Thời cuộc

Bí mật trong ngôi mộ vợ chúa Trịnh Sâm

Thôn An Định (Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội) hiện có ngôi mộ khang trang đề tên thái phi Dương Thị Ngọc Hoan là vợ chúa Trịnh Sâm.

Đây vốn là ngôi mộ cổ giữa cánh đồng làng Do Lộ (cùng phường Yên Nghĩa) được dân làng An Định di dời về. Họ tin rằng đó là mộ thái phi Ngọc Hoan bởi những đặc điểm khác lạ của ngôi mộ cùng sự trùng lặp giữa thực tế với truyền thuyết. Đến nay chưa có ai chứng minh niềm tin trên, chỉ có tấm lòng biết ơn của dân làng An Định với bà chúa họ Dương là sáng rõ nhất.

Ngôi mộ hiện tại của

Ngôi mộ hiện tại của vợ Trịnh Sâm.

Theo các tư liệu lịch sử, thái phi Ngọc Hoan quê ở làng Long Phúc, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. Bà được đưa vào cung hầu chúa, sau “tình một đêm” với chúa Trịnh Sâm, bà có thai, sau đó sinh hạ được Trịnh Khải (tức Trịnh Tông).

Dù sinh con trai nhưng thái phi vẫn không được Chúa thương yêu. Bởi vậy thái phi xin Chúa rời cung về làng An Định, phường Yên Nghĩa ngày nay “ở ẩn”, tránh xung đột chốn cung cấm. Từ khi thái phi về lập cung, nơi đây được xây dựng nhiều công trình giao thông, đình chùa, văn hóa được mở mang.

Thái phi họ Dương còn tậu 35 mẫu ruộng để cấp cho những người đi lính gọi là “binh điền” và cấp cho học trò được đi thi Hương, thi Hội, thi Đình gọi gọi là “học điền”. Sau đó bà ốm nặng và qua đời. Theo lời truyền, mộ thái phi được an táng ở khu ruộng làng Do Lộ, giáp làng An Định. Người dân vẫn quen gọi khu đồng này là khu mộ bà chúa Nghĩa.

Sau khi bà mất, các họ tộc quyết định đưa bà vào thờ trong đình, thờ ngang bằng thành hoàng. Bởi vậy người dân còn gọi thái phi là bà chúa: “Người làng lưu truyền bao đời nay rằng bà chúa lặng lẽ rời khỏi làng không ai hay biết. Về sau bà mất không rõ chôn cất ở đâu, có rất nhiều mộ giả khắp nơi nên đến nay vẫn chưa tìm ra mộ thái phi. Chúng thờ thái phi bởi đóng góp của bà với dân làng quá lớn”, một bô lão làng An Định nói.

Đầu năm 2007, một số người dân hay tin ở cánh đồng bà chúa Nghĩa (thuộc làng Do Lộ) đang được giải phóng mặt bằng xây dựng khu công nghiệp. Hiện còn duy nhất ngôi mộ cổ được cho là của thái phi họ Dương.

Ông Nguyễn Bá Chuyên (69 tuổi), bấy giờ là cán bộ mặt trận tổ quốc thôn nhớ lại, thông tin mộ bà chúa nhanh chóng trở thành tâm điểm của làng. Ngay sau đó buổi họp dân được tổ chức đột xuất, có sự tham gia của trưởng thôn, cán bộ mặt trận. Những người đứng đầu thôn thông báo chính thức về việc có ngôi mộ cổ ở làng Do Lộ được cho là của bà chúa.

Chỉ vài ngày sau, tại buổi họp thứ hai, tất cả đồng ý sẽ đưa ngôi mộ về thờ phụng. Khi đã thống nhất, cuộc họp thứ ba diễn ra để bàn tính phương án di dời mộ. Theo dự định ban đầu, việc bốc mộ được giao cho tổ tang hiếu của thôn đảm nhận. Vị trí đặt ngôi mộ dưới gốc cây đa giữa làng.

Nói như thế không có nghĩa là việc đưa mộ bà chúa về làng suôn sẻ từ đầu. Ông Lê Như Khuê (74 tuổi), bấy giờ là chi hội trưởng cựu chiến binh của làng kể: Vào thời điểm năm 2007 cũng có những ý kiến phản đối việc đưa hài cốt lạ về làng. Điều này trái với phong tục của làng.

Rồi nhiều người đề nghị chỉ được rước quan tài vào làng bằng cổng phụ. Ngôi mộ chỉ được chôn ngoài nghĩa địa chứ không được đưa sâu vào khu dân cư. Đồng thời luồng ý kiến phản đối nêu quan điểm không được đem đồ thờ trong đình làng đi rước mộ bởi “phạm úy” với thành hoàng.

Thậm chí một số người đề nghị sau khi bốc mộ lên phải mở nắp quan tài để toàn dân chứng kiến mới tin đó là mộ bà chúa Ngọc Hoan. Cuộc họp bàn tranh cãi gay gắt tại đình làng gần hết buổi sáng. Cuối cùng toàn dân giơ tay biểu quyết, chấp nhận phương án rước ngôi mộ cổ theo đúng nghi thức cao nhất, ngang bằng lễ rước thành hoàng.

“Thứ nhất, bà Ngọc Hoan không phải người lạ mà từng sống ở làng, có công lớn xây dựng làng. Thứ hai, từ xa xưa trong đình đã thờ bà chúa, thờ ngang với thành hoàng nên không có lí gì để phản đối việc đem đồ thờ trong đình ra phục vụ lễ rước. Ý kiến mở nắp quan tài sau đó cũng không ai đề cập tới nữa. Quan trọng nhất là người dân tìm được tiếng nói chung, ai nấy rất biết ơn bà chúa nên ủng hộ việc đưa mộ về làng”, ông Khuê kể lại.

Dân làng ngày rước cổ mộ về làng.

Dân làng ngày rước cổ mộ về làng.

Sáng 16 tháng chạp năm 2007, hàng trăm dân làng ăn mặc chỉnh tề tập trung tại đình làng để ra đồng bốc ngôi mộ. Sau khi phát quang lớp đất cỏ bề mặt, đào sâu xuống khoảng nửa mét, ai nấy nhìn thấy hình dáng mộ cổ khác lạ, được xây dựng kì công.

Trên cùng là lớp chất liệu lạ cứng như bê tông dày khoảng 60 cm có hình mai rùa. Dưới mai rùa là lớp chất liệu lạ dày khoảng 20 cm: “Phá hết lớp chất lạ này mới lộ ra phần quách được xây như bể nước, thành cao gần 1 m, dày 10 cm. Ở giữa quách đặt quan tài bằng gỗ màu hồng đỏ dài 2 m, xung quang có hạt kim tuyến thêu chữ ngoằn ngoèo không ai đọc được. Toàn bộ diện tích ngôi mộ rộng hơn 10 m2”, ông Chuyên chứng kiến toàn bộ quá trình bốc mộ cổ thuật lại.

Điều khiến nhiều người bất ngờ nhất là quan tài gần như nguyên vẹn dù phần mộ ước tính hàng trăm năm tuổi. Nhiều người suy đoán quan tài nguyên vẹn nhờ vào chất liệu lạ phủ xung quanh mà họ gọi lớp đất nện. Sau đó người làng còn đem loại vật liệu lạ này đến Viện hóa học nhờ phân tích. Loại chất liệu do người xưa sáng tạo gồm vỏ sò, mật ong và một số loại nhựa cây đặc biệt trộn lại, có tác dụng chống thấm nước rất tốt.

Khoảng 10h sáng ngày 17 tháng chạp, đoàn người đi rước bà chúa về tới cổng làng An Định. Dẫn đầu là đội chiêng trống, cầm lộng mặc trang phục tổ chức nghi truyền thống. Theo sau là hàng trăm dân làng kéo dài cả cây số. Chiếc quan tài được bọc vải đỏ, đặt trang nghiêm trước sân nhà văn hóa để dân vào làm lễ bái theo đúng phong tục lễ tang địa phương.

Lúc này kế hoạch chôn cất mộ có thay đổi nhỏ: “Sáng ngày dân làng tổ chức lễ rước, có người lạ qua làng biết chuyện đã góp ý đặt mộ cổ ở vị trí đối diện giếng làng. Hiện là khuôn viên trụ sở nhà văn hóa thôn. Nghe có lí, dân đồng ý thay đổi địa điểm sẽ hạ quan”, ông Khuê kể lại.

Các bô lão làng An Định nói rằng dù không bật nắp quan tài, cũng không có bằng chứng nào chứng minh ngôi mộ cổ của thái phi Ngọc Hoan. Tuy nhiên toàn dân đều tin người nằm trong quan tài là bà chúa. Bởi thứ nhất, ngôi mộ được xây dựng rất kì công, chỉ có bậc vua chúa mới được xây như vậy. Thứ hai, ngôi mộ tọa lạc giữa cánh đồng có tên bà chúa Nghĩa nên có mối liên hệ nào đó.

Cuối cùng, sau khi khai quật nhận thấy mộ được xây dựng theo hình con rùa. Điều này trùng với truyền thuyết kể lại bà chúa sau khi rời khỏi làng có hai con rùa bò đi tìm. Hiện ở làng có xây tượng con rùa để tưởng nhớ bà chúa. Từ những trùng lặp ngẫu nhiên trên, người An Định tin chắc mộ cổ họ đưa về làng thờ phụng là của thái phi Ngọc Hoan.

Các nghi lễ diễn ra trang trọng.

Các nghi lễ diễn ra trang trọng.

Chuyện rước mộ về làng An Định, lúc này nhiều ý kiến cho rằng cần phải xây lăng bà chúa khang trang xứng với công lao của bà. Tuy nhiên kinh phí của làng không cho phép. Nhưng không hiểu sao người dân lại rất quyết tâm xây lăng, họ động viên nhau: “Cứ xây, tới đâu tính tới đó”. Ngay buổi tối đầu tiên rước mộ về làng, tổ xây dựng lăng gồm bốn người được thành lập chớp nhoáng.

Tổ xây lăng vận động dân làng, các mối quan hệ cá nhân quyên góp kinh phí. Bất ngờ rằng chỉ sau vài ngày phát động, mọi người nhiệt tình ủng hộ tiền, người giúp đỡ bằng sắt thép, xi măng, gạch. Và chỉ sau khoảng một tháng, lăng bà chúa hoàn thành. Tổng kinh phí xây dựng 40 triệu đồng đều do người dân quyên góp, tiền hỗ trợ di dời mộ.

Người dân cho biết lăng mộ hiện tại được xây nguyên mẫu như ngôi mộ cổ giữa cánh đồng. Dân làng kĩ lưỡng tới mức chở tất cả những tảng vật liệu lạ từ đồng đưa về gắn lại hình mai rùa như cũ. Viện hóa học lúc đó cũng “ủng hộ” dân làng An Định chai keo đặc biệt để kết dính những khối vật liệu lạ.

Đã mười năm kể từ ngày dân làng An Định rước mộ cổ được cho của thái phi Ngọc Hoan về thờ phụng. Họ không còn bận tâm việc chứng minh người an nghỉ dưới mộ là ai nữa. Điều quan trọng nhất là ngôi mộ đã khắc phục được thiếu khuyết đời sống tâm linh dân làng.

“Hàng trăm năm nay làng chỉ thờ bài vị bà chúa mà không biết hài cốt bà ở đâu. Bởi vậy nguyện vọng đưa hài cốt vợ chúa Trịnh Sâm về làng luôn là niềm mong mỏi. Nay dân làng chúng tôi đã an lòng, không còn vướng bận điều gì nữa. Ngôi mộ trở thành công trình có ý nghĩa trong đời sống tinh thần xóm làng”, ông Khuê là thành viên trong tổ xây lăng cho hay.

Theo Pháp Luật Việt Nam

NgoiSao.net

bí mật, bí ẩn, ngôi mộ, vợ Trịnh Sâm, Trịnh Sâm, Dương Thị Ngọc Hoan - Bí mật trong ngôi mộ vợ chúa Trịnh Sâm


      © 2021 FAP
        1,214,842       692