Đập mặt vào đầu bạn khi đang đùa giỡn, bé gái 11 tuổi phải nhập viện vì thanh kim loại niềng răng cắm sâu vào môi trên.
Tại khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), môi trên của bé gái sưng to, chảy máu. Qua thăm khám, các bác sĩ xác định thanh cài chỉnh nha dính chặt vào mặt trong của môi.
Tổn thương do thanh niềng răng đâm trúng. Ảnh: Bác sĩ Nguyễn Lê Hữu Khoa |
Bệnh nhi được bác sĩ gây tê vùng môi để giảm đau và tiến hành lấy mắc cài ra khỏi môi. "Vết rách quá sâu và rộng khiến chúng tôi phải khâu lại và tiếp tục cho bệnh nhân dùng thuốc tránh nhiễm trùng lan rộng", một bác sĩ cho biết.
Đây không phải là trường hợp duy nhất gặp nạn vì thanh niềng răng. Vài tuần trước, một nữ sinh lớp 8 ở TP HCM cũng đã nhập viện trong tình trạng miệng sưng to, máu chảy liên tục sau cú ngã đập mặt và bị khung chỉnh răng đâm vào.
Phụ huynh cho biết bé niềng răng thẩm mỹ được hai năm thì xảy ra tai nạn. "Con đang tham gia buổi học thể dục tại trường thì trượt té và đập 4 răng cửa hàm trên vào thành hồ bơi. Răng vẫn còn nguyên nhưng thanh niềng răng thì cắm dính luôn vào môi", bệnh nhân nói.
Theo các bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt, để chỉnh hình răng, các bệnh nhân sẽ được mang hàm chỉnh nha tháo lắp hoặc sẽ được gắn mắc cài và cung thép trong chỉnh nha cố định để điều chỉnh răng đúng vị trí.
"Mỗi loại dụng cụ đều có thể gây tai nạn. Ví dụ loại tháo lắp có thể chui vào khí quản thực quản, còn loại cố định có thể làm rách môi, lưỡi. Chính vì thế người mang dụng cụ chỉnh nha không nên đùa giỡn hay chơi các môn thể thao có thể va chạm mạnh. Bệnh nhân cũng phải tuân theo chế độ ăn uống mềm, lỏng, vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng và tái khám đúng hẹn", bác sĩ khuyến cáo.
Thiên Chương
Bé gái gặp nạn vì thanh niềng răng - Ngôi sao