuôi trong nước sẽ không lo mất thị trường nội địa.
Trong các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết, đàm phán xong thì TPP được xem sẽ ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước lớn nhất. Ông có thể chỉ rõ hơn những khó khăn người chăn nuôi trong nước sẽ phải đối mặt?
- Như tôi đã nói ở trên, khó khăn lớn nhất của ngành chăn nuôi Việt Nam là giá thành sản xuất khá cao, chất lượng chưa đảm bảo, đồng thời 4 nước sản xuất, xuất khẩu heo, gà lớn đều tham gia TPP. Theo lộ trình, sau khi TPP được ký kết thuế những mặt hàng trên sẽ giảm dần về 0% trong khoảng thời gian từ 7-10 năm. Nếu trong giai đoạn trên, người chăn nuôi trong nước không nhanh tay sẽ bị thịt ngoại lấn sân. Việt Nam hiện đang xếp thứ 3 thế giới về tổng đầu heo, nhưng sản lượng thịt chỉ xếp thứ 6 trên thế giới. Điều này cho thấy năng suất chăn nuôi của chúng ta còn rất thấp. Các nước sản xuất heo, gà lớn hầu hết đều xuất khẩu thịt, nhưng riêng Việt Nam chưa xuất khẩu được. Hiện chúng ta còn lợi thế nhiều người tiêu dùng trong nước thích dùng thịt tươi, nhưng xu thế này có thể dần thay đổi vì các bếp ăn tập thể đang chuyển qua sử dụng thịt đông lạnh nhập khẩu do giá thành rẻ.
Việt Nam tham gia hội nhập nhanh so với nhiều nước trong khu vực, các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đã nhìn ra cơ hội lớn từ phát triển chăn nuôi và cung cấp thịt cho Việt Nam nên đã bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực này. Có thể trong tương lai gần, các tập đoàn, doanh nghiệp có chăn nuôi phát triển sẽ thuê đất ở kế cận Việt Nam để chăn nuôi và cung cấp thịt cho thị trường Việt Nam, khi ấy lợi thế về thịt tươi của người chăn nuôi trong nước sẽ mất. Không kịp thời nâng cao chất lượng, hạ giá thành ngành chăn nuôi sẽ thua đau đớn ngay sân nhà. Do đó, bây giờ tuy đã trễ nhưng vẫn còn kịp, người chăn nuôi trong nước phải nâng cao trình độ chuyên môn, quản lý, liên kết lại tạo thành chuỗi, chăn nuôi theo hướng an toàn, giảm dịch bệnh sẽ ít phải dùng thuốc, giảm được nhiều chi phí... Tổng hợp các yếu tố trên lại sẽ hạ được giá thành sản phẩm.
CÓ VƯỢT QUA SÓNG GIÓ?
Chăn nuôi tại Việt Nam chủ yếu là nhỏ lẻ, năng suất lao động thấp. Liệu trong khoảng 7-10 năm nữa, có kịp cho ngành chăn nuôi vươn lên tạo ra bước đột phá?
- Thời gian qua, ngành chăn nuôi trong nước được sự bảo hộ của Nhà nước khá kỹ nên áp lực cạnh tranh thấp. Gần đây, Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới, chăn nuôi cũng như các ngành khác buộc phải mở cửa vào sân chơi chung với các nước cùng tham gia hiệp định, chịu sự cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại nhập. Và hiện tại chăn nuôi Việt Nam khá yếu thế so với các quốc gia cùng tham gia TPP, EU. Nhưng lộ trình giảm thuế 7-10 năm nên chúng ta còn khoảng 5-7 năm nữa tái cơ cấu ngành chăn nuôi trong nước để vững vàng trong sân chơi chung với các quốc gia khác. Bên cạnh việc người chăn nuôi tự cứu mình bằng cách nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, áp dụng khoa học - kỹ thuật để giảm dịch bệnh, giảm chi phí thuốc và các chi phí khác thì Chính phủ hỗ trợ người chăn nuôi bằng những chính sách cụ thể. Chẳng hạn như: vốn vay ưu đãi, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước giá rẻ, hỗ trợ về kỹ thuật, gắn kết tạo thành chuỗi... Các giải pháp được thực hiện đồng bộ và ngay từ bây giờ, tôi tin chăn nuôi trong nước sẽ phát triển và giữ vững được thị trường nội địa.
Theo PGS. TS Nguyễn Ngọc Hải, Việt Nam còn nhiều điều kiện để phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung với quy mô trang trại lớn, công nghệ cao. Nếu nâng được năng suất vật nuôi, năng suất lao động chăn nuôi, tổ chức khép kín sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị, chú trọng đầu tư công đoạn giết mổ, chế biến, bảo quản sản phẩm, khống chế tốt dịch bệnh thì giá thành chăn nuôi sẽ giảm từ 25-30%, tăng khả năng cạnh tranh, giữ vững sân nhà và còn có cơ hội xuất khẩu. |
Việt Nam xếp thứ 3 thế giới về chăn nuôi heo nhưng các nguyên liệu đầu vào từ con giống, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi phần lớn phải nhập khẩu. Vào hội nhập sâu, đây có phải là điểm yếu lớn nhất của ngành chăn nuôi?
- Đầu vào của ngành chăn nuôi Việt Nam đang phải lệ thuộc khá lớn vào nước ngoài. Theo Cục Chăn nuôi, hầu hết các giống heo, bò, gia cầm cao sản nước ta đều phải nhập từ: Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Úc, Hà Lan, Anh, Đan Mạch... Hàng năm, Việt Nam phải chi từ 20-30 triệu USD để nhập khẩu giống nuôi và trên dưới 5 tỷ USD nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Do nguyên liệu phải nhập khẩu 50% dẫn đến chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi của nước cao hơn 10% so với nhiều nước trong khu vực châu Á. Các loại vaccine Việt Nam đang sử dụng cho đàn gia súc, gia cầm 80% phải nhập khẩu từ 17 nước trên thế giới, việc này góp phần đẩy cao chi phí trong chăn nuôi của Việt Nam. Đây chính là những điểm yếu lớn của ngành chăn nuôi Việt Nam cần phải khắc phục trong thời gian tới để chủ động tham gia vào hội nhập. Trong đó, cần có 3 nhóm giải pháp chính và nhóm giải pháp thứ nhất về kỹ thuật, gồm: giống, thức ăn chăn nuôi, thú y, giết mổ chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Giải pháp thứ hai về tổ chức sản xuất, mở rộng thị trường và nhóm giải pháp thứ ba về chính sách.
Ông đánh giá chăn nuôi của Đồng Nai ra sao so với các tỉnh, thành trong cả nước?
- Đồng Nai là tỉnh có chăn nuôi phát triển nhất cả nước và hơn 70% tổng đàn heo, gà chăn nuôi theo hình thức trang trại tập trung. So với mặt bằng chung thì năng suất, trình độ quản lý chăn nuôi của tỉnh cao hơn nhiều tỉnh, thành khác. Trên 50% sản phảm chăn nuôi của Đồng Nai cung cấp cho TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận. Thương hiệu heo, gà của Đồng Nai được nhiều người tiêu dùng ở Đông Nam bộ tin tưởng. Tuy nhiên, để chăn nuôi phát triển bền vững, tỉnh tạo chuỗi liên kết, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, hình thành các vùng an toàn dịch bệnh tạo ra sản phẩm sạch, rõ nguồn gốc. Đồng thời, vận động người chăn nuôi nói không với chất cấm và hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh cho vật nuôi nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm. Như vậy, thương hiệu thịt heo, gà của Đồng Nai sẽ tiếp tục được nhiều người tiêu dùng biết đến, yên tâm lựa chọn để sử dụng.
Xin cảm ơn ông!
Hương Giang (thực hiện)