Nghiên cứu của các nhà khoa học ở Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) chỉ ra sao Kim từng có nước lỏng bao phủ bề mặt và nhiệt độ ấm áp giống Trái Đất.
Sao Kim từng có nhiều điều kiện phù hợp cho sự sống phát triển. Ảnh: NASA. |
Theo Tech Times, với nồng độ CO2 trong khí quyển cao gấp 90 lần so với Trái Đất, không có hơi nước và nhiệt độ bề mặt lên đến hơn 460 độ C, sao Kim ngày nay là một hành tinh chết. Tuy nhiên, mô hình khí hậu của NASA cho thấy hành tinh này nhiều khả năng từng có đại dương với mực nước nông và nhiệt độ bề mặt phù hợp với sự sống.
Để tìm hiểu xem sao Kim từng có những điều kiện giống Trái Đất hay không, các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Không gian Goddard của NASA phát triển một mô hình tương tự như trong ngành khí tượng học.
Tốc độ quay quanh trục của một hành tinh ảnh hưởng đến khí hậu trên hành tinh đó. Sao Kim có tốc độ quay quanh trục chậm. Một ngày trên sao Kim bằng 117 ngày trên Trái Đất. Trước đây, các nhà khoa học cho rằng tốc độ quay chậm này là do bầu khí quyển dày đặc của hành tinh.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy bầu khí quyển mỏng như trên Trái Đất cũng có thể làm chậm tốc độ quay quanh trục. Điều này chứng tỏ sao Kim thuở sơ khai với bầu khí quyển như Trái Đất cũng có vận tốc quay quanh trục giống hiện nay.
Các nhà khoa học cũng cho biết sao Kim cổ đại có nhiều vùng khô nóng hơn so với Trái Đất. Nhưng nhờ có đủ nước và sự đa dạng địa lý, sao Kim tránh được quá trình bốc hơi nước nhanh và có thể tồn tại sự sống. Sao Kim cổ đại cũng nhận nhiều nhiệt từ Mặt Trời trong quá trình hình thành.
"Dù nhận lượng bức xạ Mặt Trời cao hơn 70%, nếu sao Kim có chu kỳ quay chậm hơn Trái Đất 16 ngày, nhiệt độ trên hành tinh sẽ ở mức vừa phải. Với chu kỳ quay hiện nay, khí hậu sao Kim có thể phù hợp cho sự sống cho đến ít nhất 715 triệu năm trở về trước", các nhà nghiên cứu kết luận trong báo cáo đăng trên Geophysical Research Letters ngày 11/8.
Xem thêm: Nguyên nhân sự sống xuất hiện trên Trái Đất thay vì Sao Kim
Thanh Trúc
sao Kim, sự sống, đại dương, mô hình thời tiết, NASA, Trái Đất, khí quyển, hành tinh