Thế giới

Thế giới lo lắng trước cố vấn an ninh quốc gia mới của ông Trump

TTO - Quyết định của Tổng thống Donald Trump đưa ông John Bolton trở thành cố vấn an ninh quốc gia khiến những nhà ngoại giao vốn điềm tĩnh nhất cũng phải đứng ngồi không yên.

Thế giới lo lắng trước cố vấn an ninh quốc gia mới của ông Trump - Ảnh 1.

Ông John Bolton không cần sự phê chuẩn của thượng viện để trở thành cố vấn an ninh quốc gia. Vị trí mới cho phép ông gần gũi ông Trump nhiều hơn những vị trí khác như Bộ trưởng Quốc phòng hay Ngoại trưởng vốn cần nhận được cái gật đầu tại thượng viện - Ảnh: REUTERS

Ông John Bolton - cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc dưới thời tổng thống George W. Bush, sẽ thay thế vai trò của tướng 3 sao đã từng qua chinh chiến H. R McMaster tại Chái Tây Nhà Trắng.

"Có lo lắng một chút", một quan chức Hàn Quốc nói với Đài CNN trong khi ngoại trưởng Nhật Bản thì thừa nhận "có một chút bất ngờ".

Trong khi đó thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham ca ngợi quyết định của ông Trump: "Việc lựa chọn ông John Bolton trở thành cố vấn an ninh quốc gia Mỹ là tin tốt lành cho các đồng minh của Mỹ và tin xấu cho những kẻ thù của Washington". 

Tuy nhiên, cách mà các đồng minh Mỹ tiếp nhận thông tin mới, chỉ 10 ngày sau khi ông Rex Tillerson bị sa thải khỏi ghế ngoại trưởng, cho thấy họ không hoàn toàn xem đó là tin tốt.

Hai thái cực

Có hai cách mà người ta sẽ phản ứng trước những diễn biến gần đây trong chính quyền Trump, bao gồm việc ông Mike Pompeo được đề cử trở thành ngoại trưởng và bà Gina Haspel ngồi vào ghế giám đốc Cục Tình báo trung ương (CIA) thay cho ông Pompeo.

Tâm lý đầu tiên tập trung vào niềm tin rằng Tổng thống Trump đang cố gắng hoàn thiện nội các, điều mà ông gọi là "chính phủ trong mơ". 

Nó có nghĩa những nhân vật mới sẽ để "Trump là Trump", sẽ không chen ngang và kiềm chế ông như những Tillerson hay H.RMcMaster đã đội nón ra đi. Quan trọng hơn, những Bolton, Pompeo và cả Haspel chia sẻ cùng thế giới quan với tổng thống.

Tâm lý thứ hai có vẻ bi quan hơn và bất kỳ ai mang tâm lý này sẽ khuyên bạn bắt đầu đào một cái hầm tránh bom trong sân nhà. 

Với họ, sự nổi lên của bộ ba Bolton - Pompeo - Haspel là sự trỗi dậy của thế lực sẵn sàng xé bỏ Thỏa thuận hạt nhân Iran, tái khởi động các chương trình tra tấn bí mật và tồi tệ hơn, khơi mào một cuộc chiến với Triều Tiên. Với họ, bộ ba này có thể tóm gọn trong hai chữ "diều hâu".

Trong khi bà Haspel vẫn còn những ẩn số chưa biết với công luận, ba nhiệm kỳ nghị sĩ của ông Pompeo đã cho thấy ông là một con người cứng rắn, ủng hộ đánh phủ đầu các cơ sở hạt nhân của Iran ngay cả khi các cuộc đàm phán quốc tế đang được tiến hành.

Hai con người đó, cộng với những phát ngôn trong quá khứ của ông Bolton, khiến ai đó phải thốt lên rằng Tổng thống Trump đang bị vây quanh bởi một nhóm có đường lối cực kỳ cứng rắn trong việc định hình chính sách đối ngoại cho nước Mỹ.

Không có cái gì gọi là Liên Hiệp Quốc hết. Chỉ có một thứ gọi là cộng đồng quốc tế mà thỉnh thoảng được dẫn dắt bởi một cường quốc thật sự trên thế giới. Đó là nước Mỹ, là khi điều đó phù hợp với lợi ích của chúng ta, khi chúng ta có thể lôi kéo những nước khác đi cùng.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton với câu nói nổi tiếng năm 1994

Ai nên lo trước tiên?

Liên Hiệp Quốc (LHQ) hay các quốc gia như Triều Tiên, Iran nên lo trước tiên? Câu trả lời có lẽ là cả hai.

Một mình cố vấn an ninh quốc gia Bolton - vị trí không cần Thượng viện Mỹ phê chuẩn, đã đủ khiến các nhà chiến lược đau đầu. Bộ ba Bolton - Pompeo - Haspel sẽ thay đổi đáng kể hình ảnh của nước Mỹ trên trường quốc tế, ít nhất cho tới khi nào họ bị miễn nhiệm hoặc hết nhiệm kỳ của ông Trump.

Thế giới lo lắng trước cố vấn an ninh quốc gia mới của ông Trump - Ảnh 3.

Tổng thống George W Bush lắng nghe bài phát biểu của ông John Bolton sau khi đề cử ông ấy trở thành Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc. Trên thực tế, ông Bolton chưa bao giờ nhận được sự phê chuẩn của Thượng viện Mỹ để chính thức ngồi vào chiếc ghế này. Những bất đồng giữa hai đảng tại thượng viện và các tuyên bố cá nhân của ông Bolton về LHQ đã trì hoãn việc phê chuẩn. Mọi sự chấm dứt khi ông Bolton tuyên bố thôi vai trò ở Liên Hiệp Quốc tháng 12-2006, nhấn mạnh không tiếp tục tìm kiếm sự phê chuẩn của thượng viện - Ảnh: AFP

Ông Richard Gowan, một nhà phân tích thuộc Đại học Columbia (Mỹ), nhận định rằng "LHQ sắp sửa đối mặt với những khó khăn đáng kể" khi ông Bolton trở thành Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ. 

Chính quyền Trump đã cắt bớt các khoản đóng góp ngân sách dành cho LHQ, thu hẹp các sứ mệnh gìn giữ hòa bình, nhưng dưới sự đạo diễn của ông Bolton, mọi thứ có thể sẽ còn bị cắt kinh khủng hơn thế.

Người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric - người từng phản pháo các chỉ trích của ông Bolton năm 2006, nay nhấn mạnh rằng Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã có mối quan hệ "rất tích cực và mang tính xây dựng" với cựu cố vấn an ninh quốc gia H.R.McMaster và hi vọng "sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ đó với người mới".

"Chúng tôi sẽ để việc phân tích các tuyên bố trong quá khứ của ông Bolton cho các nhà báo và sử gia. Chúng tôi không suy đoán về tương lai, chúng tôi đối mặt với hiện tại", ông Dujarric nay khéo léo né tránh vấn đề khi được yêu cầu bình luận về những chỉ trích nhắm vào LHQ trong quá khứ của ông Bolton.

Xuyên suốt Trung Đông là những phản ứng trái chiều. Với Israel, vai trò mới của ông Bolton thật sự là một tin tốt đáng chờ, người đã từng phản đối giải pháp hai nhà nước trong vấn đề Israel - Palestine.

Nếu không có gì bất trắc, ông Bolton sẽ bắt đầu vai trò mới kể từ ngày 9-4, khoảng 1 tháng trước thời hạn chót 12-5 mà ông Trump buộc châu Âu phải làm mới lại thỏa thuận hạt nhân với Iran sao cho ông thấy hợp lý.

Giải mã chuyện Ngoại trưởng Mỹ bị cách chức Giải mã chuyện Ngoại trưởng Mỹ bị cách chức Vị giám đốc CIA sắp làm Ngoại trưởng Mỹ khôn khéo cỡ nào? Vị giám đốc CIA sắp làm Ngoại trưởng Mỹ khôn khéo cỡ nào? CIA sắp có giám đốc là nữ điệp viên từng tra tấn tù nhân tại Thái Lan CIA sắp có giám đốc là nữ điệp viên từng tra tấn tù nhân tại Thái Lan
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        240,848       638