TTO - Truyền thông Úc đưa tin Bắc Kinh đang tiếp cận với quốc đảo Vanuatu ở phía nam Thái Bình Dương để đặt căn cứ quân sự.
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop là người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc - Ảnh: REUTERS
Báo Fairfax Media của Úc dẫn các nguồn giấu tên cho biết Bắc Kinh chưa đưa ra đề nghị chính thức nhưng đã có những thảo luận sơ bộ với chính quyền Vanuatu về việc thiết lập một căn cứ quân sự đầy đủ.
Nguồn tin cho biết khả năng xuất hiện tiền đồn quân sự của Trung Quốc ở sát nách Úc đã được giới lãnh đạo Úc và Mỹ thảo luận ở cấp cao.
Hôm nay (10-4), Ngoại trưởng Úc, bà Julie Bishop, vừa tuyên bố rằng đã nhận được lời đảm bảo từ chính quyền Vanuatu về việc không có đề nghị chính thức nào từ Bắc Kinh nhưng bà không xác nhận đã có cuộc thảo luận sơ bộ nào giữa Vanuatu với Bắc Kinh hay không.
"Chính quyền Vanuatu khẳng định không có đề nghị chính thức nào từ Bắc Kinh nhưng phải thấy rằng Trung Quốc đang đổ ra đầu tư hạ tầng khắp thế giới" - bà Bishop phát biểu trên Đài phát thanh ABC của Úc sáng nay.
"Tôi tin tưởng rằng Úc vẫn luôn là đối tác chiến lược mà Vanuatu lựa chọn" - Ngoại trưởng Úc nhấn mạnh hàm ý nhắc nhở.
Văn phòng của Thủ tướng Vanuatu Charlot Salwai không trả lời về các câu hỏi gửi đến xin bình luận về vụ việc, Cao ủy Vanuatu đặt tại thủ đô Canberra của Úc không trả lời điện thoại và Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra cũng né tránh trả lời về vụ việc trên.
Vị trí của đảo Vanuatu ngay sát nách Úc (góc trái) - Nguồn: EKOS
Trong thời gian gần đây, quan hệ giữa Úc và Trung Quốc khá nhiều sóng gió và không ít lần hai bên đưa ra những cáo buộc nặng nề với nhau.
Úc cho rằng Bắc Kinh tìm cách đổ tiền thông qua các Hoa kiều đang sinh sống tại Úc để mua chuộc chính trị gia Úc, thao túng chính trường Úc.
Trong khi đó, Bắc Kinh tố cáo Úc đang cố tình gây ảnh hưởng vào tranh chấp ở Biển Đông, đặc biệt là tham dự cùng Mỹ trong các nỗ lực tuần tra vì tự do hàng hải ở Biển Đông.
Thực sự là từ khi Mỹ kêu gọi các đồng minh an ninh ở châu Á tham gia vào chiến dịch tự do hàng hải trên Biển Đông nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh, Úc là thành viên tích cực nhất.
Đầu tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne tuyên bố đã tăng cường hiện diện hải quân ở Biển Đông do có những lo ngại về sự ổn định tại khu vực giữa lúc Trung Quốc mở rộng quân sự tại đó.
Trong phiên điều trần trước Quốc hội ngày 1-3, bà Payne khẳng định Canberra đã tăng cường hiện diện quân sự "khá đáng kể" ở Biển Đông và khu vực phía Bắc của Úc trong 18 tháng qua, trong đó có các chuyến thăm cảng và tập trận với Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia và Philippines.
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop tháp tùng Thái tử Charles của Vương quốc Anh trong chuyến thăm ở đảo Vanuatu, ngày 7-4 - Ảnh: REUTERS
Năm ngoái, 6 chiến hạm Úc được dẫn đầu bởi một tàu sân bay đã đi qua Biển Đông và đây là lần triển khai hải quân đến khu vực lớn nhất trong 3 thập kỷ của Úc.
Truyền thông Trung Quốc vào thời điểm đó đã chỉ trích Úc hỗ trợ những nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm bao vây Trung Quốc, đồng thời mô tả Canberra hành xử như "sen đầm" của Washington.
Hồi đầu năm nay, Tờ Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc cũng đã lớn tiếng dọa rằng Bắc Kinh sẽ tung ra các biện pháp mạnh gây "ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế Úc" nếu Canberra nhúng tay vào Biển Đông.
Trong bài viết đầu năm trên Thời Báo Hoàn Cầu, ông Zhang Ye - nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu hải quân Trung Quốc (Bắc Kinh), cảnh báo hành động "bợ đít Mỹ" của Úc sẽ "đầu độc quan hệ với Bắc Kinh và làm rung chuyển nền tảng cân bằng chiến lược (của Úc) trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc".
"Úc đã thay đổi đáng kể chính sách. Hành động thiên kiến của họ hủy hoại không chỉ lợi ích quốc gia Trung Quốc mà còn lợi ích lâu dài của Úc, khiến cho các xung đột cấu trúc và chiến lược của Canberra thêm tồi tệ" - ông Zhang diễn giải.