TTO - Trong tình thế đặc biệt của riêng mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn quyết định chúc mừng Tổng thống Nga Vladimir Putin tái đắc cử.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có những bước đi khó dự đoán trong quan hệ với Tổng thống Nga Putin - Ảnh: REUTERS
Đó có thể là một ván bài thực sự. Cuộc gọi chúc mừng của ông Trump ngày 20-3 đang là tâm điểm cho những tranh cãi trong chính trường Mỹ. Ông Trump không phải không hiểu rằng bản thân đang đối diện nghi án "câu kết" với người Nga, nên ông đã làm như vậy hẳn có dụng ý.
Chọc "ổ kiến lửa"
Theo dõi truyền thông Mỹ những ngày này, dễ thấy cuộc gọi của ông Trump nói trên được mô tả ngắn gọn: vị tổng thống Mỹ đang hành động bất chấp, còn nội bộ Nhà Trắng rối như canh hẹ.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Nga vẫn đang bị cho là căng thẳng nhất từ sau Chiến tranh lạnh. Thậm chí mới cách đó vài ngày, chính tay ông Trump đã ký lệnh trừng phạt bổ sung đối với Nga, liên quan tới tình hình miền đông Ukraine. Chưa hết, hiện một cuộc điều tra đặc biệt tại Mỹ đang được tiến hành nhằm vào nghi án mối quan hệ giữa chiến dịch bầu cử của ông Trump với người Nga.
Trong tình thế nhạy cảm, các cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump được cho đã cảnh báo vị tổng thống này rằng đừng nên gọi điện chúc mừng ông Putin. Và Đài CNN ngày 22-3 dẫn lời những nguồn thạo tin cho biết ông Trump đã nổi giận và đòi truy lùng kẻ tung tin sau những rò rỉ về nội dung cuộc điện đàm nêu trên. Nói cách khác, song song với việc hàng loạt quan chức dưới quyền ông Trump bị sa thải trong một năm qua, một lần nữa nghi án "có tay trong" lại xuất hiện ở Nhà Trắng.
Cao trào trong những màn tấn công ông Trump lên tới đỉnh điểm vào ngày 21-3. John O. Brennan, cựu giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), trên chương trình Morning Joe của MSNBC cho rằng ông Trump chúc mừng vì đang "sợ" ông Putin. Trùm tình báo từng giữ nhiệm vụ từ năm 2013 tới 2017 này nói thẳng: "Người Nga, tôi nghĩ rằng đã có những trải nghiệm lâu dài với ông Trump, và có lẽ đang nắm trong tay những điều mà họ có thể tiết lộ".
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump không gặp nhau chính thức tại Đà Nẵng hồi tháng 11-2017 nhưng lại trao đổi bên lề và cả hai bên đều tuyên bố hài lòng với những gì đã chia sẻ - Ảnh: AFP
Bị động hay cao tay?
Nếu đúng các cố vấn của ông Trump đã khuyên không nên gọi điện chúc mừng, điều này chỉ nói lên sự thật rằng người đứng đầu Nhà Trắng đã có một động tác cố tình làm ngược lại. Nhưng tại sao?
Trong hai dòng trên Twitter kế nhau ngày 21-3, ông Trump viết: "Tôi đã gọi điện cho Tổng thống Nga Putin để chúc mừng ông ấy tái đắc cử (trong quá khứ ông Obama cũng đã làm vậy). Truyền thông giả mạo đang điên tiết vì họ muốn tôi phê phán ông ta. Họ sai rồi! Hòa hợp với Nga (và các nước khác) là điều tốt, chứ không phải xấu… Họ có thể giúp giải quyết vấn đề Triều Tiên, Syria, Ukraine, ISIS, Iran và thậm chí là cuộc chạy đua vũ trang. Ông Bush cũng từng muốn hòa hợp, nhưng không có "sự thông tuệ" kiểu này. Obama và Clinton cũng cố rồi, nhưng không có sức mạnh như thế".
Phe chỉ trích nhanh chóng cho rằng ông Trump đã mâu thuẫn nặng ở vấn đề Ukraine. Đã ký lệnh trừng phạt Nga vì Ukraine, giờ đây lại cho rằng ông Putin có thể giúp tháo gỡ xung đột Ukraine. Thêm nữa, trong lúc Mỹ lên tiếng sát cánh cùng Anh trong cáo buộc Chính phủ Nga đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal, giờ đây ông Trump lại chúc mừng ông Putin giữ được vị trí lãnh đạo.
Trong một phát ngôn khác, Nhà Trắng nói: "Chúng tôi không định chỉ đạo cách nước khác vận hành. Những gì chúng tôi hiểu rõ là Putin đã tái đắc cử tại đất nước của ông ta, và đó không phải là những điều chúng tôi có thể chỉ đạo cho họ hay cách vận hành của họ".
Xét về ngoại giao, cú điện đàm kèm những lời giải thích ấy xem chừng khó bị bắt bẻ. Nhất là khi chính tờ New York Times - tờ báo chống ông Trump quyết liệt - miễn cưỡng thừa nhận Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng chúc mừng ông Putin. Và nếu lời nói và hành động của chính quyền ông Trump về Nga có lệch nhau thì… đã sao? Một cuộc điện đàm không ảnh hưởng tới những biện pháp cụ thể mà Mỹ dùng để ứng phó với Nga. Nhưng ngược lại, nếu tỏ thái độ rõ ràng với Nga qua chuyện làm lơ với ông Putin thì chẳng có tác dụng gì ngoài chuyện Mỹ tự động tuyên bố có thêm một kẻ thù.
Sớm có cuộc gặp?
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 21-3 nói với các phóng viên rằng "có lẽ chúng ta sẽ gặp Tổng thống Putin trong một tương lai không xa". Theo tờ New York Times, việc ông Trump "hứa gặp" ông Putin hoàn toàn khiến các quan chức Nhà Trắng bất ngờ. Nhiều người khẳng định họ không có kế hoạch nào cho sự kiện này cho đến tháng 11 năm nay, khi ông Trump và ông Putin dự kiến sẽ gặp mặt tại cuộc họp G20 ở Argentina.