Thời cuộc

Lần cấp cứu định mệnh cho người tù có AIDS

Bị phạm nhân tạt chất thải và máu từ đầu xuống chân, thiếu tá - bác sĩ Nguyễn Quang Ánh không nghĩ mình có thể nhiễm HIV từ lần cấp cứu cho anh này.

Những ngày cận kề dịp Quốc khánh, Trại giam Thủ Đức (tỉnh Bình Thuận) thuộc Tổng cục 8, Bộ Công an, chộn rộn hẳn lên vì có đến hơn 850 phạm nhân được đặc xá. Cũng như những đồng đội khác, thiếu tá - bác sĩ Nguyễn Quang Ánh (41 tuổi) cười nhiều hơn khi vui chung với hạnh phúc của những phạm nhân sắp được trở về với gia đình. Nhưng thi thoảng, trong ánh mắt người đàn ông có gương mặt cương nghị vẫn chất chứa nỗi buồn.

Hai mươi năm trước, Ánh rời quê Hà Tây đi nghĩa vụ, công tác tại trại giam này. Tình nguyện phục vụ lâu dài, anh được lãnh đạo cử đi học y sĩ để về làm trong bộ phận khám chữa bệnh cho phạm nhân phân trại số 3. Năm 2002, anh kết hôn với cô giáo ở tỉnh Bình Thuận.

Thời điểm đó trại giam có rất nhiều phạm nhân bị bệnh AIDS. Anh và đồng đội khá vất vả trong việc chăm sóc và điều trị bởi họ thường mang tâm lý chán đời, không hợp tác. Một lần, hay tin nam thanh niên bị bệnh giai đoạn cuối đang tự rạch tay, cắn lưỡi và đập đầu vào tường, anh vội chạy đến. Lại gần khuyên bảo và băng bó cho phạm nhân, Ánh bị người này tạt bô có máu và chất thải từ đầu xuống chân.

"Lúc đó người tôi không bị trầy xước gì, tôi chủ quan chỉ về nhà tắm rửa mà không điều trị phơi nhiễm", thiếu tá Ánh nói.

thieu-ta-Anh-5444-1441120042.jpg

Thiếu tá Ánh.

Tháng 7/2004, anh đưa vợ đến Bệnh viện 30/4 (TP HCM) sinh con đầu lòng. Liên tiếp sau đó anh và vợ được yêu cầu xét nghiệm máu vì "tình nghi bị bệnh gan". Linh tinh mách bảo có chuyện không lành, anh đề nghị các bác sĩ nói thật.

Đầu óc quay cuồng khi cầm kết quả xét nghiệm trên tay, anh bật khóc khi biết hai vợ chồng đều nhiễm HIV. Không thể tin đây là sự thật, anh đi thẳng đến bệnh viện khác xét nghiệm lại nhưng kết quả không thay đổi.

"Gặp vợ, tôi không khóc nhưng nước mắt cứ trào ra. Vợ hỏi có chuyện gì, tôi đành nói dối bận chuyện cơ quan, thấy áy náy vì vợ sinh mà không chăm sóc được. Cô ấy còn an ủi, động viên tôi về đơn vị công tác khiến tôi càng đau lòng hơn", thiếu tá Ánh nghẹn giọng.

Nhưng sự thật này không giấu được người vợ khi đứa con bị tách khỏi mẹ ngay sau sinh. Chỉ 26 ngày sau, vợ anh vì quá buồn đau đã tìm đến cái chết. "Lúc ấy tôi nghĩ trên đời không ai khổ hơn mình, chỉ muốn lao đầu vào xe tải để không còn biết gì nữa. Nhưng còn cha mẹ già, còn con tôi, cháu đang phải sống như trẻ mồ côi trong trung tâm bảo trợ xã hội. Nó còn chưa một lần được uống dòng sữa mẹ. Rất may là cháu hoàn toàn khoẻ mạnh, không bị nhiễm bệnh", anh Ánh kể.

Đưa con về quê nhờ cha mẹ chăm sóc, dù rất đau lòng nhưng anh bảo "như thế sẽ tốt cho cháu hơn". Những ngày tháng tiếp theo đối với anh giống như địa ngục. Dù đồng đội luôn quan tâm, chia sẻ nhưng hết giờ làm Ánh lại chui vào một góc phòng để đọc sách, để khóc một mình. Từ một người đàn ông khoẻ mạnh, anh gầy xọm chỉ còn hơn 40 kg.

Bi kịch đến thế, song thiếu tá Ánh nói rằng trong thâm tâm chưa một lần oán trách phạm nhân đã lây bệnh cho mình. "Tôi cho đây là số phận", anh nói. Sau khi người này chết được trại giam chôn ở khu rừng gần đấy. Mỗi ngày rằm, anh lại tìm đến thắp hương, phát cỏ cho người quá cố bớt hiu quạnh.

Nhờ sinh hoạt điều độ, giữ gìn sức khoẻ nên bệnh tật không có cơ hội phát tác. Là "người trong cuộc" và trực tiếp thăm khám cho những bệnh nhân bệnh AIDS, anh chia sẻ với họ như dốc hết ruột gan. Vì thế mà rất nhiều phạm nhân có bệnh đã tỉnh ngộ, không còn muốn tìm đến cái chết. "Họ có tội với xã hội, với pháp luật chứ với tôi họ là bệnh nhân", người cảnh sát mang hai màu áo, nói.

Nhìn con thơ lớn lên từng ngày, cũng hiểu chuyện của bố, anh thấy lòng nguôi ngoai rất nhiều. Hằng ngày anh vẫn trau dồi nghiệp vụ để cống hiến, để biết cuộc đời mình vẫn còn có ích. Mới đây, cô bạn hồi học chung trường Cao đẳng y tế tỉnh Bình Thuận đã cảm thông, nguyện cùng anh chia sẻ những tháng ngày cuối đời dù mối quan hệ gặp phải nhiều phản đối.

Theo lãnh đạo Trại giam Thủ Đức, bệnh nhân nhiễm AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác tại trại giam là rất lớn. Việc đảm bảo sức khoẻ và phòng tránh là rất khó khăn cho các cán bộ y tế tại đây. "Thiếu tá Ánh là chiến sĩ luôn sống có trách nhiệm, hết mình vì công việc. Nghị lực sống của anh đã cảm hoá được rất nhiều phạm nhân", ông này nói.

VnExpress

NgoiSao.net

Lần cấp cứu định mệnh cho người tù có AIDS - Ngôi sao


      © 2021 FAP
        1,341,002       650