Kinh tế

Gấp rút xây mới cầu Ghềnh

Ngày 1-4, dự án xây mới cầu Ghềnh chính thức khởi động. UBND tỉnh cho biết dự án không làm lễ khởi công để không mất thời gian và tiết kiệm chi phí. Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 3 cho biết, hiện các mũi khởi công đều được thực hiện song song, không mất thời gian chờ đợi.

Dưới sông công tác di dời cầu cũ vẫn đang được thực hiện.
Dưới sông công tác di dời cầu cũ vẫn đang được thực hiện.

Hiện tại, các hạng mục xây dựng cầu Ghềnh đang được triển khai đồng loạt. Các mũi thi công từ dưới sông đến trên cạn đều được huy động tối đa lực lượng. Các ngành chức năng của tỉnh cũng như TP.Biên Hòa cũng tất bật phối hợp hỗ trợ cho các đơn vị thi công.

* Cố gắng giữ hình dáng cũ

Theo Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 3, đến nay phần cầu xây mới đã được duyệt thiết kế xong, công tác sản xuất dầm đã được bắt đầu. Theo thiết kế, cầu Ghềnh mới sẽ xây dựng 3 nhịp dầm thép dạng vòm cao 13m, cầu được nâng cao lên khoảng 2,2m, đáp ứng tĩnh không thông thuyền cấp 3. Trụ cầu được đúc bằng bê tông cốt thép. Cầu còn được thiết kế thêm phần đường bộ 2,4m dành cho xe máy và xe đạp lưu thông 2 chiều.

Dự án xây dựng cầu Ghềnh mới theo lệnh khẩn cấp của Chính phủ. Kinh phí xây dựng dự kiến gần 300 tỷ đồng (298,5 tỷ đồng) được lấy từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2016 giao cho Tổng công ty đường sắt Việt Nam (thuộc Bộ Giao thông - vận tải) để thực hiện đầu tư công trình. Bộ Giao thông - vận tải chỉ đạo Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quyết định đầu tư, chịu trách nhiệm về việc tổ chức quản lý thực hiện dự án và được giao thầu kể từ giai đoạn lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng cho đến hoàn thành đưa công trình đưa vào khai thác.

Ông Trần Thiện Cảnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng giao thông - vận tải  (TRICC), đơn vị tư vấn thiết kế cầu, cho biết sở dĩ cầu Ghềnh mới chọn xây theo dạng dầm vòm là để phù hợp với không gian khu vực này và giống với hình ảnh cầu Ghềnh cũ. Ông Cảnh cũng cho hay, dầm vòm mới có độ cong vuốt đều nên tính thẩm mỹ của cầu đẹp hơn. “Cầu Ghềnh cũ đã xây dựng hơn 100 năm trước công nghệ không được như hiện nay nên sử dụng những thanh thép thẳng để nối tạo thành vòm cong nên trông bị gấp khúc không đều. Cầu mới được thiết kế cho cả các đường hệ thống điện, viễn thông đi ngầm bên trong không treo bên ngoài như cầu cũ” - ông Cảnh nói.

Ngay sau khi cầu Ghềnh cũ bị sập, Bộ Giao thông - vận tải quyết định phương án cho xây dựng cầu Ghềnh mới, lãnh đạo tỉnh đã kiến nghị với Bộ Giao thông - vận tải cho thiết kế giống với cầu Ghềnh cũ vì cầu Ghềnh như biểu tượng của TP.Biên Hòa gắn với tâm thức người dân ở đây hơn 100 năm nay.

 * Đẩy nhanh tiến độ

Tại hiện trường, một số hạng mục, như: tháo ray 2 đầu cầu cũ, xử lý hệ thống điện, gỡ cáp viễn thông, khoan thăm dò địa chất đang được gấp rút tiến hành cùng lúc. Theo Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 3, đến nay việc thi công công trình đang bám sát tiến độ. Hiện tại, công tác tháo dỡ cầu cũ vẫn đang được tiến hành khẩn trương để bàn giao mặt bằng cho thi công cầu mới. Đến nay đã trục vớt xong các nhịp cầu bị đổ xuống sông và đang cắt, di dời phần dầm cầu còn lại.  Dự kiến việc trục vớt, tháo dỡ các dầm cầu cũ cũng như dọn dẹp xong lòng sông vào khoảng ngày 10-4. Theo kế hoạch, dự án xây dựng cầu Ghềnh mới sẽ hoàn thành vào ngày 15-7.

Khoan địa chất tại khu vực gần cầu Ghềnh.
Khoan địa chất tại khu vực gần cầu Ghềnh.

Việc nâng cao độ tĩnh không thông thuyền của cầu Ghềnh mới lên 2,2m đã làm thay đổi hẳn đoạn đường sắt khu vực 2 đầu cầu, đặc biệt là đoạn từ cầu Rạch Cát đến cầu Ghềnh. Trong đợt xây mới cầu này, Tổng công ty đường sắt Việt Nam đã cho mở rộng và nâng cao đoạn đường chui nối từ đường Nguyễn Tri Phương với đường Đặng Đại Độ, xã Hiệp Hòa.

Ông Trịnh Tuấn Liêm, Giám đốc Sở Giao thông - vận tải, cho hay đoạn đường nối này hiện khá hẹp, chỉ có 3m và cầu đường sắt thấp 2,5m nên các phương tiện lưu thông khó khăn. “Tổng công ty đường sắt cho xây dựng lại cầu này là cơ hội tốt để mở rộng nút giao thông ở đây. Sở cùng TP.Biên Hòa đang phối hợp chặt với chủ đầu tư để triển khai dự án”  - ông Liêm nói.

Theo thiết kế, đoạn đường chui này sẽ được mở rộng khoảng 12m và nâng độ cao lên khoảng 70cm nữa. Ông Trần Dương Vũ, Phó phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa, cho biết khó khăn nhất hiện nay của việc mở rộng đường là đơn vị thi công chưa xác định được cụ thể mốc để giải phóng mặt bằng di dời các hộ dân. Theo tính toán sơ bộ của TP.Biên Hòa, đoạn đường này sẽ giải tỏa khoảng 6 hộ dân. Khi xác định xong mốc, thành phố sẽ triển khai nhanh việc giải phóng mặt bằng để kịp tiến độ.

Khắc Giới

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        4,070,134       523