Kinh tế

Ông Trần Sĩ Chương: Nội lực chỉ có, khi có một sân chơi bình đẳng

Ông Trần Sĩ Chương là một cây bút khá quen thuộc trên nhiều tờ báo kinh tế uy tín tại Việt Nam, dù ông tự nhận mình chỉ là "tay ngang" trong nghề viết. Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong vai trò nghiên cứu, tư vấn cho doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực, ông có nhiều góc nhìn sâu sắc về cả kinh tế và xã hội Việt Nam suốt từ sau năm 1986 đến nay.

Ông Trần Sĩ Chương là một cây bút khá quen thuộc trên nhiều tờ báo kinh tế uy tín tại Việt Nam, dù ông tự nhận mình chỉ là “tay ngang” trong nghề viết. Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong vai trò nghiên cứu, tư vấn cho doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực, ông có nhiều góc nhìn sâu sắc về cả kinh tế và xã hội Việt Nam suốt từ sau năm 1986 đến nay. Ông thường xuyên làm việc tại Việt Nam, tư vấn các định chế tài chính quốc tế và các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong lĩnh vực kinh tế vi mô, tài chính, tái cấu trúc doanh nghiệp, đào tạo…

Thời gian gần đây, ông Chương quan tâm nhiều đến khởi nghiệp, chia sẻ nhiều với thế hệ trẻ về những điều mà họ trăn trở trong quá trình khởi nghiệp trong bối cảnh đất nước đang nỗ lực chuyển mình, trước hết về kinh tế. Ông chia sẻ góc nhìn của mình về nội lực doanh nghiệp Việt, phong trào khởi nghiệp và cả những suy nghĩ về con người.

* Quan trọng là người dân có “chịu làm ăn” hay không?

 Có quá trình gần 20 năm hỗ trợ, nghiên cứu, theo dõi quá trình khởi nghiệp và xây dựng của hàng trăm doanh nghiệp từ sau đổi mới 1986 đến nay, ông hiện đang lạc quan hay bi quan về nội lực của doanh nghiệp Việt Nam?

- Về mặt giá trị tuyệt đối thì hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã lớn hơn, làm ăn quy mô hơn. Chẳng hạn, ở lĩnh vực mà tôi đang tư vấn là xây dựng, thì đã có những tên tuổi lớn với những công nghệ mới mà trước đây 20 năm không hề có. Họ xây được cao ốc, nhà cao tầng. Tuy nhiên về tương đối, tôi cho rằng sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa xứng với những kỳ vọng đặt lên họ. Một số người lo ngại Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình - một chiếc bẫy rất khó ra. Ví dụ, Indonesia, Thái Lan, Philippines… bao năm rồi vẫn loanh quanh, không giàu không nghèo. Các vấn đề xã hội cũng loanh quanh chưa thể giải quyết. Mới đây, chúng ta mới đặt vấn đề rõ nét hơn về thể chế. Nguyên tắc chung là nguồn lực cần đi về đúng người, đúng chỗ để ra được đúng sản phẩm mà xã hội cần.

 Vậy nguồn lực ông đang nói nên hướng về đâu?

- Nên tập trung cho khu vực kinh tế tư nhân. Vì một lý do rất giản dị là chỉ khi một người trăn trở về sự nghiệp và đồng vốn của mình, thì đồng vốn đó mới sinh lợi được. Điều này không phải là đặc thù ở Việt Nam mà đúng với tất cả các xã hội khác. Định nghĩa chữ doanh nhân đúng là “entrepreneur” - là những người bỏ đồng vốn ra và chịu trách nhiệm với đồng vốn của mình. Qua đó, kiến tạo những giá trị riêng thì mới được gọi là doanh nhân - đó không phải là các CEO đi làm thuê, cũng không phải là một quan chức được bổ nhiệm làm tổng giám đốc. Một đồng tiền rất quý, làm sao để nhân nó thành 3 đồng, 5 đồng mới quý, chứ không phải chỉ xài nó đơn thuần. Tôi nghĩ, càng “cởi trói” cho khu vực kinh tế tư nhân rộng chừng nào, kinh tế càng đi lên nhanh chừng ấy.

 Hiện tại, đâu đâu người ta cũng nói về khởi nghiệp. Góc nhìn của ông về việc này thế nào?

- Tôi từng tham gia dự án nghiên cứu của  World Bank khoảng năm 1996 - thời điểm chúng ta đổi mới được 10 năm và Luật Doanh nghiệp ra đời chưa lâu. Và chúng tôi luôn chỉ đặt ra một câu hỏi khi đi khảo sát bất cứ vùng nào: “Người dân ở đó có tinh thần khởi nghiệp hay không?”. Nếu không, thì dù có viện trợ cỡ nào thì cũng không đủ. Quan trọng nhất là người dân có chịu làm ăn hay không, có chịu khởi nghiệp không? Tôi về Việt Nam với 3 giáo sư đại học Mỹ, nghiên cứu khắp Việt Nam và chỉ sau 1 tuần, các giáo sư đi cùng nói với tôi: chưa bao giờ thấy ở đâu không khí làm ăn sôi động như ở đây, y hệt Hong Kong những năm 1960 thế kỷ trước. Và tôi nghĩ, đất nước phát triển kinh tế được hay không nằm ở chỗ Nhà nước quyết định ưu tiên và phân bổ nguồn lực vào đâu, có phân đúng vào nơi mà tinh thần khởi nghiệp đang sôi sục hay không. Nội lực chỉ có khi sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, không quá ưu tiên một ai.

* Cần một hệ sinh thái cho khởi nghiệp

 Ông nhận xét thế nào về tinh thần khởi nghiệp của những người trẻ hiện tại. Làm thế nào để xác định tính khả thi và nuôi dưỡng những ý tưởng khởi nghiệp tốt ngay khi chúng còn trong trứng nước?

- Tinh thần khởi nghiệp của thanh niên Việt Nam rất lớn. Tôi rất hào hứng khi trò chuyện với họ. Họ có ý tưởng tốt trong nhiều lĩnh vực và chúng ta phải đặt lại câu hỏi: làm sao để nuôi dưỡng và phát triển tốt những ý tưởng đó? Có một điều mà tôi biết chắc chắn, cần có một “hệ sinh thái” để nuôi dưỡng những ý tưởng khởi nghiệp này, giúp chúng “sống” được tại Việt Nam. Hệ sinh thái đó là gì? Là chính sách, là nguồn cấp vốn, nhân sự, kế toán, marketing, nghiên cứu thị trường…

Ví dụ, một doanh nghiệp tại Mỹ muốn mở rộng một thị trường mới, khi anh ta bày tỏ nhu cầu thì thị trường đã có sẵn những nguồn cung cấp thông tin đầy đủ về thị trường mới đó, với những điều kiện cung ứng cho doanh nghiệp đó khi làm việc tại thị trường nọ. Một doanh nghiệp không tự làm được tất cả. “Hệ sinh thái” sẽ giúp các ý tưởng khởi nghiệp và các doanh nghiệp non trẻ vận hành và tồn tại. Chúng ta hỗ trợ họ, không gì bằng việc nghiên cứu và cung cấp cho họ môi trường đó.

 Nhiều người cho rằng, thanh niên đang nhìn những hình mẫu thành công và đánh giá sai, cho rằng cần đến sự khôn lanh, khôn lỏi mới thành công trên thương trường. Ông nhìn nhận điều này ra sao?

- Có một điều mà khi có chút trải nghiệm, người ta dễ thấy hơn: giá trị mỗi người là do người khác đem lại. Điều này hiểu trong lĩnh vực kinh tế, nghĩa là “càng cho đi nhiều, càng nhận về nhiều”, một doanh nghiệp được ưa chuộng và giàu lên khi họ mang lại lợi ích cho khách hàng. Chẳng hạn, người ta chỉ trả cho một CEO 20 ngàn USD/tháng, nếu CEO đó đem lại gấp 10 lần con số đó cho doanh nghiệp. Vậy nên khi khởi nghiệp, thay vì nghĩ “mình được bao nhiêu”, hãy tập trung vào chuyện “mình có thể đem lại cho người khác những gì”. Đó là suy nghĩ và kinh nghiệm của tôi.

Ông Trần Sĩ Chương từng là chuyên viên cố vấn kinh tế, ngân hàng và trợ lý pháp lý ngoại giao và ngoại thương Quốc hội Hoa Kỳ. Từ 1995 đến nay, ông thường xuyên làm việc tại Việt Nam, tư vấn các định chế tài chính quốc tế và các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong lĩnh vực kinh tế vi mô, tài chính, tái cấu trúc doanh nghiệp, đào tạo… Ông cũng là Chủ tịch điều hành Quỹ đầu tư Traninvest tại Singapore và Mỹ do ông sáng lập cùng một số cộng sự. Trước đây ông là chuyên gia tư vấn quản trị tài chính và chiến lược doanh nghiệp với 20 năm kinh nghiệm tại Mỹ và châu Á.

Còn về sự trung thực hay tử tế, khi làm ăn thì ít nhất đừng làm thiệt hại một người nào cả. Còn nếu có làm thêm cho ai được điều gì thì quá tốt. Nếu nói xã hội ngày càng thiếu vắng sự tử tế, thì tại sao chúng ta - những người làm ăn - không “bán” sự trung thực và tử tế, thứ mà ai cũng cần? Tôi nghĩ không ai có quyền nhân danh bất kỳ điều gì để làm thiệt hại đến người khác cả, từ môi trường sống đến con người. Khi mỗi người có ý thức, thì xã hội sẽ tốt đẹp hơn.

 Còn điều gì làm ông lo ngại với giới trẻ hiện tại?

- “Vấn nạn” lớn nhất của giới trẻ là suy nghĩ độc lập khá ít. Thử nghĩ xem, cả một thế hệ luôn sẵn sàng bấm và lướt trên chiếc điện thoại thông minh để tìm kiếm thông tin, số liệu, quan điểm… mà nhiều khi chẳng cần động não. Chúng tôi gọi vui đây là thế hệ “một tay”, vì tay kia luôn bận trả lời mạng xã hội, coi những clip mới nhất hay bấm like một hình ảnh vô thưởng vô phạt nào đó. Trong suy nghĩ của tôi, chỉ khi bớt lệ thuộc vào những thứ đó, người ta mới tĩnh tâm để suy nghĩ độc lập, động não và sáng tạo. Tất nhiên, trừ một vài chuyên ngành hẹp liên quan trực tiếp đến những gì đang diễn ra trên mạng.

 Những điểm yếu nào của người Việt, doanh nghiệp Việt mà ông thấy được trong làm ăn kinh tế?

- Tôi từng tham gia một nhóm tư vấn cho các doanh nghiệp gia công phần mềm tại Việt Nam, và những chuyên gia nước ngoài đánh giá sau 20 năm đổi mới, về mặt nhân lực Việt Nam, chúng ta vẫn tồn tại 3 cái dở nhất, yếu nhất: thiếu tự tin; giao tiếp và diễn đạt chưa tốt và khả năng làm việc nhóm rất yếu. Những điều này không mới, thậm chí rất cũ vì chúng ta đã nhắc đi nhắc lại mấy chục năm nay. Mà cái gốc cuối cùng là nội lực. Mỗi con người có nội lực thì sẽ có tự tin, tự tin giao tiếp, tự tin làm việc nhóm. Điều này cũng đúng ở tầm một doanh nghiệp, một tổ chức, một quốc gia.

 Xin cảm ơn ông!

Kim Ngân(thực hiện)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        4,070,182       564