Khoa học

Mảnh vỡ lâu đời nhất của lớp vỏ Trái Đất

Tinh thể zircon ở Australia, được xác định có từ cách đây 4,4 tỷ năm, có thể cung cấp nhiều thông tin nghiên cứu quan trọng về giai đoạn hình thành sự sống trên Trái Đất.

oldeast-Zircon2-9603-1393297715.jpg

Hình ảnh phóng đại tinh thể zircon được phát hiện ở Australia. Ảnh: University of Wisconsin-Madison

CNN cho hay, tinh thể zircon được các nhà khoa học thuộc Đại học Wisconsin-Madison tìm thấy ở vùng Jack Hills, phía tây Australia. Nó có chiều dài khoảng 400 micromet, kích thước lớn nhất chỉ bằng 4 lần sợi tóc của con người.

Bằng cách nghiên cứu đồng vị phóng xạ uranium-chì và chụp cắt lớp nguyên tử, các nhà nghiên cứu xác định tinh thể zircon có từ cách đây 4,4 tỷ năm, tức là hơn 100 triệu năm sau khi Trái Đất hình thành. Với phát hiện này, tinh thể được các nhà khoa học xác nhận là mảnh vỡ lâu đời nhất của lớp vỏ Trái Đất.

Theo các nghiên cứu trước đây, một vụ va chạm giữa Trái Đất và các thiên thạch cách đây 4,5 tỷ năm đã làm bốc hơi lớp vỏ Trái Đất và hình thành các đại dương macma siêu nóng trên bề mặt. Trong giai đoạn này, Trái Đất được coi như một quả cầu lửa.

Dựa trên tính chất hóa học của tinh thể zircon, đặc biệt là tỷ lệ đồng vị oxy, các nhà nghiên cứu cho rằng nhiệt độ trên Trái Đất 4,4 tỷ năm trước ở mức thấp đủ để duy trì nước ở dạng lỏng. Phát hiện này giúp các nhà khoa học nhận thấy rằng Trái Đất trở nên lạnh đi và bề mặt lớp vỏ như ngày nay đã được hình thành nhanh hơn. Trong khi đó, nghiên cứu trước đây từng chỉ ra rằng quá trình lạnh đi của Trái Đất diễn ra lâu hơn, trong khoảng 600 triệu năm.

Việc phát hiện tinh thể zircon được hy vọng sẽ cung cấp các thông tin quan trọng cho các nghiên cứu thời kỳ Trái Đất trở thành hành tinh sống từ cách đây hàng tỷ năm.

Thùy Linh

VNExpress

Mảnh vỡ lâu đời nhất của lớp vỏ Trái Đất - VnExpress


      © 2021 FAP
        540,984       564