TTO - Tổng thống Putin tiếp tục nhiệm kỳ thứ tư trong bối cảnh đường lối chiến lược của Nga thành công trên nhiều phương diện. Điều nghịch lý là nguyên nhân thành công của Nga có phần "đóng góp" từ các nước phương tây.
Tổng thống Vladimir Putin tặng hoa cho nữ VĐV Nga đoạt huy chương tại Paralympic mùa đông Pyeongchang 2018 trong buổi lễ mừng công tổ chức ở Điện Kremlin ngày 20-3 - Ảnh: REUTERS
Các quốc gia phương Tây cùng Mỹ đang tiến hành các biện pháp trừng phạt ngoại giao mạnh mẽ với Nga. Nguyên nhân của tình hình hiện tại xuất pháp từ âm mưu đầu độc một cựu sĩ quan tình báo Nga cùng con gái ông này trên lãnh thổ của Anh.
Với nhiều nhà quan sát, động thái trừng phạt tập thể hiện nay của khối Âu-Mỹ với Nga có gì đó... sai sai vì nó vượt quá tầm mức của nguyên nhân ban đầu.
Không ít nhà quan sát cho rằng cách trừng phạt đó là do phương Tây ngán... ông Putin. Giữa tháng 3-2018 đã cùng lúc xảy ra nhiều sự kiện quan trọng đối với Nga.
Lợi thế gần đây nghiêng về phía Nga
Tại Syria, sau hai tháng mở chiến dịch hành quân, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cùng các đơn vị Quân đội Syria tự do đã chiếm thành phố Afrin ở vùng tây bắc. Lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn đã phải tháo chạy.
Còn tại miền nam, phiến quân đối lập đã rút khỏi Đông Ghouta sau khi bị quân đội chính phủ Syria đánh tan tác.
Cùng lúc đó tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã đắc cử nhiệm kỳ thứ tư.
Nhà báo Pháp Christian Makarian đánh giá hiện nay, dường như không gì có thể cản trở Nga và các lực lượng bắt tay với Nga như Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau khi Afrin thất thủ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã ngạo mạn tuyên bố sẽ tiếp tục đánh chiếm thành phố Tell Rifaat nhằm kiểm soát vùng đất Syria dọc biên giới Thổ vốn thuộc quyền kiểm soát của Các Đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG), lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ đã đánh đồng với quân khủng bố.
Đó là chưa kể tới Ukraine. Thỏa thuận hòa bình Minsk năm 2015 vẫn không thể ngăn chặn quân ly khai ở miền Đông giao tranh thường xuyên với quân đội chính phủ. Tình hình địa bàn chỉ có lợi cho quân ly khai thân Nga.
Ngọn gió thời gian đang thổi về hướng Nga trong bối cảnh: Xu hướng quay về tính đồng nhất quốc gia hay khu vực, phản đối toàn cầu hóa không biên giới, tái khẳng định các giá trị truyền thống…, kiên quyết chống khủng bố"
Nhà báo người Pháp Christian Makarian
Trang Facebook của Văn phòng tổng thống Syria ngày 18-3-2018 công bố ảnh Tổng thống Bashar al-Assad (mặc áo vest) đi ủy lạo binh sĩ tại Đông Ghouta.
"Tọa sơn quan hổ đấu"
Phó giáo sư sử học Françoise Thom nhận xét đường lối chiến lược của Nga đã mang lại thành công trên nhiều phương diện.
Nguyên nhân thành công của Nga xuất phát từ hai yếu tố: Thành công bằng sức mạnh tự thân của Nga hoặc Nga thụ đắc hậu quả phát sinh từ guồng máy dân chủ phương Tây bị khủng hoảng trong tư thế "tọa sơn quan hổ đấu".
Về sức mạnh của Nga, Nga đã chứng minh qua cuộc chiến ở Syria.
Còn với thế "tọa sơn quan hổ đấu", Françoise Thom đã giải thích bằng nhiều sự kiện.
Trong những năm gần đây, phần lớn các cuộc bầu cử ở thế giới phương Tây và không gian hậu Xô viết đã mang đến kết quả như Matxcơva mong muốn.
Kết quả trưng cầu ý dân Anh rời Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 6-2016 chỉ có lợi cho Nga bởi Brexit có nguy cơ làm suy yếu EU.
Cuộc trưng cầu ý dân ở Ý vào tháng 12-2016 với kết quả không đồng ý sửa đổi Hiến pháp cũng là lợi thế nhất định đối với Nga.
Trong khi đó, cuộc trưng cầu ý dân ở Hà Lan về thỏa thuận hợp tác EU - Ukraine vào tháng 4-2016 đã bị 61% cử tri Hà Lan bác bỏ. Rồi đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ với thắng lợi nghiêng về ông Donald Trump, người bị nghi ngờ có liên hệ với Nga.
Tại Moldova, ứng cử viên thân Nga Igor Dodon đã chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11-2016. Cùng lúc tại Bulgaria, ứng cử viên tổng thống thắng cử Rumen Radev cũng là người thân Nga.
Ngoài ra còn phải kể đến xu hướng nghiêng về phía Nga của các đảng dân túy ở Pháp, Đức, Hungary, Áo, Ý.
Chưa kể một số nhà lãnh đạo không che giấu thiện cảm với Nga hay phương pháp của Putin như Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Nhà chính trị này đã từng hoạt động chống Liên Xô rồi dần dà trở thành người ủng hộ Putin.
Ứng cử viên thân Nga Igor Dodon đi bầu. Ông đã chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Moldova ngày 13-11-2016 - Ảnh: AP
Hai trở ngại trên con đường Nga đang đi
Theo nhà báo Christian Makarian, sức mạnh đang trỗi dậy của Nga trên trường quốc tế chỉ có thể vấp phải hai trở lực quan trọng.
Trở lực đầu tiên đến từ Trung Quốc. Chính sách xoay chuyển nước Nga sang châu Á của Tổng thống Putin mang đến kết quả ngoài mong đợi của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Cho dù ông Tập là người đã lấy cảm hứng từ Putin để tập trung quyền lực về mình, ông cũng không mong muốn Nga bành trướng ảnh hưởng. Đối với Nga, Trung Quốc chỉ xem xét ủng hộ từng trường hợp chứ không phải trọn gói.
Trở lực thứ hai là chính sách đối ngoại của Nga.
Nhà sử học Françoise Thom phân tích chính sách đối ngoại Nga vẫn mang đậm dấu ấn Liên Xô cũ và ảnh hưởng chi phối của tầng lớp cầm quyền.
Trong khi đó, kinh tế Nga vẫn đang tiếp tục giải quyết hậu quả để lại từ thời kinh tế kế hoạch kéo Nga trì trệ dù Nga mong muốn giao thương với thế giới.
Thế lưỡng phân này đang trở thành trở ngại lớn trên bước đường phát triển lâu dài của Nga.
Trung Quốc chỉ ủng hộ Nga trong trường hợp thích hợp - Ảnh: AFP