Bị thương nhỏ do chiếc đinh trên tàu gây ra, anh Khánh không ngờ rằng tính mạng của mình ngàn cân treo sợi tóc, giữa biển khơi.
Anh Huỳnh Duy Khánh (29 tuổi, trú tại Bình Chánh, Bình Sơn, Quảng Ngãi) hành nghề câu mực trên ngư trường Trường Sa lớn hay thềm lục địa phía Nam tròn 10 năm. Những ngư dân như anh sẽ cùng nhau lênh đênh trên biển 90 ngày liền để câu mực, chi phí đi lại ăn uống cũng như lợi nhuận được chia đều.
Hôm đó là ngày đi câu thứ 50 trong 90 ngày. Tối hôm trước là một ngày may mắn với Khánh, anh câu được gần 20 kg mực. Nhưng niềm vui chẳng tày gang, không may anh đã va phải chiếc đinh gỉ sét trên tàu. Vết thương chảy máu và gây đau nhức nhưng Khánh nghĩ chỉ ngoài da thôi nên anh chỉ xử lý qua loa và uống thuốc để giảm đau.
Anh Huỳnh Duy Khánh may mắn được các bác sĩ trên đảo cứu chữa khỏi lưỡi hái tử thần. |
Anh không ngờ rằng chiếc đinh nhỏ nhưng những gỉ sét bám vào rất dễ khiến người bệnh bị nhiễm uốn ván. Theo y văn, uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính có tỉ lệ tử vong cao, từ 25% đến 90%, do ngoại độc của trực khuẩn uốn ván gây ra. Và Khánh đang nằm trong nguy cơ đó.
Bàn tay mỗi lúc một sưng tấy, sốt, không ngủ được khiến cho cơ thể của Khánh càng suy kiệt. Anh đang đối mặt với nguy cơ cánh tay trái sẽ bị hoại tử. Không thể về đất liền vì quá xa, những người trên thuyền quyết định đưa anh vào bệnh xá trên xã đảo Trường Sa Lớn sau nhiều ngày anh Khánh vật vã vì đau đớn.
Bác sĩ Huỳnh Thanh Bình, khoa phẫu thuật thần kinh, bệnh viện Quân y 175, kể: “Hôm đó là ngày trực của tôi. Khi tôi đến cầu cảng thì thấy một thanh niên gầy, nhỏ, tỏ vẻ rất mệt mỏi. Anh đang trong tình trạng nhiễm trùng rất nặng. Đôi bàn tay của bệnh nhân sưng rất to, lan đến khủy tay, cẳng tay”.
Khi đưa vào bệnh xá, bàn tay mỗi lúc một sưng, tím tái, kèm theo những cơn co giật. Ngay lập tức, bác sĩ đưa Khánh đi chụp X-quang. Do thời gian bệnh kéo dài, có nhiều diễn biến phức tạp nên sau 30 phút dò tìm, bác sĩ Bình vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây ra khối áp xe.
Cuộc hội chẩn đã diễn ra đầy căng thẳng để lựa chọn đường mổ nào cho khéo, phù hợp nhất, tránh gây mất máu. Bác sĩ Trịnh Mỹ Hòa, bệnh viện quân y 175, chia sẻ: "Ngay từ đầu tôi đã nghi ngờ đây là một ca áp xe từ vết thương của bàn tay bên trái, đang có dấu hiệu chuyển biến nặng, phải rạch áp xe, nếu không thì sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của ngư dân này. Phẫu thuật ở đảo hoàn toàn khác với ở đất liền. Bởi vì ở đó chúng tôi hoàn toàn bị cô lập, không có máu dự trữ, phải tự cố gắng giải quyết những diễn biến phức tạp” .
Vết thương nhỏ ở tay anh Khánh đã khiến tính mạng của anh như ngàn cân treo sợi tóc. |
Với kinh nghiệm lâm sàng, các bác sĩ quyết định đưa bệnh nhân lên bàn mổ bởi nếu để lâu, vết thương bị nhiễm trùng nặng, gây hoại tử bàn tay, đe dọa đến tính mạng. Với trang thiết bị còn nhiều hạn chế, nhưng những chiến sĩ khoác áo blu vẫn quyết tâm chống lại lưỡi hái tử thần.
Ít phút sau vết mổ, mủ được hút ra. Toàn bộ y bác sĩ thực hiện ca mổ này đều là những người dày dặn kinh nghiệm nhưng đứng mổ giữa trùng khơi khiến các bác sĩ phải cẩn trọng hơn gấp nhiều lần so với những ca phẫu thuật trong đất liền.
250 ml mủ đã được hút ra. Lúc này khi vết mổ kéo dài đến cổ tay, bác sĩ mới tìm thấy thủ phạm gây ra khối áp xe ở vùng này, chính là miếng da mực dính trên chiếc đinh gỉ.
Ngoài đảo xa, phẫu thuật kết thúc chưa hẳn đã xong. Các bác sĩ còn phải túc trực bên cạnh người bệnh để kiểm tra sức khỏe cũng như động viên họ vượt qua thời kỳ hậu phẫu. Với sự ân cần của y bác sĩ, anh Khánh dần quên đi và nhanh bình phục.
Nạn nhân Khánh tâm sự với lòng biết ơn vô bờ: "Tôi nằm hồi sức 10 ngày, được bác sĩ ở đây quan tâm chăm sóc. Cứ cách một tiếng sẽ có người đến đo huyết áp và chăm sóc tận tình. Các bác sĩ quân y ở đây rất tốt, không phân biệt lính hay dân, mọi người đều hòa đồng với nhau. Nếu không phẫu thuật ở đây mà về đất liền thì không biết diễn biến của cánh tay tôi ra sao nữa. Hiện tại, sức khỏe tôi đã trở lại bình thường. Trước không co tay vào được, giờ thì làm được rồi”.
Các bác sĩ ở đảo đã tận tình cứu chữa ngư dân trẻ khỏi cơn nguy kịch. |
Sức khỏe của Khánh đã dần hồi phục, "bàn tay gấu" đã dần biến mất. Chỉ ít ngày nữa thôi, chiếc thuyền câu mực sẽ cập cảng, đón Khánh trở về. Thật may mắn khi Khánh thoát khỏi lưỡi hái tử thần và bàn tay vẫn còn lành lặn.
Anh lại tiếp tục trở về với biển, làm công việc mà 10 năm qua vẫn làm, là câu mực trên biển kiếm kế sinh nhai. Không chỉ riêng Khánh mà hàng trăm ngư dân khác vững tin khi đánh bắt ngoài ngư trường Trường Sa, bởi họ biết và tin rằng đội ngũ y bác sĩ trong bệnh xá có thể giúp họ thoát án tử thần nếu họ không may gặp nạn ngoài khơi.
Câu chuyện của anh Khánh nằm trong serie "Khoảnh khắc sinh tử" phát sóng lúc 11h30 trưa chủ nhật hằng tuần trên HTV7.
Xem video câu chuyện của anh Huỳnh Duy Khánh |
Tùng Dương
Chiếc đinh gỉ khiến chàng ngư dân suýt mất mạng - Ngôi sao