Các nhà khoa học Mỹ phát hiện một dạng tồn tại mới của ngọn lửa giống như xoáy lốc màu xanh, có thể dùng làm sạch môi trường trong các vụ tràn dầu.
Các nhà khoa học tại Đại học Maryland phát hiện ra xoáy lửa màu xanh. Ảnh: Đại học Maryland. |
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Maryland, Mỹ, tình cờ phát hiện dạng tồn tại mới của ngọn lửa trong lúc quan sát các xoáy lốc lửa. Theo Mother Nature Network, dạng lửa này trông giống như một "con quay" màu xanh xoay tít một cách độc đáo.
"Những cơn lốc lửa từ lâu được coi như một kẻ hủy diệt vô cùng đáng sợ. Tuy nhiên, cũng giống như điện, chúng đi kèm với những mặt tốt có thể khai thác hiệu quả. Nếu có thể hiểu bản chất của lốc lửa, chúng ta có thể kiểm soát và sử dụng chúng", Michael Gollner, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết trong báo cáo công bố hôm 4/8 trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ.
Trước khi phát hiện xoáy lửa màu xanh, nhóm của Gollner đang cố gắng tạo ra một cơn lốc lửa trên mặt nước với điều kiện trong phòng thí nghiệm. Trong khi cơn lốc lửa thông thường vô cùng hỗn loạn và bất ổn định với ánh sáng màu đỏ hoặc cam, các nhà khoa học thu được một xoáy lửa ổn định bức xạ ra ánh sáng màu xanh da trời.
"Màu xanh trong xoáy lốc thể hiện chúng có đủ oxy cho phản ứng cháy bão hòa, không tạo thành muội đen hay bồ hóng, do đó nó là quá trình cháy sạch hoàn hảo", giáo sư Elaine Oran, đồng tác giả nghiên cứu, nói. Do đó, xoáy lửa xanh có thể cung cấp giải pháp thân thiện với môi trường để xử lý sự cố tràn dầu.
Phương pháp đốt dầu thông thường trên mặt nước tạo ra các sản phẩm sau cháy cùng với khí thải độc hại. Nếu xoáy lửa xanh được nhân rộng trên quy mô lớn, nó có thể đốt dầu loang trên mặt biển mà không gây ô nhiễm môi trường.
Xem thêm: Quả cầu lửa hiếm gặp sáng chói trên bầu trời Siberia
Thanh Tùng
xoáy lửa, lốc lửa, quá trình cháy, sự cố tràn dầu, bức xạ ánh sáng, ngọn lửa