22h đêm, khi đồng đội mang linh cữu Thiếu úy Nguyễn Đình Bình, hy sinh trên Mi 171, vào ngôi nhà nơi anh sinh ra, hàng trăm người dân khóc theo.
Thiếu úy Nguyễn Đình Bình (sinh năm 1991) hy sinh khi chỉ còn vài tháng nữa là tốt nghiệp trường sĩ quan không quân Nha Trang. Vụ tai nạn máy bay Mi 171 cướp đi bao nhiêu ước mơ chưa kịp thực hiện của chàng chiến sĩ trẻ.
Căn nhà tại thôn Na Trung, xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) là nơi Bình sinh ra. Trong căn nhà nhỏ, hàng trăm người dân có mặt cùng chia sẻ đau thương mất mát với gia đình, bao trùm căn nhà chỉ còn lại không khí nặng trĩu đau thương.
Chị Phạm Thị Nga (mẹ Thiếu úy Bình) ôm con lần cuối. |
Chị Phạm Thị Nga (sinh năm 1971, mẹ của Bình) nghẹn dòng nước mắt khi kể về đứa con trai độc nhất của gia đình vừa hy sinh. Thiếu úy Bình là con trai duy nhất của anh Nguyễn Đình Trọng (sinh năm 1968) và chị Phạm Thị Nga, sau Bình là cô em gái đang còn tuổi đến trường. Năm 1993, anh Trọng công tác tại trung đoàn không quân 925, Sư đoàn không quân 37, gia đình Bình buộc rời xa quê hương vào Bình Định sinh sống, học tập khi đó Bình mới gần 2 tuổi.
Cuộc sống xa quê gặp nhiều khó khăn, nhưng Bình luôn vươn lên trong học tập. “Hình ảnh cha trong trang phục người lính đã ghi sâu trong suy nghĩ của Bình từ lúc còn bé. Vậy nên trong tư tưởng Bình luôn quyết tâm sau này sẽ làm một người lính bộ đội cụ Hồ”, chị Nga nhớ lại.
Em Nguyễn Thị Mai Phương (em gái Thiếu úy Bình) vẫn không tin anh mình đã hy sinh. |
Theo học hết cấp 3, năm 2011, bao bạn bè cùng trang lứa đăng ký tất cả các ngành kinh tế, xã hội còn riêng Bình với niềm mơ ước khoác trên mình trang phục người lính nên đã thi và trúng tuyển phi công tại Trường Sĩ quan Không quân Nha Trang (Khánh Hòa). Đến tháng 3 năm nay, Bình chuyển sang đơn vị sĩ quan dù tại Trung đoàn không quân 916 cho đến ngày hy sinh.
Câu chuyện bỗng dừng lại bởi dòng nước mắt cứ thế tuôn rơi của người mẹ. Trong lời kể nghẹn ngào, đắng ngắt ấy, chân dung chiến sĩ Bình hiện ra rõ ràng, thân thương. “Bình là một đứa con ngoan, sống rất tình cảm, dù có đi học xa nhưng gần như ngày nào cũng điện về tâm sự chuyện học hành và hỏi thăm ba mẹ”, chị Nga nấc nghẹn.
Lau vội những giọt nước mắt chị Nga tiếp lời, tối 6/7, Bình gọi điện về nhà tâm sự với mẹ chuyện học tập, công việc đang đảm trách tại đơn vị. Sau khi tâm sự với mẹ xong, Bình nhất quyết phải gặp bằng được em gái Nguyễn Thị Phương Mai để nói chuyện, nhưng lúc đó em gái còn đang đi học thêm chưa về.
“Sau khi Bình điện thoại, tôi không thể nào chợp mắt được. Linh tính của người mẹ như mách bảo sắp có chuyện chẳng lành. Thức trắng đêm cho đến khoảng 5h sáng, cầm điện thoại trên tay tôi định gọi điện cho con trai để nói chuyện nhưng sợ Bình lo lắng ảnh hưởng đến nhiệm vụ nên tôi đã không gọi nữa”, chị Nga mắt ướt đẫm nói.
Đến trưa ngày 7/7, gia đình nhận được tin báo Bình bị thương nặng trong vụ tai nạn rơi máy bay. Dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng Bình không qua khỏi và ra đi khi tuổi đời chỉ mới 23.
Đồng đội, người thân và bà con lối xóm đón linh cữu Thiếu úy Nguyền Đình Bình về quê nhà nơi anh đã sinh ra. |
Sau khi nhận được tin con trai hy sinh, anh Nguyễn Đình Trọng cùng chị Nga nhanh chóng bay ra Hà Nội làm các thủ tục cần thiết. Nguyện vọng của gia đình được đưa Bình về quê nhà tại xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên để an táng.
Khoảng 22h ngày 11/7, hơn 50 đồng đội mang linh cữu Thiếu úy Nguyễn Đình Bình trở về quê nhà tại xã Cẩm Thạch, xung quanh ngôi nhà nhỏ nơi Bình đã sinh ra, hàng trăm người dân đứng trong im lặng, những giọt nước mắt lăn dài cùng tiếng nấc nghẹn lòng của người thân.
Theo Tiền Phong
Quê nhà đón chiến sĩ 23 tuổi hy sinh trở về trong đêm - Ngôi sao