Thể thao

10 bí mật về tay vợt số một Việt Nam Tiến Minh

Nguyễn Tiến Minh đã 7 lần đổi hộ chiếu bởi liên tục xuất ngoại. Anh đam mê và chưa từng xa cầu lông quá 5 ngày suốt hơn 10 năm qua.

1. Gần chục lần đổi hộ chiếu

Mỗi năm, Tiến Minh dự ít nhất 14-16 giải quốc tế. Vì vậy, anh có đến 7 lần thay sổ passport. Theo Tiến Minh, số lần dự giải quốc tế của anh là nhiều so với đồng nghiệp trong nước, nhưng “các VĐV nhóm đầu dự trung bình hơn 20 giải một năm”.

minh3-7433-1409883120.jpg

Tiến Minh thi đấu tại giải cầu lông mở rộng Việt Nam 2014 tại TP HCM. Ảnh: PD.

2. Một ngày ăn hết một triệu đồng

Chế độ dinh dưỡng với tay vợt chuyên nghiệp rất khắt khe. “Bình thường, tiền mua thức ăn đúng chất, đảm bảo chất lượng vào khoảng một triệu đồng một ngày. Khi vào giải, đặc biệt các giải quốc tế thì số tiền ăn hàng ngày có thể lên hai triệu đồng bởi khi ăn đúng chất lượng, hợp khẩu vị, món ăn rất đắt”.

3. Thích nhất món canh chua cá hú của mẹ

Khi thi đấu, Tiến Minh thích món bò bít-tết. Nhưng khi về nhà, anh lại thích món canh chua cá hú do mẹ làm: “Đi xa, tôi vẫn thường nhớ món này của mẹ”. Gia đình là nơi anh chia sẻ đầu tiên sau những vui buồn, thất bại, thành công.

4. Từng tính giải nghệ

“Năm 2007, sau các thất bại và chịu áp lực quá lớn, tôi tính giải nghệ. Bấy giờ tôi cảm thấy chán nản vô cùng trên con đường mình đã chọn. Tôi nhủ thầm nếu ở SEA Games 2007 tôi không thành công thì giải nghệ”, Tiến Minh tâm sự. Tại SEA Games này, anh giành HC đồng - thành tích trở thành động lực để tay vợt sinh năm 1983 tiến lên mạnh mẽ, bước vào top 20, rồi top 10, top 5 thế giới những năm sau.

5. Nơi lần đầu tiên thi đấu quốc tế là Đài Loan (Trung Quốc) 

Anh kể: “Đó là năm tôi 18 tuổi, lần đầu tiên cùng đội TP HCM sang Đài Loan (Trung Quốc) dự giải đấu trẻ. Chuyến đi đầu tiên cho tôi rất nhiều kỷ niệm. Thấy cái gì cũng lạ, cũng mới, cũng to và mình thì… run. Tại giải, tôi thất bại nhưng lại hun đúc cho mình ý chí quyết tâm theo nghề”.

6. Cảm ơn lần ngã chảy máu

Tiến Minh bắt đầu chơi cầu lông từ năm 10 tuổi với mục đích rèn luyện sức khỏe nhưng càng ngày anh càng đam mê. Trong một lần thi đấu, anh bị đối thủ “hành hạ” bằng tỷ số 15-0 và nhiều lần bản thân bị ngã xuống sàn thi đấu, chảy máu. “Nhưng lạ là lúc đó tôi chỉ thêm nung nấu ý định phải cố gắng hơn nữa. Sau lần ngã chảy máu, tôi tập nhiều hơn, bài bản hơn để phục thù và theo đường chuyên nghiệp năm 18 tuổi”, anh kể.

7. Nghỉ được nhiều nhất là 5 ngày

“Ngày Tết, tôi cũng chỉ cho bản thân nghỉ hơn một ngày là phải tập luyện. Hơn chục năm qua, thời gian tôi xa cầu lông lâu nhất là khoảng 5 ngày vì lý do dưỡng thương, còn lại là kín lịch tập, thi đấu, di chuyển. Theo sự nghiệp cầu lông đỉnh cao, phải hy sinh rất nhiều thứ khác để tập trung cho nó”. Từ khi theo đuổi sự nghiệp, Tiến Minh chưa biết đến những sinh nhật hoành tráng mà chỉ là những buổi gặp gỡ chớp nhoáng cùng gia đình.

8. Người ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp

Đó là “người đàn bà thép” của làng cầu lông Việt Nam Huỳnh Ngọc Liên - Phó chủ tịch Liên đoàn cầu lông TP HCM. “Ngoài gia đình, các thầy, cô Liên là người giúp tôi có được sự nghiệp như ngày hôm nay. Cô Liên với mối quan hệ rộng, am hiểu đường đi nước bước, xử lý nhanh nhẹn giúp tôi nhiều khi ra sân chơi thế giới hơn chục năm qua”.

9. Kế hoạch của hai năm tới

minh-6907-1409881838.jpg

“Tôi thi đấu thêm hai năm nữa để cống hiến cho phong trào rồi giải nghệ. Sau khi giải nghệ, tôi sẽ lập gia đình và cố gắng mở được một trung tâm cầu lông để đào tạo các em trẻ như mong ước bấy lâu. Với lịch như hiện nay, chỉ khi ngừng thi đấu tôi mới tập trung cho gia đình được. Ba mẹ ủng hộ quyết định của tôi”, Tiến Minh chia sẻ.

10. Mê đồ công nghệ và lướt Facebook

Ngoài cầu lông, Tiến Minh có thú vui tìm hiểu và sở hữu đồ công nghệ cao. Anh cũng lập Facebook và fanpage riêng mang tên mình. “Chút thời gian rảnh rỗi buổi tối, tôi cũng thường lướt Facebook để nắm tình hình bạn bè và cũng thông qua đó hiểu thêm được người xung quanh đánh giá thế nào về mình, lắng nghe các ý kiến khen, chê…”.

Ngọc Hà

NgoiSao.net

10 bí mật về tay vợt số một Việt Nam Tiến Minh - Ngôi sao


      © 2021 FAP
        1,393,151       1,247