Các hiệp định thương mại tự do (FTA) đòi hỏi doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng Việt phải chấp nhận cơ hội đi kèm thách thức. Nhiều DN Việt Nam đã có kế hoạch, thậm chí có hẳn chiến lược phát triển ngắn hạn và dài hạn nhằm đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập để giữ thị trường nội địa và xuất khẩu.
Theo Bộ Công thương, với 15 FTA đã ký kết, đàm phán xong và đang tiến hành đàm phán thì giai đoạn này đang là thời điểm “vàng” để các DN Việt đầu tư, củng cố lại sản xuất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh với hàng ngoại nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu. Vượt qua “tâm bão” FTA lần này, DN hàng Việt sẽ xây dựng được vị thế tốt hơn ở thị trường trong nước, thậm chí đưa hàng xuất ngoại.
* Câu chuyện giá, chất lượng
Ông Bùi Xuân Thoa, Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Bililux (TP.Biên Hòa), người trước đây đã có nhiều đóng góp để xây dựng thành công thương hiệu Vinacafé Biên Hòa nổi tiếng cả trong lẫn ngoài nước, phân tích: “Một sản phẩm muốn được khách hàng lựa chọn thì phải phù hợp với sở thích của nhiều người, giá hợp lý, chất lượng đảm bảo và dễ sử dụng. Hơn 3 năm nay, công ty của tôi đã đưa ra thị trường 7 dòng sản phẩm mới về cà phê rang xay mang thương hiệu Bililux và bắt đầu được thị trường chấp nhận”.
Hàng sản xuất tại Công ty cổ phần thực phẩm Bililux (TP.Biên Hòa). |
Theo ông Thoa, nhu cầu của khách hàng ngày càng đòi hỏi những sản phẩm an toàn, mang hương vị tự nhiên nên công ty đã sản xuất cà phê, bột ngũ cốc theo định hướng thiên nhiên thuần túy, an toàn, không sử dụng hóa chất, hương nhân tạo. Sản phẩm của công ty hiện vào hệ thống siêu thị Co.op Mart, BigC và được các đại lý trong và ngoài tỉnh đặt hàng. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu, công ty tập trung vào thị trường nội địa và xây dựng thương hiệu, khi nắm giữ thị phần tương đối mới hướng đến xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết: “Bộ sẽ có giải pháp giúp DN hàng Việt phát triển thông qua các chính sách. Nhưng DN muốn phát triển bền vững trong thời hội nhập phải chủ động hơn, nghiên cứu các FTA xem mình mạnh, yếu ở điểm nào để phát huy và tự khắc phục. Đừng quá trông chờ vào Nhà nước, vì Nhà nước không thể chỉ cho từng DN biết điểm yếu, điểm mạnh, cơ hội, thách thức”. |
Hầu hết các DN hàng Việt đã có chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước đều khẳng định, để sản phẩm được nhiều người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn không phải là chuyện một sớm một chiều, có khi mất 5-10 năm. Người Việt Nam những năm gần đây đã tiêu dùng hàng Việt nhiều hơn, nhưng muốn người tiêu dùng thực sự thích hàng Việt thì các yếu tố quan trọng nhất vẫn là uy tín thương hiệu, giá hợp lý, chất lượng đảm bảo. Thời gian qua, không ít DN hàng Việt vì để tồn tại và duy trì hoạt động đã chuyển hướng sang sản xuất kiểu “ăn xổi ở thì”, làm giảm uy tín hàng hóa và khiến không ít người tiêu dùng quay lưng lại với hàng Việt.
Ông Nguyễn Thành Nhân, chủ cơ sở sản xuất mộc mỹ nghệ xã Bình Minh (huyện Trảng Bom) nói: “Gỗ mỹ nghệ của Đồng Nai từng nổi danh trong nước và xuất khẩu từ thập niên cuối thế kỷ XX. Nhưng sau đó do suy giảm kinh tế, cộng với nhiều DN, cơ sở sản xuất không đảm bảo chất lượng, giá cao và mẫu mã đơn điệu khiến thị trường bị thu hẹp dần, nhiều cơ sở phải dẹp tiệm chuyển nghề. Chúng tôi chọn vượt qua sóng gió bằng cách vẫn bán hàng giá hợp lý, chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng và đẹp nên khách trong và ngoài nước đã tìm đến cơ sở, ít khi về tay không”. Những sản phẩm gỗ mỹ nghệ mang thương hiệu Thành Nhân bán rộng rãi trong nước và xuất khẩu sang gần 10 nước trên thế giới. Nhiều năm nay, mặt hàng gỗ mỹ nghệ Thành Nhân đã vào thị trường khó tính Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Canada.
Chính vì thế, trong khi nhiều cơ sở gỗ mỹ nghệ phải giải thể, cơ sở Thành Nhân phải từ chối bớt các đơn hàng lớn vì không đủ sức làm. “Thà mình từ chối đơn hàng còn hơn nhận làm mà không đảm bảo chất lượng, như vậy mất còn lớn hơn. Uy tín, chất lượng là 2 điều tôi luôn đảm bảo đúng như cam kết với khách hàng. Vì vậy, nhiều khách hàng nước ngoài khó tính đã ký kết nhập hàng lâu dài từ cơ sở” - ông Nhân nói.
* Cần chính sách thiết thực hơn
Trong hội nhập sâu, nhiều DN sản xuất hàng trong nước cho biết họ thường cảm thấy lạc lõng và yếu thế hơn so với hàng ngoại, bởi quy mô sản xuất nhỏ, máy móc công nghệ lạc hậu, muốn đổi mới lại thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực chất lượng...
Hàng mẫu trưng bày tại Cơ sở Thành Nhân xã Bình Minh (huyện Trảng Bom). Ảnh: Hương Giang |
“Thời gian qua, Nhà nước có những chính sách hỗ trợ cho DN hàng Việt vừa và nhỏ, nhưng rất ít DN tiếp cận được, phần lớn là tự thân vận động. Vì thế, các DN rất mong Chính phủ, tỉnh có những chính sách thiết thực hơn hỗ trợ về đất đai, vốn vay ưu đãi, giảm bớt kiểm tra, thủ tục hành chính để phát triển” - ông Lê Trí Minh, Giám đốc Công ty TNHH Đại Á Thành (TP.Biên Hòa) chuyên sản xuất các loại dây điện, chia sẻ.
Theo các chuyên gia kinh tế, DN hàng thuần Việt chỉ còn cơ hội trong 3-5 năm tới. Trong khoảng thời gian này, DN Việt nếu không củng cố lại sản xuất, quản trị để nâng cao chất lượng hàng hóa, hạ giá thành, đa dạng hàng hóa vừa đẹp vừa tiện lợi, sẽ rất khó cạnh tranh với hàng ngoại nhập và hàng của DN FDI tại Việt Nam. |
TS.Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), nhấn mạnh: “Việt Nam ký kết nhiều FTA thế hệ mới là cơ hội để DN Việt mở rộng thị trường xuất khẩu sang những nước đã ký hiệp định để hưởng các ưu đãi. Nhưng hàng Việt cũng chịu sự cạnh tranh gay gắt với nhiều mặt hàng ngoại và chiếc bánh thị phần sẽ bị chia nhỏ. Vì thế, DN trong nước phải có kế hoạch ngắn, trung, dài hạn để giữ và mở rộng thị phần. Đồng thời, phải hoàn thiện mẫu mã hàng hóa ngày một đẹp, tiện lợi hơn thì người tiêu dùng trong nước mới tiếp tục chọn hàng Việt”.
Nhóm P.V kinh tế