Sau khi ngã từ tầng 7 khi đang thi công, anh Đức Anh bị vỡ cơ hoành, thận bên trái, vỡ nát lá lách, thân dạ dày và tá tràng.
Đã 3 năm trôi qua sau tai nạn kinh hoàng, hiện giờ anh Lê Đức Anh đã trở lại quê nhà ở thành phố Vinh, Nghệ An để bắt đầu một công việc mới bên vợ con. Nhưng ký ức về buổi sáng hôm đó vẫn hằn sâu trong tâm trí anh.
Năm 2012, với đồng lương ít ỏi của 2 vợ chồng, anh Đức Anh quyết định vào TP HCM để làm công nhân xây dựng tại một tòa cao ốc đang thi công ở quận 12, với mức lương 7-8 triệu đồng. Nếu mọi chuyện đều tốt đẹp, tháng đầu tiên anh sẽ gửi tiền về mua tặng cậu con trai chiếc bàn học. Nào ngờ buổi sáng 9/4/2012 đã khiến mọi dự định đứng trên bờ vực dang dở.
Một cú hích như trời giáng của chiếc dây cáp cần cẩu đã khiến thân hình khỏe mạnh của anh rơi từ trên tầng 7 xuống đất. Thông thường, chỉ cần rơi ở độ cao hàng chục mét như thế đã đủ đe dọa tính mạng nhưng trong trường hợp này, cộng thêm một lực tác động rất lớn từ cần cẩu đã đẩy công nhân Lê Đức Anh văng đi rất xa.
Anh Đức Anh bị chiếc dây cáp cần cẩu va trúng, ngã từ tầng 7 xuống đất. |
Lúc đó, công nhân trong công trường đã kịp thời gọi sự hỗ trợ của bệnh viện Quân y 175. Trên đường di chuyển từ quận 12 từ bệnh viện, bên ngoài người bệnh không hề có một giọt máu nào chảy ra nhưng nhịp tim, huyết áp rất rời rạc, có lúc mất luôn. Theo chẩn đoán của đội ngũ y bác sĩ thì tình trạng sức khỏe rất nguy kịch, có thể bị dập nát toàn bộ cơ quan nội tạng phía trong.
Tiến sĩ, bác sĩ Trịnh Văn Thảo, phó chủ nhiệm khoa ngoại bụng, bệnh viện Quân y 175 kể lại: “Khi chúng tôi đến nơi thì thấy bệnh nhân đang vật vã và bị đa thương tích rất nặng. Qua sơ cứu ban đầu chúng tôi xác định chỉ xét nghiệm những cái tối thiểu thôi và đưa thẳng qua phòng mổ, không qua khoa hồi sức nữa và quyết định vừa hồi sức, vừa mổ”.
Ở quê nhà, mới tối hôm qua, anh còn gọi điện về nói mọi chuyện vẫn tốt. Vậy mà sáng nay, người vợ trẻ nhận được cú điện thoại nghe tin của chồng. Với chị, tin này chẳng khác nào sét đánh bên tai. Chị Trần Thị Tuyết, vợ anh Đức Anh kể: “Khi nghe tin, tự nhiên tay chân của em rụng rời. Lúc đó em đang làm nhà máy, em gọi điện ngay cho mẹ nhờ mua vé may bay để em bay vô gấp”.
Khoảng 12 giờ 20 phút, bệnh nhân Lê Đức Anh được đưa vào phòng mổ. Như thường lệ, bệnh nhân sẽ được đưa vào phòng hồi sức rồi mới vào phòng mổ.
Bệnh nhân có một vết bầm tím ngực bên trái, tràn máu màng phổi, vỡ cơ hoành, vỡ nát thận bên trái thành nhiều mảnh, vỡ nát lách, vỡ thân dạ dày. Và đặc biệt một chấn thương rất nặng khác là vỡ tá tràng D4 độ 3, chảy máu theo tá tràng, rách thành cơ đại tràng, tiểu tràng nhiều chỗ tụ máu lớn sau thành bụng.
Quá nguy kịch không có thời gian hồi sức trước khi mổ. Vì sự nguy kịch đối với tính mạng của bệnh nhân, đội ngũ bác sĩ quyết định vừa hồi sức, vừa mổ. Sự khẩn trương, chạy đua với thời gian như hiển hiện trên toàn bộ gương mặt của ê-kíp trong phẫu trường.
Anh Đức Anh nhập viện trong tình trang đa chấn thương, vỡ nát nội tạng. |
Thật lạ, chỉ có một vết bầm ở vùng mạng sườn trái trên cơ thể nhưng lại đang đe dọa mạng sống của nạn nhân. Theo nhận xét của các bác sĩ, chấn thương của bệnh nhân này giống như hội chứng "sóng nổ", tức là bị tác động một chỗ nhưng vỡ nhiều nơi. Mọi công tác chuẩn bị đã xong. Tất cả đã sẵn sàng cho cuộc đại phẫu thuật.
50 phút sau khi nhập viện, nguy kịch nhất lúc này là vết thương do sự va đập giữa cần cẩu và ngực khiến nạn nhân bị vỡ lớn cơ hoành từ vùng ngoại vi vào trung tâm. Tổn thương này khiến máu đọng nhiều trong cơ thể. Nhưng trở ngại lớn nhất đối với đội ngũ y bác sĩ lúc này là tình trạng vỡ tá tràng. Bác sĩ Trịnh Văn Thảo, phó chủ nhiệm khoa ngoại bụng, bệnh viện Quân y 175 kể: “Bệnh nhân bị đa chấn thương nặng nên vấn đề dinh dưỡng để nuôi tá tràng là kém. Thứ hai là tình trạng bầm dập nhiều nên chỗ tá tràng mà người ta khâu cũng dễ bục. Nguy cơ bục rất cao nên chúng tôi khắc phục bằng 2 ống lớn gọi là ống đực, ống cái, đưa qua chỗ khâu, hứng hết dịch mà nó đổ xuống nên tình trạng bục chỉ không xảy ra.
Khi mổ, chúng tôi phải bơm vào cho bệnh nhân tổng cộng là 4 lít máu, nhiều lúc mạch rời rạc và huyết áp không đo được. Chúng tôi phải bù máu trong suốt quá trình mổ để máu kịp thời lên não tránh trường hợp nạn nhân bị chết não. Chúng tôi theo tinh thần người chiến sĩ, đã đưa bệnh nhân vào phòng mổ là chiến đấu hết mình, quyết không buông, còn nước còn tát”.
Ca mổ kéo dài 3 tiếng đã đưa nạn nhân Lê Đức Anh thoát khỏi bản án tử thần. Vợ nạn nhân không khỏi cảm động khi nhớ lại: “Biết tin chồng sống, tâm trạng của em mừng không tả xiết được. Em đã nghĩ rằng mình còn trẻ mà không bao giờ có chồng nữa mà chồng được cứu sống, chỉ biết là vui thôi chứ không biết nói gì nữa”.
Ba năm sau tai nạn, anh trở về với cuộc sống bình thường bên vợ con. |
Kể từ buổi sáng kinh hoàng ấy đến nay đã hơn 3 năm, sức khỏe đã dần hồi phục, anh Đức Anh đã trở về với cuộc sống bình thường. Anh đã về quê nhà nhưng tâm trí không bao giờ quên được ngày đó, ngày mà những đôi bàn tay y đức đã cứu anh thoát khỏi lưỡi hái tử thần để trở về cùng với gia đình, vui đùa cùng con cái.
Câu chuyện của anh Lê Đức Anh nằm trong serie "Khoánh khắc sinh tử" phát sóng trên HTV7 lúc 11h30 trưa chủ nhật hàng tuần.
Xem video câu chuyện của anh Lê Đức Anh |
Tùng Dương
Cuộc đấu sống còn với 'tử thần' của người vỡ nát nội tạng - Ngôi sao