Thế giới

Sergey Lavrov - nhà ngoại giao kỳ tài của Nga

TTO - Sáng nay (23-3), Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thăm chính thức Việt Nam sau chuyến công du tại Nhật Bản. Ông là một nhà ngoại giao kỳ cựu và nhiều tài năng, đã bao phen góp phần đưa nước Nga vượt qua sóng gió.

Sergey Lavrov - nhà ngoại giao kỳ tài của Nga - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tham dự cuộc họp quốc tế về Syria ở Kazakhstan ngày 16-3 - Ảnh: REUTERS

Tính đến năm 2018, ông Sergey Lavrov đã dẫn dắt nền ngoại giao Nga trên trường quốc tế được 14 năm. Một trong những thành công ngoại giao đầu tiên của ông trên cương vị ngoại trưởng là đánh dấu sự trở lại chính thức vị thế cường quốc của Nga.

Đó là tháng 4-2004, lần đầu tiên sau khi Liên bang Xô viết tan rã, Nga đã dùng quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Những thành công khác của ông còn bao gồm: Hiệp ước An ninh châu Âu, Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược với Mỹ, đơn giản hóa chế độ thị thực với EU, sự kích hoạt đáng kể chính sách của Nga ở châu Á, chống lại Hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ...

Ngày 21-3 vừa qua, Ngoại trưởng Lavrov ăn mừng sinh nhật thứ 68 và tin đồn nói rằng ông sắp nghỉ hưu sau những năm tháng phục vụ miệt mài...

Nhà ngoại giao tài năng

Trong quyển sách "Dấu ấn cá nhân trên bàn đàm phán quốc tế" (NXB Aspect Press, 2012), giáo sư chính trị học người Nga Vasilenko Irina mô tả phong cách ngoại giao của ông Sergey Lavrov thuộc hình mẫu "người đổi mới", bên cạnh các hình mẫu "nhà doanh nghiệp", "nhà phân tích" và "nhà phê bình" thuộc nhóm "Nhà đàm phán xây dựng".

Tính cách của "người đổi mới" là một sự kết hợp hài hòa giữa trực giác, logic, hướng ngoại và ngang bướng. Trong lịch sử, phong cách tương tự có thể bắt gặp ở nhà ngoại giao nổi tiếng Aleksander Gorchakov (1798 - 1883), người đã góp phần đặt nền móng cho các trường phái đàm phán của ngành ngoại giao Nga.

Nhà báo người Mỹ Catherine Maddux kể những người đã có dịp quan sát ông Lavrov ở cự ly gần đều dùng 2 nhóm tính từ tương phản để mô tả ông: "thông minh, hài hước, có duyên, mạnh mẽ một cách trí thức"; nhưng bên cạnh đó lại "nặng nề trong chỉ trích, coi thường, cương quyết, cố chấp và lạnh lùng".

Washington "ngán" ông Lavrov đến mức một quan chức dưới triều Tổng thống George W. Bush gọi ông là "gã xấu xa" (Foreign Policy, 4-2013). Ông không ít lần chọc tức và "choảng nhau" không chút kiêng nể với các cựu ngoại trưởng Hillary Clinton và Condoleeza Rice của Mỹ.

Trước khi được ông Putin chọn làm bộ trưởng ngoại giao, ông Lavrov giữ chức đại sứ Nga tại LHQ trong 10 năm, từ năm 1994 đến 2004. 

"Ông ấy là ngôi sao của Hội đồng Bảo an trong suốt thời gian ông ấy ở đó" - nữ nhà báo Evelyn Leopold - trưởng bộ phận Liên Hiệp Quốc của Hãng tin Reuters, nhận xét về ông Lavrov.

Còn theo nhà báo Colum Lynch của tạp chí Foreign Policy, ông Lavrov là người am hiểu ngôn ngữ luật của Hội đồng Bảo an hơn bất cứ ai. 

Ông ấy cực kỳ sắc sảo, sở hữu một trí nhớ gần như là bách khoa toàn thư, thuộc nằm lòng từ những thứ vụ vặt cho đến tất cả nghị quyết về Trung Đông, Kosovo và Balkans"

Nhà báo Colum Lynch của tạp chí Foreign Policy

Có một chuyện nhỏ thú vị: Ông Lavrov ghiền thuốc lá nặng, có lẽ ông người duy nhất ở Liên Hiệp Quốc dám công khai vỡ quy định cấm hút thuốc của Tổng thư ký Kofi Annan. Ngoài ra ông còn rất thích rượu whisky của Scotland.

Sergey Lavrov - nhà ngoại giao kỳ tài của Nga - Ảnh 3.

Ông Lavrov trong một bức ảnh cũ chụp chung với ông Putin - Ảnh: FP

Có một Sergey Lavrov khác

Giữ vai trò tướng tiên phong trên mặt trận ngoại giao cho Tổng thống Putin trong một giai đoạn nhạy cảm và căng thẳng của lịch sử, quan điểm cá nhân của Ngoại trưởng Lavrov trong các vấn đề quốc tế lớn có liên quan đến Nga là một bí mật đối với phương Tây.

Trước công chúng, ông Lavrov luôn đề cao tầm quan trọng của nước Nga và sự phục hồi từ hố sâu tuyệt vọng của nền kinh tế, chính trị những năm 1990, khi Tổng thống Boris Yeltsin gần như không kiểm soát được chính phủ Nga non trẻ.

Theo bà Angela Stent - chuyên gia về Nga thuộc Đại học Georgetown (Mỹ), có một thứ khá chắc chắn, đó là ông Lavrov ủng hộ khôi phục vị thế của Nga trên trường quốc tế nói chung, nhưng liệu ông thuộc vòng tròn trong hay ngoài của Tổng thống Putin thì không ai biết.

Sergey Lavrov - nhà ngoại giao kỳ tài của Nga - Ảnh 4.

Ngoại trưởng Lavrov gặp người đồng cấp Hillary Clinton năm 2009. Bà Clinton trao cho ông chiếc nút mang ý nghĩa tái khởi động quan hệ Mỹ - Nga - Ảnh: REUTERS

Nhà báo Mỹ Pete Heinlein, người từng làm việc tại LHQ cho Đài VOA và tiếp xúc với ông Lavrov, kể nhà ngoại giao Nga rất thích môn cờ vua, cả ngoài đời lẫn phía sau phòng thương thuyết. Ngoại giao là niềm đam mê thứ hai của ông.

"Khi chuẩn bị rời LHQ, ông ấy mời tất cả chúng tôi về nhà, tất cả từ tổng thư ký cho đến mọi đại diện thường trực... Sau khi tiệc tàn và phần lớn mọi người rời đi, ông ngồi trên chiếc ghế rít thuốc liên tục và bắt đầu kể cho chúng tôi chuyện các nhà ngoại giao giao du với nhau ra sao, về mối quan hệ bình thường giữa họ.

Và anh có thể nói ngay ông ấy có cảm tình thậm chí với những đối thủ nghiêm khắc nhất của mình. Đó là một khoảnh khắc thật đẹp khi anh có thể nhìn thấy một Sergey Lavrov rất thật" - nhà báo Heinlein hồi tưởng lại.

Nghề cổ xưa nhất

Tháng 6-2017, Ngoại trưởng Lavrov đến thăm vùng Kaliningrad của Nga và gặp gỡ các sinh viên của Đại học liên bang Baltic theo tên gọi triết gia Immanuel Kant. Thấy trước mặt mình là các khán thính giả trẻ trung và hiện đại, ông Lavrov đã không bỏ lỡ dịp trêu đùa và truyền cho các bạn trẻ một chút kiến thức.

Từ thời Liên Xô, người Nga có một câu nói đùa rằng nghề cổ xưa nhất quả đất là nghề bán dâm. Ông Lavrov nói bản thân không đồng ý với nhận định này tí nào.

"Tôi sẵn sàng bảo vệ quan điểm rằng gọi cái nghề nổi tiếng ấy là 'cổ xưa nhất' không chính xác. Nghề cổ xưa nhất phải là ngoại giao, vì trước tiên người ta phải thương lượng với nhau đã" - vị ngoại trưởng dí dỏm.

Ngoài ý nghĩa hài hước, bài học nghiêm túc ông Lavrov gửi đến các sinh viên là con người đã bắt đầu phát triển các kỹ năng ngoại giao từ thời điểm bình minh của nền văn minh.

Matxcơva ám chỉ Mỹ hỗ trợ tấn công căn cứ Nga

TTO - Hai căn cứ quân sự của Nga tại Syria đã bị tấn công đồng loạt bằng máy bay không người lái. Nga lên tiếng cho rằng chống lung cho vụ này là Mỹ.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        241,272       468