TTO - Thành viên đoàn Trung Quốc tới dự Shangri-La nỗ lực làm bớt tính nghiêm trọng của vấn đề Biển Đông, trong khi phái đoàn Mỹ quyết không bỏ qua một trong những vấn đề "nóng" nhất này.
Trung tướng Hà Lôi (giữa) - dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc tại Diễn đàn Shangri-La, cùng Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne (trái), và Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Sajjan lắng nghe bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis sáng 2-6 - Ảnh: REUTERS
Tối qua (1-6), Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á (hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La) lần thứ 17 đã chính thức khai mạc tại Singapore. Các quan chức quốc phòng cấp cao cùng nhiều học giả hàng đầu đến từ hơn 40 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, với khoảng 600 đại biểu đã có mặt tại sự kiện này.
Trước lễ khai mạc Đối thoại Shangri-La, một thành viên bên trong phái đoàn Trung Quốc đã có phát ngôn gây nhiều chú ý. Đó là Trung tá Zhang Chi, một phó giáo sư đến từ Trung tâm cố vấn chiến lược của Đại học Quốc phòng Quốc gia Trung Quốc (CNDU).
Theo tường thuật của báo South China Morning Post, phát biểu trước báo giới, ông Zhang nói rằng quan hệ giữa quân đội Trung Quốc và quân đội Mỹ vẫn còn tốt đẹp bất chấp những khác biệt giữa hai bên.
Thành viên của phái đoàn Trung Quốc nỗ lực làm giảm tính nghiêm trọng của tình trạng căng thẳng ngày một tăng giữa Bắc Kinh và Washington liên quan tới vấn đề Biển Đông.
"So với trước đây, quan hệ giữa quân đội Trung-Mỹ hiện vững chắc hơn nhiều" - ông Zhang nói với báo giới trong ngày 1-6, trước khi diễn ra lễ khai mạc Đối thoại Shangri-La.
Ông Zhang Chi, thành viên của phái đoàn Trung Quốc tới dự Shangri-La 2018 - Ảnh chụp màn hình
Đáng chú ý, ông Zhang còn chèn vào những lời lẽ để tán dương Bắc Kinh: "Trung Quốc đang trỗi dậy, do đó Mỹ sẽ cần sự hỗ trợ từ phía Trung Quốc, bởi vì không thể chỉ dựa vào một quốc gia đơn lẻ để giải quyết tất cả khủng hoảng và những vấn đề toàn cầu hiện có".
Trong khi phái đoàn Trung Quốc ra vẻ không có gì phải làm lớn chuyện, thì phía Mỹ lại đưa ra các phát ngôn nghiêm trọng hơn nhiều, đúng với tình hình hiện nay.
Phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể đầu tiên tại Đối thoại Shangri-La ngày 2-6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông. Vị quan chức Mỹ nhấn mạnh việc Bắc Kinh triển khai các hệ thống vũ khí tới các đảo nhân tạo ở Biển Đông là để đe dọa và ép các nước khác trong khu vực.
Trước đó không lâu, trung tướng Kenneth McKenzie - giám đốc Tham mưu liên quân Mỹ, ngày 31-5 thậm chí cảnh báo Mỹ đủ khả năng "xóa sổ" các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông.
Tuy nhiên, khi được hỏi về bình luận của ông McKenzie, ông Zhang đã tỏ vẻ mọi thứ đang rất "êm đẹp", không có gì bất thường. Ông Zhang nói rằng đó là chuyện "bình thường" khi nghe các quan điểm khác nhau từ chính phủ Mỹ và quân đội Mỹ.
Tại Đối thoại Shangri-La năm nay, phái đoàn Trung Quốc đến dự chỉ gồm các nhân vật cấp thấp, không có mặt bất kỳ nhà làm chính sách quốc phòng cấp cao nào. Thay vì một quan chức quốc phòng cấp cao, đoàn Trung Quốc do trung tướng Hà Lôi - phó chủ tịch Viện hàn lâm hoa học quân sự (AMS), dẫn đầu.
Bà Yao Yun Zhu, một chuyên gia quân sự Trung - Mỹ tại Viện hàn lâm khoa học quân sự Trung Quốc, phát biểu: "Có thể một số người sẽ nói rằng phái đoàn chúng ta là một nhóm người ‘cấp thấp’ nhưng quân đội Trung Quốc sẽ không rút khỏi bất kỳ đối thoại nào".
Trả lời báo giới bên lề Đối thoại Shangri-La, bà Yao nói rằng việc giữ tiếng nói và sự hiện diện tại các diễn đàn thảo thuận khác nhau đóng vai trò rất quan trọng đối với quân đội Trung Quốc.
Có thể việc cử nhiều học giả quân sự dẫn đầu phái đoàn dự Đối thoại Shangri-La đã nằm trong toan tính của Bắc Kinh nhằm tránh màn đối đầu với Mỹ về vấn đề Biển Đông "ở cấp độ nhà nước". Và những thành viên như ông Zhang cũng chính là lực lượng có sứ mệnh biến "giông tố" thành chuyện bình thường.