Khoa học

Trung Quốc phóng vệ tinh lượng tử bất khả xâm nhập

Vệ tinh lượng tử đầu tiên của Trung Quốc liên lạc với mặt đất bằng tín hiệu siêu bảo mật có thể chống lại mọi biện pháp can thiệp từ bên ngoài.

trung-quoc-phong-ve-tinh-luong-tu-bat-kha-xam-nhap

Một vụ phóng vệ tinh của Trung Quốc năm 2015. Ảnh: China Dayly

Sáng ngày 16/8, Trung Quốc đã phóng thành công vệ tinh lượng tử đầu tiên trên thế giới, giúp Bắc Kinh thiết lập hệ thống thông tin liên lạc "siêu bảo mật" giữa không gian với mặt đất, theo Reuters.

Vệ tinh Thử nghiệm Lượng tử Quy mô Vũ trụ (QUESS) đã được phóng từ bãi phóng Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc. Đây được đánh giá là bước tiến mới nhất trong chương trình không gian đầy tham vọng của Trung Quốc.

Theo Xinhua, trong sứ mệnh kéo dài hai năm, QUESS có thể thiết lập hệ thống liên lạc lượng tử "chống can thiệp" bằng cách truyền các ký hiệu mã hóa không thể bị bẻ khóa từ không gian xuống mặt đất.

Liên lạc lượng tử được coi là hình thức bảo mật siêu cao, bởi photon lượng tử không thể bị phân chia hay nhân bản. Bởi vậy, nó không thể bị nghe lén, can thiệp hoặc bẻ khóa thông tin truyền qua hệ thống.

Vệ tinh này sẽ đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc giữa Bắc Kinh và Urumqi, thủ phủ khu tự trị Tân Cương, cực tây Trung Quốc.

"Vệ tinh QUESS đánh dấu một sự chuyển đổi vai trò của Trung Quốc, từ một nước theo sau trong phát triển công nghệ thông tin cổ điển, trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong các thành tựu thuộc lĩnh vực này trong tương lai", Pan Jianwei, giám đốc khoa học của dự án QUESS, tuyên bố.

Trung Quốc khẳng định các chương trình vũ trụ của nước này chỉ nhằm mục đích hòa bình, tuy nhiên các quan chức quốc phòng ở Washington đã bày tỏ lo ngại về sức mạnh không gian đang ngày càng tăng của Bắc Kinh cũng như khả năng nước này sử dụng các thiết bị trong vũ trụ chống lại "đối thủ" trong trường hợp xảy ra xung đột.

Xem thêm: Bãi phóng vệ tinh ven biển đầu tiên của Trung Quốc.

Nguyễn Hoàng

VNExpress

QUESS, vệ tinh, Tửu Tuyền


      © 2021 FAP
        533,355       606