TTO - Hạnh phúc đến từ đâu? Điều gì đã làm nên hạnh phúc cho những cư dân của một đất nước?
Một em nhỏ Đan Mạch cầm lá cờ có in hình vợ chồng thái tử Đan Mạch - Ảnh: REUTERS
Mạng lưới các giải pháp phát triển bền vững (SDSN) của Liên Hiệp Quốc đầu tháng này đã công bố báo cáo xếp hạng mức độ hạnh phúc của các nước trên thế giới.
Dễ thấy, những quốc gia hạnh phúc nhất không phải những nước giàu nhất, cũng không phải những nước có điều kiện tự nhiên thuận lợi nhất.
Không một thân phận nào bị bỏ quên
Năm nay Phần Lan trở thành "quán quân mới" trong bảng xếp hạng SDSN. Mấy ai biết vào những năm 1860 quốc gia này từng trải qua nạn đói khiến 9% dân số thiệt mạng.
Cũng mấy ai biết tại đây nhiệt độ thường xuyên quẩn quanh mức -200C và một số khu vực của họ hầu như quanh năm không được thấy ánh nắng mặt trời.
Ấy thế nhưng trong những năm gần đây, ngoài danh hiệu quốc gia hạnh phúc nhất vừa được tôn vinh, theo tạp chí The Economist, Phần Lan còn được nhiều tổ chức vinh danh là quốc gia số một với các phương diện "ổn định nhất", "tự do nhất", "an toàn nhất".
Có một điểm mới trong những tiêu chí đánh giá xếp hạng của SDSN năm nay. Ngoài các tiêu chuẩn như GDP đầu người, hỗ trợ xã hội, tuổi thọ, quyền tự do lựa chọn trong đời sống, không tham nhũng..., lần đầu tiên báo cáo SDSN còn tính tới tiêu chí mức độ hạnh phúc của người nhập cư và Phần Lan đứng đầu hạng mục này.
Rõ ràng những xã hội hạnh phúc phải là những xã hội có các cơ quan tổ chức và hệ thống hỗ trợ an sinh tốt nhất để không một thân phận nào bị bỏ quên. Đó cũng phải là những nơi sẵn sàng chấp nhận và tạo điều kiện để những người nhập cư có thể trở thành một bộ phận hợp nhất trong đó.
"Bí mật hạnh phúc" của người Phần Lan nằm ở giáo dục miễn phí, chế độ hào phóng hỗ trợ nghỉ thai sản và sự cân bằng cuộc sống - công việc lành mạnh để ai cũng có thời gian và phương tiện đeo đuổi những đam mê.
Hơn 80% người Phần Lan tin tưởng vào hệ thống y tế, giáo dục và cảnh sát trong nước. Nhờ hệ thống thu thuế và cách tái phân phối tài sản tiến bộ, khoảng cách giàu - nghèo tại đây không quá lớn. Phần Lan cũng được xem là một trong những nơi tốt nhất trên thế giới dành cho những người mẹ đi làm.
Hãy "hygge" như Đan Mạch!
Bảy năm liên tiếp Đan Mạch thuộc nhóm 3 nước hạnh phúc nhất thuộc danh sách SDSN, chuyện này chắc hẳn chẳng hề ngẫu nhiên.
Cũng như Phần Lan, Đan Mạch có một chính phủ ổn định, mức độ tham nhũng thấp, người dân được tiếp cận các dịch vụ giáo dục và y tế chất lượng cao.
Tuy là một trong những nước có mức thuế cao nhất thế giới, nhưng phần lớn người dân ở đây đều đóng thuế một cách vui vẻ, bởi họ tin rằng việc đóng thuế cao sẽ tạo nên một xã hội tốt đẹp hơn. Theo trang web của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), năm 2016 Đan Mạch là nước có tỉ lệ thuế thu được so với GDP cao nhất, đạt 45,9%.
Tuy nhiên theo bà Marie Helweg-Larsen - giáo sư tâm lý học người Đan Mạch tại Đại học Dickinson (Mỹ), yếu tố quan trọng nhất khiến người Đan Mạch hạnh phúc chính là họ coi trọng việc xây dựng một văn hóa theo ngôn ngữ của họ gọi là "hygge" (nghĩa tương đương với "ấm áp", "ấm cúng").
Từ điển Oxford từng bổ sung từ này vào tháng 6-2017 với nội hàm nói về cách sống nhẹ nhàng, thoải mái, trân quý những tương tác xã hội chất lượng cao. "Hygge" có thể được dùng như danh từ, tính từ hoặc động từ mô tả một trải nghiệm vui vẻ, ấm áp như khi cả nhà ngồi quây quần quanh bàn trò chuyện sau bữa tối, khi ta nhâm nhi tách cà phê với một người bạn bên lò sưởi hay đi dã ngoại cùng bạn bè trong công viên mùa hè...
Lẽ dĩ nhiên "tinh thần hygge" đã được thấm nhuần trong văn hóa của người Đan Mạch, song nó cũng trở thành một hiện tượng toàn cầu. Trang Amazon hiện đã bán được hơn 900 cuốn sách về hygge trong khi mạng xã hội Instagram có hơn 3 triệu post nói về mã chủ đề #hygge. Trang tìm kiếm Google cũng ghi nhận số lượt tìm kiếm từ khóa "hygge" tăng vọt trong tháng 10-2016.
Giàu chưa hẳn đã vui
Mặc dù thu nhập bình quân đầu người của Mỹ đã tăng gấp đôi trong 40 năm qua, song niềm hạnh phúc của họ lại không tăng tương ứng. Năm nay Mỹ rơi xuống vị trí 18, tụt 4 hạng so với năm ngoái. Các nhà nghiên cứu cho rằng béo phì, trầm cảm và nghiện ma túy là những nhân tố chính kéo lùi thang bậc hạnh phúc của các nước giàu.