TTO - Theo như thỏa thuận đã đạt được, cựu tổng thống Lula sẽ ở tù khác với những tù nhân khác. Phòng giam của ông không có song sắt và có tiện nghi riêng.
Cựu tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva - gọi theo cách ngắn gọn là Lula - đã có đêm đầu tiên ở trại giam của cảnh sát TP Curitiba, nơi ông bị kết án vào năm trước.
Nhiều người dân Brazil quyết ngăn cản việc bắt ông Lula thụ án tù - Nguồn: YOUTUBE
Sau khi được phép ở lại nhà làm lễ một năm ngày mất của vợ, cuối cùng thì ông Lula đã ra trình diện với cảnh sát tại TP Sao Bernardo do Campo thuộc bang Sao Paulo vào chiều tối 7-4.
Ngay sau đó ông được đưa bằng máy bay đến TP Curitiba - thủ phủ của bang Paraná ở miền nam Brazil. Từ sân bay của thành phố, ông được đưa lên trực thăng để đến trại giam của sở cảnh sát liên bang Curitiba thụ án tù.
Tại đây, phòng giam dành cho cựu nguyên thủ của Brazil là phòng không có song sắt nhà tù, rộng 15 m2 với phòng vệ sinh và vòi tắm riêng.
Thẩm phán Sergio Moro - vị thẩm phán lừng danh trong cuộc chiến chống tham nhũng cấp cao ở Brazil giải thích rằng ưu ái này dành cho vị cựu nguyên thủ quốc gia là nhằm "tránh đối mặt với những tù nhân khác để không gây nguy cơ gì cho thể chất cũng như tinh thần (của ông Lula)".
Ông Lula (giữa) rời đi nộp mình cho cảnh sát sau khi phát biểu tại buổi mít-tinh của liên đoàn công nhân luyện kim ở TP Sao Bernardo do Campo tối 7-4 - Ảnh: REUTERS
Năm 2017, ông Lula da Silva bị kết tội tham nhũng và bị kết án 12 năm 1 tháng tù giam với cáo buộc nhận căn hộ hạng sang từ một công ty xây dựng trong vụ bê bối tham nhũng của Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.
Trước giờ nộp mình cho cảnh sát, ông Lula đã dự một cuộc mít-tinh chính trị lớn tại Sao Paulo và có bài phát biểu dài gần 1 giờ.
Cận vệ của ông Lula trấn áp một người (giữa) có mặt tại buổi mít-tinh của liên đoàn công nhân luyện kim ở TP Sao Bernardo do Campo tối 7-4, nơi ông Lula đến phát biểu trong gần 1 giờ trước khi đi nộp mình - Ảnh: REUTERS
Trong bài phát biểu, ông nhắc lại rằng ông vô tội, nhưng việc né tránh các vấn đề pháp lý như hiện nay không phải lựa chọn thích hợp.
"Tôi phải tuân thủ lệnh của tòa nhưng tôi là một công dân bị xúc phạm (…), tôi không cho phép người ta nói với người dân rằng tôi là kẻ trộm cắp", nhà lãnh đạo chính trị đi lên từ bần hàn tiếp tục tự bảo vệ bản thân trước những người ủng hộ ông vào chiều 7-4.
Ông cũng chỉ trích giới tinh hoa Brazil khi cố gắng buộc tội và bắt giữ ông như một động thái loại bỏ ông ra khỏi cuộc bầu cử Tổng thống mà ông đang là một ứng viên sáng giá.
"Nỗi ám ảnh của chúng (giới tinh hoa của Brazil) là có được tấm ảnh Lula khoác áo tù", ông Lula nói trước đám đông.
Ông Lula được áp tải đến trụ sở cảnh sát liên bang Curitiba, vào tối 7-4 - Ảnh: REUTERS
Thực sự thì ông Lula vẫn đang là nhà chính trị có tầm ảnh hưởng lớn tại Brazil. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây đều cho thấy ông có khả năng lớn sẽ giành chiến thắng nếu được ra tranh cử trong kỳ bầu cử tháng 10 tới.
Nhân vật cánh tả được nhiều người nghèo ở Brazil yêu mến này vượt hơn đối thủ gần kề là nghị sĩ Jair Bolsonaro của cực hữu đến gần 20 điểm qua thăm dò dư luận.
Về mặt kỹ thuật, ông Lula vẫn còn khả năng làm ứng viên nhưng ông đang còn đối mặt 6 cáo buộc khác liên quan chủ yếu chuyện tham nhũng.
Nhóm phản đối ông Lula cũng có mặt trước trụ sở cảnh sát liên bang Curitiba vào tối 7-4 để đối đầu với nhóm ủng hộ ông Lula - Ảnh: REUTERS
Sẽ có quyết định từ tòa án xem ông có quyền ra ứng cử tiếp tục hay không nhưng khả năng này được cho là ngày càng nhỏ.
Sự yêu mến của người dân với ông thể hiện qua việc họ tiếp tục tụ tập phản đối án tù dành cho ông ngay trước trụ sở cảnh sát liên bang Curitiba.
Cảnh sát giúp đỡ một phụ nữ thuộc nhóm ủng hộ ông Lula bị trúng hơi cay trong cuộc tụ tập trước trụ sở cảnh sát liên bang Curitiba vào tối 7-4 - Ảnh: REUTERS
Ít nhất 9 người đã bị thương trong các vụ đụng độ với lực lượng an ninh. Cảnh sát Brazil đã phải sử dụng hơi cay và đạn cao su để giải tán đám đông người biểu tình.
Những người biểu tình đã bắn nhiều loạt pháo hoa, khiến khu vực xung quanh cơ sở trên ngập tràn tiếng nổ và khói. Những người ủng hộ ông Lula thậm chí còn cố tình xông vào trụ sở cảnh sát liên bang.
Ông Lula da Silva, 72 tuổi, là nhà lãnh đạo cánh tả rất có ảnh hưởng với số đông người nghèo tại Brazil. Ông từng giữ 2 nhiệm kỳ tổng thống giai đoạn 2003-2010 và được nhiều người yêu mến nhờ cuộc chiến chống đói nghèo và bản thân ông xuất thân từ gia đình nghèo, làm công nhân...
Cảnh sát chống bạo động của Brazil phải dàn quân đối mặt nhóm ủng hộ ông Lula tụ tập trước trụ sở cảnh sát liên bang Curitiba vào tối 7-4 - Ảnh: REUTERS